Thứ ba, 14/4/2015, 23h04

Ký ức Sở Thùng

Hàng quán mọc lên dọc theo đại lộ Phạm Văn Đồng
Sở Thùng, một địa danh chưa hề có tên trong bản đồ hành chính nhưng người Sài Gòn hầu như đều biết bởi một thời nơi đây là vùng đất trú ngụ của giang hồ tứ phương với nhiều tệ nạn xã hội.
Sở Thùng là xóm nhà thuộc đường Phan Văn Trị (P.11, Q.Bình Thạnh), tiếp giáp với Q.Gò Vấp. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nơi đây là vùng đất hoang vu, có nhiều ao hồ, đầm lầy và cũng là nơi tiếp nhận rác từ khắp nơi đưa về. Và trước 1975, mỗi ngày nơi đây “đón” hàng chục chiếc thùng phân từ nhà vệ sinh của các căn cứ lính Mỹ. Cái tên Sở Thùng ra đời từ đó.
“Trai giang hồ, gái phấn son”
Là người cố cựu ở Sở Thùng, ông Nguyễn Mười tặc lưỡi khi chúng tôi hỏi về cuộc sống của người dân ở đây mấy chục năm về trước: “Cái nghèo và tệ nạn bủa vây. Nhiều gia đình con cái hư hỏng, nghiện ma túy, tù tội vì dấn theo nghề đâm thuê chém mướn, môi giới mại dâm, mua bán cái chết trắng… Khoảng 20 năm trở lại đây thôi, không kiếm đâu ra một căn nhà tường ở Sở Thùng, toàn là nhà tạm siêu vẹo, chắp vá bằng tôn, giấy bạt và nhiều thứ mục nát kiếm được ở những xe rác đêm. Nhà cửa tạm bợ gá lên nhau để chống đổ ngã. Thế mới có chuyện hàng xóm xích mích nhau, dù là chuyện nhỏ nhặt nhưng giải quyết bằng cách “không cho gá cây lên nhà nữa”, thậm chí xô ngã cho bõ ghét”.
Ông Mười kể tiếp: “Ở Sở Thùng người nghiện rượu nhiều vô kể. Trong số đó có một ông sống bằng nghề lượm ve chai, lúc tỉnh thì hiền như cục đất, còn khi say là thích… đốt nhà khiến hàng xóm luôn nơm nớp, đêm ngủ không yên. Có hôm đang thiu thiu ngủ, nghe lớn tiếng là cả xóm lục đục chuẩn bị… chữa cháy”. Chuyện là vậy nhưng chẳng ai dám lên tiếng vì người dân ở đây không còn lạ gì cảnh tượng bị truy sát bất cứ lúc nào nếu mạnh miệng phản đối về lối sống không lành mạnh của giới giang hồ. Những cuộc thanh trừng đẫm máu diễn ra thường xuyên mà theo ông Mười là “Ngày nào cũng có đổ máu, không sáng thì chiều, không chiều thì nửa khuya giữa những ông trùm bảo kê sòng bạc, chăn dắt gái. Tụi nó có thể đánh nhau đến chết nhưng với người dân làm ăn lương thiện ở đây thì luôn bênh vực, chẳng làm khó ai nếu biết điều với ba không: Không nghe, không thấy và không biết”.
Cái nghèo, ít học kéo theo tệ nạn xã hội. “Mại dâm, ma túy, trộm cướp, giang hồ… đều có, mà “món” nào cũng ra trò chẳng khác nào những điểm nóng tệ nạn lúc bấy giờ như Mã Lạng (Q.1), Cống Bà Xếp (Q.3), Cầu Muối (Q.1) hay Xóm Gà, Ngã ba bụi đời (Q.Bình Thạnh)… Ông Mười nhớ lại: Không chỉ người dân sống ở Sở Thùng mà ở vùng lân cận đều biết đến gia đình ông “Tư điên”, thời gian đó là một trùm cho vay nặng lãi. Chân rết của “Tư điên” có khắp nơi, trong đó có cả anh em, con cháu của gã, hoạt động từ cho vay nặng lãi, môi giới bán dâm đến tổ chức sòng bạc… “Sau này, nhiều băng nhóm kéo về cát cứ, tranh giành địa bàn làm ăn. Băng nhóm “Tư điên” thất thế vì đàn em không phục, anh em hận thù nhau rồi mạnh ai tìm đường thoát thân. Nghe đâu “Tư điên” bị sát hại, con cái chết vì ma túy, nhiễm HIV…”, ông Mười thông tin.
Chỉ còn trong ký ức

