Thứ sáu, 19/3/2010, 08h03

Ngăn chặn bạo lực học đường: Đừng “khoán trắng” cho nhà trường

Trong những ngày gần đây, cư dân mạng liên tục xôn xao về video clip về học sinh nữ đánh nhau tại một số trường học ở Hà Nội. Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM về tình trạng bạo lực trong học đường.
PV: Thưa ông, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày gần đây đang “nóng” về những vụ việc đánh nhau ở lứa tuổi học sinh (HS). Cụ thể là vụ HS đánh nhau “hội đồng” tại Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), Trường THPT Bình Phú (Bình Dương)… với những lời lẽ và hành vi hết sức phản cảm. Vậy, ông đánh giá như thế nào về tình trạng bạo lực hiện nay trong học đường?
- Ông Lê Hồng Sơn: Tình trạng bạo lực học đường hiện nay là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Sự việc trong những ngày gần đây cho thấy, vấn đề bạo lực học đường đang ở mức báo động. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tình trạng này sẽ có nguy cơ bùng nổ và lan rộng trong các trường học dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trước hết, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập và tâm lý của các em. Từ những vụ việc đánh nhau đó có thể dẫn tới tai nạn đáng tiếc, các em có thể sẽ bị thương thậm chí dẫn tới tử vong. Bản thân những em là nạn nhân của các cuộc “hành xử” này nhiều khi vì quá lo sợ mà không khai báo với nhà trường. Và sẽ càng nguy hiểm hơn nếu như bản thân em HS đó tự tìm cách để trả thù theo kiểu “xã hội đen” mà không cần đến sự giúp đỡ của thầy cô, nhà trường.
Nguyên nhân của những vụ việc trên có thể do HS bị tiêm nhiễm từ phim ảnh, lối cư xử, hành xử của các đối tượng bên ngoài nhà trường thậm chí là của những người lớn trong gia đình. Nhiều HS có cha mẹ hoặc người thân là những người hành nghề tự do trong xã hội và có cách cư xử không đúng chuẩn mực. Chính những thói quen ứng xử hàng ngày của họ đã vô tình gieo trong đầu các em những suy nghĩ không tốt dẫn đến việc các em có lối cư xử, hành xử không hay trong nhà trường và với bạn bè.
Trước thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra tại các trường hiện nay, Sở GD-ĐT đã có những biện pháp nào để tuyên truyền và giáo dục HS nhằm ngăn chặn tình trạng nói trên, thưa ông?
- Ở TP.HCM, tình trạng bạo lực học đường trong thời gian gần đây cũng có xảy ra. Tuy nhiên, con số đó không nhiều và chưa đến mức nghiêm trọng. Nhưng không vì lẽ đó mà ban ngành lãnh đạo sở, lãnh đạo các phòng GD-ĐT và các trường thờ ơ với tình trạng này. Riêng với ngành GD-ĐT TP.HCM trong những năm gần đây đã có những chỉ đạo sâu sắc, cụ thể tới các phòng GD-ĐT, các trường học nhằm xây dựng một “môi trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng “nếp sống văn minh đô thị” do Bộ GD-ĐT và UBND thành phố phát động. Một trong những nội dung của phong trào là phải thực hiện hành vi ứng xử, cư xử, hình thành nhân cách đối với HS. Ngành GD-ĐT TP.HCM cũng xác định mục tiêu định hướng của mình đối với từng bậc học cụ thể. Đối với HS bậc tiểu học chú trọng việc hình thành nhân cách, HS bậc trung học hoàn thiện và rèn luyện cho các em kĩ năng sống, lối ứng xử, hành xử với nhau để ra trường, các em trở thành người linh hoạt, có sức khỏe, có lối sống văn minh, hiện đại.
Đứng trên phương diện là một lãnh đạo của Sở GD-ĐT, ông có nhắn gửi điều gì với các bậc phụ huynh cũng như các em HS?
- Nhân đây, tôi cũng mong muốn các bậc phụ huynh HS nên quan tâm tới việc học và rèn luyện của con em mình hơn nữa. Không nên “khoán trắng” việc dạy dỗ cho nhà trường vì thực ra, các em chỉ có mặt tại trường từ 8 - 10 tiếng/ngày, rồi sau đó lại trở về với gia đình và xã hội. Cũng đừng bao giờ vô cảm trước những việc xảy ra trước mắt mình, không những chỉ là chuyện thấy những đứa trẻ đánh nhau ngoài đường mà ngay cả những chuyện nhỏ nhặt khác, người lớn phải là tấm gương để các em noi theo.
Ngọc Anh