Thứ tư, 7/7/2010, 08h07

Người đưa cây lúa Việt lên bục giảng quốc tế

Cô Trúc Chuyên (trái) nhận giải thưởng tại cuộc thi Sáng tạo trẻ lần 5

Bằng tình yêu nghề cộng với lòng nhiệt huyết và sự đam mê sáng tạo, cô giáo trẻ Huỳnh Nguyễn Trúc Chuyên (giáo viên Trường THCS An Hòa 1, TP. Cần Thơ) đã đưa hình ảnh hạt gạo, cây lúa quê nhà lên bục giảng và giành giải nhất tại cuộc thi Sáng tạo trẻ lần 5 do Công ty Microsoft Việt Nam tổ chức. Không dừng lại ở đó, cô còn vinh dự là một trong 4 đại diện của Việt Nam đưa sản phẩm của mình giới thiệu với bạn bè thế giới trong diễn đàn Sáng tạo châu Á Thái Bình Dương.
Sinh ra và lớn lên nơisông nước miền Tây, trong một gia đình bố mẹ đều là cán bộ viên chức, ngay từ nhỏ cô giáo Chuyên đã được bố mẹ định hướng cho con đường học vấn, chỉ có học mới giúp cô có được một cuộc sống ổn định về lâu về dài. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ năm 2005, cô về Trường THCS An Hòa 1, TP. Cần thơ dạy học.
Tích góp kinh nghiệm từ công nghệ thông tin
Cô tâm sự: “Sau mấy năm đi dạy, tiếp xúc với học trò thường xuyên, hiểu được những tâm tư tình cảm cũng như những khó khăn mà các em gặp phải khi thu nhận kiến thức đã dần dần hình thành trong tôi lòng yêu trẻ và đam mê tìm ra một phương pháp dạy học mới”.
Lúc đầu về trường, mặc dù ngành nghề chính mà cô được đào tạo là vật lý nhưng do trường còn thiếu giáo viên nên cô được phân dạy thêm môn công nghệ. Vậy là một cô giáo trẻ chân ướt chân ráo mới về trường lại gặp phải nhiều khó khăn khi chưa có kinh nghiệm, lại chưa có được những kiến thức về chuyên môn. Nhớ lại hồi đầu mới đi dạy học, cô kể: “Khi được phân công dạy môn công nghệ, thật sự là tôi đã gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như khi dạy về lúa, bản thân mình là người sống ở thành phố, ít tiếp xúc với hình ảnh cây lúa nên rất khó hiểu sâu và rộng về hình ảnh này để truyền đạt kiến thức một cách sinh động và dễ hiểu nhất cho HS. Từ những băn khoăn, lo lắng tôi bắt đầu tìm đến công nghệ thông tin như một công cụ hỗ trợ đắc lực trong phương pháp dạy học của mình”. Và cũng chính từ môn học gây cho cô nhiều khó khăn này đã giúp cô có được thành công trong cuộc thi Sáng tạo trẻ lần 5.
Nhưng có lẽ trên bước đường thành công của cô luôn có một người kề vai sát cánh giúp đỡ những khi cô gặp phải khó khăn hay thất bại, đó là thầy Trần Thế Lương (hiện đang công tác tại tỉnh Hậu Giang). Thầy là một cộng tác viên, một người thầy, người đồng nghiệp và cũng chính là người bạn đời của cô. Tuy đây là lần đầu tiên cô đưa dự án của mình tham dự một cuộc thi lớn nhưng đã có một thời gian cô tích góp kinh nghiệm dạy học từ chồng thông qua những lần quan sát anh nghiên cứu, tìm tòi ra các giải pháp khắc phục những khó khăn khi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Anh cũng đã từng đạt nhiều giải khi tham gia các cuộc thi Giáo viên sáng tạo của tỉnh và toàn quốc, đặc biệt trong cuộc thi Giáo viên sáng tạo lần 4 do Microsoft Việt Nam tổ chức (năm 2009) anh đã cùng một lúc đạt hai giải: giải đặc biệt và giải ba. Thông qua những lần thi đó của anh, cô hiểu là cần phải làm như thế nào để có được một sản phẩm sáng tạo.
Khơi dậy truyền thống tự hào về dân tộc
Dự án “Lúa gạo Việt Nam” của cô không chỉ chinh phục Ban giám khảo bằng một bài giảng hấp dẫn, lý thú mà còn giúp các em học sinh (HS) những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam thông qua các hình ảnh dân dã về quê hương.