Khu Sở Thùng nay nhà cửa đã khang trang
Sở Thùng được mệnh danh là vùng đất dữ vì “trai giang hồ, gái phấn son” từ khắp nơi chọn làm chốn nương náu. Theo các bậc cao niên, sở dĩ giang hồ tứ phương chọn vùng này để hoạt động vì Sở Thùng có địa bàn hiểm trở, gần nghĩa địa, bô rác và sình lầy tiếp giáp sông nước (sông Vàm Thuật - PV). Những lớp người lớn lên với nghề rác ở Sở Thùng ít nhiều ảnh hưởng môi trường sống, vướng vào tệ nạn xã hội khi tuổi đời còn rất trẻ. Những cái tên sặc mùi giang hồ từng có quãng tuổi thơ dữ dội ở Sở Thùng, nổi lên sau 1975 được nhắc đến như Sơn “máy tàu”; Minh “què”, “trùm” Le…
Thế hệ giang hồ trước 1975 ở Sở Thùng xộ khám, chết vì bệnh tật và số ít “gác kiếm”, dạt về các tỉnh/thành ở ẩn cũng là thời điểm lớp “choai choai” vươn lên xưng hùng xưng bá. Ông Nguyễn Nên, một người hơn 20 năm hành nghề chạy xe ôm ở khu vực Bến xe Miền Đông, cho biết nhiều năm trước cánh xe ôm không ai dám chở khách về Sở Thùng vào ban đêm vì sợ bị đánh đập, cướp xe. “Con nghiện đói thuốc nằm vật vờ từ đầu đến cuối xóm. Thấy người lạ đi qua như thấy “mồi” ngon. Một lần tôi chở khách về đó bị một đám nghiện chặn xe xin đểu. Đứa cầm kim tiêm, kẻ vung tuýp sắt. Tôi phải móc hết tiền, lột đồng hồ đưa chúng mới thoát thân”, ông Nên kể lại.
Tuy nhiên, giang hồ “trẻ trâu” nói chuyện bằng kiếm, mã tấu ở Sở Thùng cũng chỉ “nổi” lên một thời gian ngắn. Cái xấu, cái ác bị ngăn chặn, trừng trị bởi chính lương tâm và pháp luật. Xóm nhà tạm nồng nặc mùi rác rưởi ngày nào nay đã khang trang hơn khi có tuyến đường vành đai Bình Lợi - Tân Sơn Nhất chạy qua (đại lộ Phạm Văn Đồng). Đời sống bà con nơi đây đã không còn “ngột ngạt” như xưa. Nay người dân ở Sở Thùng vẫn sống với nghề rác, hàng chục gia đình tiếp nối nghề. Trẻ em đã được đến trường học tập, thanh niên có nghề nghiệp ổn định. Và cái tên “đất giang hồ” chỉ còn trong ký ức...
Bài, ảnh: Trần Anh
Trước đây Sở Thùng còn là chợ trời ma túy lớn, là nơi đã giết chết biết bao thanh thiếu niên, mà nỗi đau còn theo mãi trong ký ức của những người cha, người mẹ quanh năm sống nhờ vào… rác. Cái nghèo và nỗi đau cứ tiếp nối, khiến không ít gia đình vì thế mà xác xơ, cùng cực.