Chủ nhật, 16/3/2014, 17h03

Người đi gieo hạt

Thầy và trò phải soi đèn pin mới thấy chữ
Thầy cô giáo cắm bản ở xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) - nơi mà mọi người hay bảo một con gà gáy ba nước đều nghe tiếng (Việt Nam - Lào - Trung Quốc) - Chia tay miền xuôi rực rỡ ánh đèn, họ vượt biết bao gian nan để nhận trọng trách người đi gieo hạt nơi vùng cao Tây Bắc...
Lớp học giữa đại ngàn
Trời tối nhá nhem, chúng tôi ghé điểm trường học nằm giữa bản A Pa Chải (xã Sín Thầu). Vào thăm lớp, chúng tôi không thể tin vào mắt mình nữa. Thầy giáo tên Nguyễn Văn Dọn vừa cầm đèn pin vừa viết bảng, phía dưới là gần 40 học sinh từ 10-40 tuổi, mỗi bàn có một chiếc đèn dầu cải tiến, dầu đựng trong lon bia, khoét một lỗ để bấc. Mỗi học sinh tay cầm một chiếc đèn pin.
Thầy viết đến đâu học sinh soi đèn pin vào chữ đó. Chúng tôi đứng cuối lớp không thể nhìn ra chữ nào. Nhưng với học sinh và thầy giáo thì vẫn nhìn rõ, vì đã học như vậy quen rồi. Ở lớp học chúng tôi còn để ý thấy nhiều bàn có ba người ngồi, hai người lớn và một trẻ em.
Chị Vàng Ý Lù, vợ của Trưởng bản Sừng Pó Tư, đầu tối chúng tôi còn thấy chị đang bận rộn cho đàn lợn ăn. Vậy mà giờ đây đã tươm tất quần áo, sách vở ngồi học. Cạnh chị Lù là chị Chang Nhù Xó, vợ của Chủ tịch xã Sừng Khai.
Ở lớp còn có nhiều chị em khác cũng trạc tuổi chị Xó, chị Lù. Phong trào học ở đây chẳng kém gì các lớp bình dân học vụ trước đây. Chẳng thế mà sĩ số ban đầu của lớp chỉ có 15 học sinh, vậy mà giờ lên đến 40 người.
Cạnh lớp học của thầy Dọn là lớp phổ cập THCS của thầy Chiến, học sinh và thầy giáo cũng dùng đèn dầu và đèn pin để dạy và học. Thầy Chiến cho biết: “Khi ca chiều vừa tan, chúng tôi vội vàng ăn bát cơm nguội rồi lên lớp. Ban ngày chúng tôi phải dạy lớp chính. Mỗi người dạy 2 ca sáng và chiều. Lớp buổi tối là tăng ca”. Ngày dạy 3 ca, quả là quá sức của các thầy. Nhưng vì học sinh thân yêu các thầy luôn động viên nhau vượt khó. Có lẽ chuyện vượt khó và sự hy sinh với các thầy giáo nơi đây đã thành thói quen.
Sáng ra chúng tôi quay lại trường học, điểm trường A Pa Chải có 3 phòng: 2 phòng học, 1 phòng làm chỗ ở cho 3 thầy giáo. Phòng ở của các thầy là mô hình “3 trong 1”. Phòng ở vừa là phòng ăn, vừa là phòng tiếp khách và kiêm luôn phòng làm việc.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy một thầy giáo dạy lớp 1. Giọng của thầy Dọn rất ấm, gần 20 học sinh nhí chăm chú nghe giảng. Thầy dạy các em đánh vần từng âm, ân cần cầm tay từng em hướng dẫn học viết. Chúng tôi thầm nghĩ ở ngã ba biên giới này phải nói “thầy giáo như mẹ hiền” mới đúng. Bản A Pa Chải chưa có lớp mầm non, nên thầy Dọn kiêm luôn giáo viên dạy tiếng phổ thông, dạy các em hát… Những ngày đầu mới đến thầy dạy rất khó, vì thầy và trò bất đồng ngôn ngữ. Thế là thầy Dọn phải “xóa mù chữ” tiếng Hà Nhì cho mình trước, rồi dạy học sinh sau.
Chuyến đi bộ lịch sử

