Thứ ba, 4/3/2014, 22h03

Người “đưa đò” đi xây cầu

Cây cầu nặng nghĩa của cô giáo Bùi Thị Một
“Tôi đã dành trọn tuổi thanh xuân gắn với “nghiệp đưa đò”, bây giờ về hưu, làm được cái gì cho bà con làng xóm, cho lớp trẻ thì dù gian khó đến đâu cũng chẳng hề chi, miễn việc làm ấy có ích…!”. Cô Bùi Thị Một (60 tuổi) - một trong 3 giáo viên đã nghỉ hưu tại thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vừa vận động, quyên góp xây cây cầu cho bà con ở thôn Hà Tân - bộc bạch.
Đến thôn Hà Tân, hỏi cô giáo Bùi Thị Một không ai là không biết. Cậu học trò đen nhẻm vừa tan học ở Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Đại Lãnh) nhanh nhẹn chỉ đường cho chúng tôi: “Cô chú đi qua cây cầu bắc ngang sông Vu Gia, rẽ trái đi qua cây cầu Bàu Làng, ngay trước cổng chào có tên làng Hà Tân tầm 200m là tới nhà cô giáo Một”…
Xưa “đưa đò”
Đón chúng tôi trong căn nhà với bạt ngàn hoa lá xanh tươi bên bờ dòng sông Vu Gia, cô Bùi Thị Một cười hiền: “Chỉ là chuyện nhỏ thôi, tôi cùng các cô giáo khác trong thôn chỉ muốn giúp cho bà con có cây cầu để tiện đi lại, nhất là lũ trẻ tới trường đỡ vất vả. Nói đâu xa, chính tôi đã từng trầy trật đi qua cây cầu võng (cũ) suốt mấy chục năm nay, nhiều lần trượt ngã, chân tay xây xước hết”. Cô Một đưa tay chỉ về phía đầu thôn, nơi có cây cầu mang tên Bàu Làng bắc ngang qua một con suối nhỏ đổ từ ngọn núi cao xuôi về hòa vào dòng nước sông Vu Gia. Kí ức cô một như cuốn phim quay chậm ngược về với Hà Tân những năm sau giải phóng...
Lớn lên và học tập tại Đà Nẵng, tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Đà Nẵng, cô giáo trẻ Bùi Thị Một đầu quân về nơi “khỉ ho cò gáy” Hà Tân, làm giáo viên dạy môn văn của Trường Số 1 Đại Lãnh (bây giờ là Trường THCS Nguyễn Huệ). Đó là năm 1979. Hà Tân ngày ấy là một bình nguyên hoang sơ, ba bề là núi, trước mặt làng là dòng Vu Gia ngày đêm cuồn cuộn nước. Đời sống của bà con khó khăn. Giao thông đi lại chủ yếu là những con đường đất. Muốn đi các nơi khác thì không chỉ phải lội qua sông mà ngay trước cổng làng có một con suối chắn ngang. “Thú thật ngày mới về đây buồn lắm. Nhìn đâu cũng bị núi che tầm mắt. Mấy lần định đi, nhưng lũ học trò quý tôi nên cũng nguôi ngoai”, cô Một nhớ lại. Ở trường, cô là một giáo viên năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động. Học trò cảm mến bởi sự nhiệt tình, phương pháp truyền đạt lôi cuốn của cô. Thấy cô hiền lành, giỏi giang, một gia đình gia giáo trong thôn đã nhắm cô cho con trai họ đang đi học ở tận Sài Gòn. Vô tình thành hữu ý, cô gặp anh trong một kì nghỉ hè. Duyên với đất, với người như một con dấu đóng vào bản quyết định gắn kết đời người với đất Hà Tân. Cô thành người bản địa suốt 30 năm nay. Nhiều thế hệ học trò Hà Tân lớn lên, thành đạt, đều không quên ơn cô giáo đã truyền cho họ tri thức và cả ước mơ về chân trời mới.
Nay xây cầu

