Thứ sáu, 4/7/2014, 08h07

Lăng mộ “thủy tổ người Việt”

Ông thủ từ Biện Xuân Phẩm biết rất nhiều câu chuyện li kì về lăng mộ thủy tổ hàng ngàn năm tuổi
Vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh) có một nơi rất linh thiêng và rất đỗi tự hào mà không phải người nào cũng biết, đó chính là lăng mộ “thủy tổ người Việt” Kinh Dương Vương.
Cách Hà Nội khoảng 39km và TP.Bắc Ninh hơn 10km, men theo dòng sông Đuống nên thơ mà dữ dội, làng Á Lữ (xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là một di tích vô cùng độc đáo - lăng Kinh Dương Vương. 
Tự hào thần phả “thủy tổ người Việt”
Sử sách còn ghi lại Kinh Dương Vương chính là người khai sinh ra Nhà nước sơ khai dân tộc Việt. Theo tương truyền, ông còn là cha đẻ của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, là ông nội của vua Hùng đã dựng Nhà nước Việt mang tên Văn Lang đầu tiên.
Thần phả của làng và nhiều tài liệu sử sách ghi lại rất rõ họ Hồng Bàng là dòng họ đầu tiên làm vua ở nước ta. Thần Nông lấy Nữ Long sinh ra Viêm Đế. Viêm Đế lấy vợ sinh ra Đế Minh. Đế Minh đã có một người con trai là Đế Nghi. Song khi đi tuần thú ở miền Ngũ Lĩnh, Đế Minh đã nảy sinh tình cảm và lấy công chúa Vụ Tiên rồi sinh ra Lộc Tục. Lớn lên, Lộc Tục làm vua, được phong là Kinh Dương Vương, lập nên Nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất (2879 trước Công nguyên) và đặt tên nước là Xích Quỷ (tên một vì sao sáng đỏ rực bầu trời phương Nam trong dải Ngân Hà). Kinh Dương Vương đã dừng chân ở núi Ngàn Hống (nay là núi Hồng Lĩnh, Can Lộc, Hà Tĩnh), thành lập bộ tộc Dâu, đóng ở Liên Lâu (Luy Lâu, trấn Kinh Bắc xưa, nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Quốc hiệu lúc này được đặt là Việt Thường. Sau khi lập nghiệp, Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Thần Long sinh ra Sùng Lãm (tên húy của Lạc Long Quân).
Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương tạ thế ngày 18 tháng giêng tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh thuộc Bắc Ninh ngày nay. Sau khi cha mất, Sùng Lãm lên nối ngôi cha xưng là Lạc Long Quân.
Một điều hết sức bất ngờ và vô cùng thú vị là trải qua hàng ngàn năm với rất nhiều triều đại thăng trầm nhưng lăng mộ vị thủy tổ người Việt nay vẫn còn đó. Tựa mình bên triền đê sông Đuống uốn lượn, dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, lăng Kinh Dương Vương được xây dựng từ lâu đời trên bãi đất cao, uy nghiêm với kiến trúc nghệ thuật cổ độc đáo hướng thẳng ra sông Đuống nên thơ…
Toàn bộ diện tích khuôn viên lăng mộ rộng hơn 20 ngàn m2 được bao bọc bởi rừng cây cổ thụ khổng lồ nên thơ mà uy nghiêm. Thời vua Minh Mạng, lăng được tu bổ lập bia (được tạm dịch): Lăng miếu ngày xưa còn dấu tích thiêng liêng tại đây. Nơi thờ cúng này được cả nước sùng kính.
Bí ẩn câu thần chú ngàn năm