Vợ chồng thầy Đà và cô Vân hạnh phúc cùng cô con gái
Ngày nay đường sá ở Mường Nhé đã tốt hơn nhưng những năm trước bất cứ một ai muốn đến ngã ba biên giới làm việc đều phải qua một vòng sát hạch là… đi bộ. Nhóm 6 thầy cô giáo, trong đó có thầy Vui và thầy Dọn lần đầu tiên lên đây đã gặp một lần “thử lửa” có lẽ nói ra ít giáo viên miền xuôi nào tin được. Cách đây chục năm, 6 thanh niên - 3 thầy và 3 cô là: Vui, Dọn, Vân, Hiền, Nghĩa và Thúy cùng xung phong lên A Pa Chải dạy học.
Lúc đầu mọi người cũng chỉ nghĩ nơi đó là vùng sâu, vùng xa có đông người rồi mọi khó khăn cũng qua. Ý chí tuổi trẻ được thử thách ngay từ ngày đầu tiên. Ngồi trên chiếc xe khách “trần gian có một” chật như nêm cối từ Điện Biên vào Mường Chà thì dừng. Vừa xuống khỏi chuyến xe bão táp các thầy cô thầm nghĩ “từ nay cạch đến già không bao giờ dám ngồi trên chiếc xe khách đó nữa”.
Nhưng được ngồi trên chuyến xe đó vẫn còn sướng chán, bởi lẽ từ Mường Chà đến Sín Thầu còn gần 200 cây số nữa mà chỉ có cách là… đi bộ. Các thầy cô phải trèo đèo lội suối, băng rừng mà đi. Ngày đầu tiên đi rừng chân tay bầm tím. Sáng hôm sau ngủ dậy, ai cũng tưởng đôi chân không phải của mình nữa.
Ngày thứ nhất, ngày thứ hai, thứ ba... các thầy cô lết đi từng bước. Ba ngày đầu còn cười nói động viên nhau, đến ngày thứ tư không ai nói nổi với nhau một câu nào nữa. Mọi người liên hệ với nhau chỉ còn cách ra hiệu. Khó khăn đâu dừng lại ở đó, đồ đạc mang theo không một ai còn đủ sức để vác. Đành bỏ tiền thuê người địa phương vác giúp.
Suốt chặng đường gian khổ đó, mỗi thầy cô đã kịp “phá” 10 đôi dép. Hôm vào tới Sín Thầu, chân ai cũng tứa máu, phồng rộp như bánh đa nướng. Lương chưa có cả nhóm đã mất hơn 1 triệu đồng thuê người vác đồ.
Những ngày đầu các thầy cô viết thư về nhà kể rằng đang sống giữa chốn rừng rú không điện, không nước sạch, lớp học tạm bợ, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ... Đến lúc này, ngay cả bố mẹ cũng không tin là con mình vất vả đến thế. Chỉ biết rằng 2 năm con không về nhà đón Tết mới tin điều con viết trong thư là sự thật. Hai năm đầu, không một thầy cô nào dám về nhà ăn Tết vì ngán chặng đường quá gian nan”.
Xin được nhấn mạnh thêm, trước khi nhóm 6 thầy cô này đến, cả xã Sín Thầu mới có 10 giáo viên. Mặc dù được các thầy cô đến trước động viên, 6 thầy cô  “lính mới” vẫn khóc hết nước mắt.
Đất lạ hóa quê hương
Chuyện dạy học đã khó khăn là vậy, cuộc sống của các thầy cô còn vất vả hơn nhiều. Trong 4 thầy giáo dạy ở A Pa Chải thì thầy Trần Hữu Chiến (quê Hòa Bình) đến đầu tiên. Năm 2002, Chiến xung phong lên đây dạy. Bắt xe lên huyện Mường Tè rồi anh cuốc bộ liền một mạch 140 cây từ thị trấn Mường Tè đến A Pa Chải. Khỏi phải nói chuyện đi vất vả ra sao. Chỉ biết rằng sau nửa tháng những vết phồng chân mới khỏi. Những ngày đầu đến có hôm anh phải ăn quả sung thay cơm. Bởi lẽ A Pa Chải ở tít trong rừng sâu. Muốn trao đổi hàng hóa phải đi bộ 7 ngày ra Mường Cang, còn muốn mua hàng bên kia biên giới cũng mất 2 ngày, hôm nào mưa chỉ còn cách ngồi nhà. Sau 5 năm gắn bó với mảnh đất này, Chiến đã dần quen. Không những thế anh còn là chàng rể quý của dân tộc Hà Nhì. Vợ anh vừa sinh cháu thứ hai, Chiến phải cho vợ về quê ở Hòa Bình, còn mình ở lại đây dạy học.
Giờ đây vào Sín Thầu xe máy có thể đi đến tận bản, các thầy cô giáo cũng đỡ vất vả hơn. Vượt qua bao khó khăn, từ những lớp học tạm bợ ban đầu, giờ đây Trường THCS Sín Thầu đã được xây dựng khang trang. Các thầy cô cũng dần ổn định cuộc sống. Nhiều thầy cô đã nên duyên từ mảnh đất này.
Tại Trường THCS Sín Thầu là vợ chồng thầy Đà và cô Vân. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà tranh nhỏ xíu xây bằng đất vừa mới được dựng lên, cô Vân nhớ lại: “Em cũng không hiểu sao ngày đó mình có thể lên được nơi đây, cứ như có phép lạ vậy”. Giờ họ đã có cô con gái gần 2 tuổi. Cháu gái là minh chứng cho tình yêu của họ ở mảnh đất này.
Cũng như cô Vân và thầy Đà, nhiều thầy cô giáo khác đã tìm được hạnh phúc và cùng đóng góp công sức nhỏ bé của mình để xây dựng mảnh đất ngã ba biên giới này…
Bài, ảnh: Ngọc Lan
Thầy Khoàng Lòng Tư, Hiệu trưởng Trường THCS Sín Thầu, cho biết: Trường đã có 35 giáo viên, ở 8 bản của xã đều có giáo viên cắm bản. Điều vui hơn cả là học sinh người Hà Nhì rất chịu khó đi học. Đó cũng là niềm động viên lớn nhất với các thầy cô giáo nơi đây.