HS ở các đô thị lớn hiện nay thường chỉ tiếp xúc với hình ảnh con trâu, cây lúa qua sách vở hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều HS ở các thành phố lớn chưa một lần được nhìn tận mắt những hình ảnh này. Đây là điểm hạn chế của các em trong việc nắm bắt thực tế, vì vậy cô Huỳnh Nguyễn Trúc Chuyên luôn trăn trở làm sao để HS của mình có thể tiếp cận với hình ảnh này một cách gần gũi hơn. Dự án “Lúa gạo Việt Nam” của cô ra đời xuất phát từ những trăn trở đó.
“Lúa gạo Việt Nam” cho các em tiếp xúc với những hình ảnh về nông thôn qua hình ảnh cực kỳ sinh động được chuyển tải từ internet. Bên cạnh đó các em còn được tham gia và khảo sát thực tế để hoàn thiện bài học của mình.
Khi thực hiện dự án, cô Chuyên đã phân lớp học ra thành từng nhóm và nhấn mạnh những ý trọng tâm để các em HS có thể từng bước thu thập tư liệu, tìm hiểu thông tin và từ từ khám phá ra tri thức mà mình cần tìm đến.
Dự án này được thực hiện cũng chính là lúc Festival lúa gạo diễn ra tại tỉnh Hậu Giang. Vì thế nhiều HS của cô có điều kiện cùng gia đình đến tham dự để ghi nhận thông tin bên cạnh việc thu thập dữ liệu thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, internet… Ngay khi Festival lúa gạo kết thúc, học trò của cô cũng hoàn thành xong bài tập của mình. Cô Chuyên phấn khởi: “Với những bài tập thông thường, GV sẽ biết trước kết quả nhưng đối với cách dạy này, kết quả sản phẩm của HS là một giá trị không biết trước. Có thể nói, đây là phương pháp giáo dục mới khi HS là trung tâm của quá trình dạy học, là người chủ động còn GV chỉ hướng dẫn các em trong hành trình chinh phục đỉnh tri thức”.
Niềm hạnh phúc của người thầy chính là sau khi hoàn thành bài giảng của mình, nhận thấy học trò hứng thú và muốn tìm hiểu thêm về bài học. Cô Chuyên cho biết: “Ngoài các kiến thức trọng tâm phải nắm bắt trong bài, HS sẽ có thêm nhiều cái nhìn mới về môn học để hứng thú với việc tìm tòi, nghiên cứu, đồng thời biết giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc”.
Để bản sắc văn hóa Việt vươn xa
Không chỉ dừng lại ở những thành tích trong nước, cô Chuyên còn mang dự án này giới thiệu với bạn bè quốc tế. “Vietnam Rice” là sản phẩm duy nhất của đoàn Việt Nam vượt qua vòng thi sơ khảo tại diễn đàn Giáo viên sáng tạo châu Á Thái Bình Dương lần thứ 6 để trở thành một trong 10 sản phẩm cuối cùng lọt vào vòng chung khảo.
Tham gia diễn đàn, mong muốn lớn nhất của cô là được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về việc tích hợp công nghệ thông tin để từ đó sẽ áp dụng vào quá trình giảng dạy của mình. Cô muốn mang đến cho nước bạn những hình ảnh về một đất nước Việt Nam thân thiện, mộc mạc nhưng cũng không kém phần hiện đại trong quá trình hội nhập. Với dự án này, cô đã có dịp quảng bá thương hiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua hình ảnh cây lúa.
Mặc dù diễn đàn chỉ diễn ra khoảng 3 ngày tại Singapore nhưng sau chuyến đi này, cô giáo Chuyên đã có nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Cô chia sẻ: “Từ việc học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp các nước bạn, tôi sẽ cố gắng hết sức để có thêm những sáng tạo mới trong quá trình thực hiện các dự án dạy học nhằm mang kiến thức đến cho HS một cách dễ dàng hơn”.
Và cũng từ chuyến đi này, cô nhận thấy có một thực tế là mặc dù công nghệ ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế nhưng những gì mà đoàn Việt Nam đã đạt được tại cuộc thi chứng tỏ nền giáo dục của chúng ta không hề thua kém các nước khác.
Bài, ảnh: Dương Bình