Lăng mộ thủy tổ Kinh Dương Vương
Ông thủ từ Biện Xuân Phẩm cho biết: Trong lăng Kinh Dương Vương còn lưu giữ rất nhiều đạo sắc phong, thần phả, đồ thờ tự, câu đối, bia ký có giá trị đã chứng tỏ việc thờ cúng các vị thủy tổ dân tộc ở Á Lữ có từ rất xa xưa. Đến đây, khách viếng thăm sẽ được ông thủ từ kể cho nghe nhiều về lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của tổ tiên ngàn xưa. Vào năm 1993, khu di tích đặc biệt này đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử. Hàng năm cứ vào ngày 18 tháng giêng (âm lịch), mọi người khắp các vùng miền xuôi dòng sông Đuống tụ họp về làm giỗ rất to để ôn lại truyền thống hào hùng đất nước hơn 4.000 năm lịch sử.
Ông thủ từ Biện Xuân Phẩm cho biết thêm: “Theo tích xưa, các cụ trong làng truyền lại: Khi Lạc Long Quân mang 50 người con theo mình về phương Nam dạy cho các con cách đóng bè chuối thành thuyền mà làm ăn sinh sống bằng nghề chài lưới, chẳng ngờ gặp cơn hồng thủy, một số người con trai đi đánh cá đã không thể trở về. Lạc Long Quân xót lòng xuống biển tìm con và dặn lại những người con khác rằng: “Nếu thấy cha đi lâu không về mà trên trần gian có điều gì khó khăn nguy hiểm thì ra bờ sông mà đọc thần chú rằng: “Ô hô! Ô hô! Ô hô” (nghĩa là cha về cứu chúng con)”. Sau này cứ trước ngày Giỗ tổ Kinh Dương Vương, người dân lại bơi thuyền ra giữa dòng sông lấy nước về cúng lễ. Hành động đó có ý nghĩa cao quý như lời mời đức thủy tổ về chứng kiến cuộc sống của nhân dân Á Lữ và nhân dân cả nước, phù hộ độ trì cho thiên hạ thái bình, vạn thọ”.
Đứng ở nơi linh thiêng này, đón cơn gió mát rượi thổi từ sông Đuống, ai cũng cảm nhận lòng mình thanh thản lạ và niềm tự hào dòng máu Lạc Hồng cứ trào dâng trong huyết quản.
Người được cử đi múc nước giữa dòng sông là người đã đứng tuổi, có uy tín trong làng, song toàn về mọi mặt, vợ chồng hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, không mắc tang chế.
Người đại diện làng lên một chiếc thuyền rồng trang hoàng cờ, lọng rực rỡ, các thanh niên trai tráng trong làng chèo ra giữa dòng sông để múc được nước trong lành và tinh khiết nhất. Nước này sẽ được dùng làm lễ thánh rất là thiêng liêng. Người được cử múc nước cúng thánh sẽ hô thần chú: “Ô hô! Ô hô! Ô hô” ba lần rồi dùng gáo dừa nhỏ múc từng gáo đổ vào một cái chóe. Khi chóe đầy, đoàn rước trang trọng đưa nước về lăng Kinh Dương Vương để cúng và dùng cho các việc tế lễ trong suốt mấy ngày diễn ra lễ hội.
Sau ngày giỗ chính, số nước còn lại trong chóe sẽ được rước và đổ lại về dòng sông. Đó là lời cảm ơn của thế hệ con cháu rồng tiên với đức thủy tổ có công khai mở đất nước.
Bài, ảnh: Nhã Uyên
Lăng mộ Kinh Dương Vương nằm ở khu đất thoáng rộng đến 3.000m2, cảnh quan rất đẹp. Bên trong đền có ba ngai thờ: Ngai Kinh Dương Vương đặt ở gian giữa, ngai Lạc Long Quân ở bên phải, ngai  Âu Cơ đặt ở bên trái.
Ngoài các đồ thờ cúng, lăng có lưu giữ 15 đạo sắc phong thời Nguyễn, khẳng định lăng mộ Kinh Dương Vương là lăng tẩm đế vương bằng chữ Hán, có một sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 33, tạm dịch là: Làng Á Lữ từ lâu phụng thờ đền Kinh Dương Vương, vị vua khai sáng văn minh, thánh của người Việt. Chuẩn cho tiếp tục thờ theo nghi lễ Quốc khánh.