“Làm được gì có ích cho bà con thì khó mấy cũng không nề hà”, cô Một nói.
Hà Tân ngày cô Một đến, có con suối nhỏ chảy ngang trước cổng làng. Người dân bắc lên đó vài tấm đanh (bê tông) nối đôi bờ cho tiện đi lại. Mưa rừng, nắng núi - hai thứ hễ nhắc đến là khiến nhiều người rùng mình - khiến cây cầu không bao lâu cũng bị nước lũ làm hỏng. Người dân kê lại bằng ba tấm đanh khác nhưng với độ thấp hơn. Nước lớn, nhấn chìm những mảnh bê tông. Dần dần cầu bê tông thành cầu võng, oằn ẹp sát mặt nước, bám đầy bùn trơn trượt. “Người dân, kể cả lũ trẻ khi đi qua có không ít người trượt ngã. Có người gãy chân thành tật”, ông Hồ Thành, Trưởng thôn Hà Tân, nói.
Thương bà con, thương lũ học trò nhiều bữa đến lớp lấm bùn nước vì trượt ngã, cô Một nuôi khao khát có được cây cầu cho đỡ nhọc nhằn. “Nghĩ thế nhưng đồng lương nhà giáo ba cọc ba đồng dù có ước cũng đành chịu”, cô Một nói.
Năm 2009, khi về hưu cô nghĩ nhiều hơn. Nhiều đêm trăn trở, cô tâm sự với chồng. “Tưởng ông ấy la, ai ngờ ông ấy còn động viên hết mực. Các con nghe thế cũng vun vào: “Mẹ cứ làm việc gì miễn là mẹ thấy vui và có ích cho mọi người”. Mừng quá, Tết năm 2012, nhân dịp anh Chủ tịch xã trước đây là Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ đến nhà chơi, tôi đem chuyện xây cầu ra chia sẻ. Anh nói nếu làm được thế cho bà con thì tốt quá. Thế là tôi bắt tay lên kế hoạch”. Muốn làm cầu thì phải có kinh phí. Cô Một lại đi chia sẻ ý tưởng với cô Phương Lan, cô Tố Mai và các đồng nghiệp ở Hà Tân từng dạy tại Trường THCS Nguyễn Huệ. Hết Tết, cô lặn lội ra tận Đà Nẵng, gõ cửa từng nhà học sinh cũ. Thấy cô tâm huyết, học trò chuyền nhau bức thông điệp xây cầu của cô. Mỗi ngày cô nhận được hàng chục cuộc điện thoại chia sẻ từ học trò cũ, đồng nghiệp. Mọi người chung tay gom góp, nhiều thì 5 triệu, ít thì vài ba trăm ngàn. Góp gió thành bão. Có tiền, cô lại lặn lội ra Đà Nẵng gặp cậu học trò cũ đang là kỹ sư xây dựng để nhờ vẽ bản thiết kế. Một tháng sau khi bắt tay vào xây dựng, một cây cầu bắc ngang con suối trước cổng làng Hà Tân nên hình dạng với chiều dài 6m, rộng 4m, dầm bê tông dày hơn 10cm cùng hệ thống mố cầu, đường dẫn... nối liền thôn Hà Tân với bên ngoài; tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. “Nhưng lúc này lại nảy sinh thêm một vấn đề nan giải khác. Để tránh bị ngập lụt, cầu được thiết kế cao hơn cầu cũ đến trên 1m. Thế là đoạn đường nối hai mố cầu bị hụt đất. Muốn đi thì phải nâng đường. Tôi lại nghĩ ra cách tiếp tục vận động các đồng nghiệp đóng góp”, cô Một cho biết.
Vào thời điểm đó, xã cũng đang có chủ trương đổ bê tông theo loại hình bê tông hóa giao thông nông thôn đi qua thôn Hà Tân. Cô Một lại lật đật chạy lên thôn, khẩn khoản nhờ Ban địa chính thôn dời ngày đổ bê tông để đợi cô nâng đường, đoạn qua cầu Bàu Làng. Chỉ hai hôm sau, 50 xe đất đã được đổ nâng cao con đường làng. “Nhờ được nâng lên mà diện mạo con đường về Hà Tân bây giờ khang trang hẳn”, ông Hồ Thành phấn khởi. Ngày cây cầu được khánh thành đưa vào sử dụng, ông Phạm Văn Ngũ, Bí thư Huyện ủy huyện Đại Lộc đích thân về chúc mừng các cô giáo và bà con.
Trong khi đó, cô Một nói, mình làm việc nhỏ, nhận được sự động viên của chính quyền, dù là với tư cách cá nhân, các cô cũng thấy vui lắm. Vui vì việc làm của mình có ý nghĩa, được đồng thuận.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Ông Ngô Trung (80 tuổi) - một nạn nhân của cây cầu cũ - nói: “Cây cầu này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Hà Tân đi ra bên ngoài mà còn nặng nghĩa tình của những cô giáo về hưu như cô Một. Bà con chúng tôi biết ơn các cô nhiều lắm. Nếu không có các cô, biết đâu có nhiều người té ngã như tôi!”.