Thứ năm, 4/12/2014, 23h12

Người gieo mầm sống ở làng Hi Vọng

Cô Lê Thị Kim Liên gắn bó gần 20 năm với trẻ kém may ở làng Hi Vọng
“Giáo viên dạy học trò khiếm thính muốn các em tiếp thu được con chữ, ngoài những kỹ năng, phương pháp truyền đạt còn là người mẹ hiền để nắm bắt tâm tư. Cụ thể là phải biết an ủi, động viên đúng lúc để các em vượt qua mặc cảm khiếm khuyết của bản thân, trở thành người có ích cho xã hội”.
Cô Lê Thị Kim Liên, giáo viên ở làng Hi Vọng (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng), đã nói với chúng tôi như vậy.
Lớp học không có tiếng đọc bài
Làng Hi Vọng buổi trưa yên lặng giữa bốn bề cây xanh. Những ngôi nhà được bố trí phù hợp với từng chức năng của nó. Anh Nguyễn Viết Thanh, Phó giám đốc làng Hi Vọng, dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng để giới thiệu về cách bài trí cũng như cuộc sống của những mảnh đời kém may mắn đang được sưởi ấm bằng tình yêu thương của một gia đình lớn. Bước chân anh Thanh dừng lại bên cánh cửa đang mở của dãy nhà dùng làm trường học. Những căn phòng yên ắng không một tiếng người. Thấy ánh mắt băn khoăn của chúng tôi, anh Thanh cười nói: “Đây là phòng học dành cho trẻ khiếm thính đó”.
Quả nhiên khi bước vào lớp, chúng tôi mới nhận thấy một không khí học tập rộn rã, khác hẳn với vẻ bên ngoài. Sau khi viết chữ hay một bài toán lên bảng, giáo viên phải quay mặt lại rồi đưa đôi tay lên giảng lại bằng ngôn ngữ hình thể. Đôi tay của giáo viên ra kí hiệu thế nào thì sắc thái khuôn mặt phải biểu hiện theo một cách dễ hiểu nhất để các em tiếp thu. Đôi khi chỉ một cử chỉ diễn đạt về một từ hay một phép toán nào đó, giáo viên phải dừng lại thật lâu, giảng đi, giảng lại nhiều lần. Lớp có 6 học sinh với đủ độ tuổi nhưng đều đang học lớp 2. Các em ngồi nghiêm, đôi mắt hướng theo mỗi cử chỉ của cô giáo như muốn nuốt từng lời giảng. Thi thoảng, những cánh tay lại đưa lên, cũng lặng lẽ.
Anh Thanh chia sẻ: “Tôi nhận công tác ở làng Hi Vọng từ khi làng được thành lập, cách nay 21 năm. Qua thời gian, những lớp học dành cho trẻ khiếm khuyết được mở ra để giúp các em hòa nhập. Ban đầu tôi cũng băn khoăn lắm. Gọi là lớp học nhưng suốt ngày chỉ nghe những tiếng bước chân trong giờ ra chơi. Sau nhiều lần quan sát tôi mới hiểu được, sự lặng lẽ ấy chứa đựng bên trong cả tinh thần ham học hỏi rất lớn”.
Cô Lê Thị Kim Liên, giáo viên đứng lớp 2 ở làng, cho biết: “Ban đầu mới tiếp xúc thì thật khó để làm quen với không khí suốt cả ngày gần như chỉ dùng mỗi ngôn ngữ hình thể. Nhưng nhìn sâu vào ánh mắt các em mới thấy hết niềm đam mê, tinh thần học hỏi của các em qua những cánh tay đưa lên xin phát biểu rất tự tin, mạnh mẽ”.
Cô giáo như mẹ hiền
Cô Kim Liên có thâm niên gần 20 năm gắn bó với lớp học khiếm thính ở làng Hi Vọng. Cô phụ trách dạy hai lớp, chia ra hai buổi. Mỗi lớp chỉ tầm dăm bảy em, là những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi không nơi nương tựa. Việc dạy cho các em biết tròn con chữ, thành thạo một phép tính không hề đơn giản đối với những người làm công tác giảng dạy ở làng. Bởi khi cất tiếng khóc chào đời, các em đã mang số phận kém may, lại lớn lên trong hoàn cảnh thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình; do đó để dạy được các em, người giáo viên trước hết phải sẻ chia, yêu thương như chính con ruột của mình. Cô Kim Liên cho biết, để các em thuộc được con chữ, làm được bài toán vất vả lắm. Bởi các em không có trí nhớ nhanh nhạy như những đứa trẻ bình thường nên đôi khi một bài học lẽ ra chỉ cần dạy 2 tiết thì ở đây phải mất vài ngày. Bởi vậy, lớp chỉ có 7 em nhưng tần suất làm việc của giáo viên phải nhiều gấp mấy lần một lớp học bình thường.
Nhiều em học mãi không nhớ, không thể nói ra tiếng nên ức chế, cộc cằn xé bỏ sách vở, cô giáo lại phải dịu dàng vỗ về, động viên.
Mỗi ngày lên lớp, cô Kim Liên kiên nhẫn truyền đạt cho các em từng phép tính, bài học. Nhiều em học mãi không nhớ, không thể nói ra tiếng nên ức chế, cộc cằn xé bỏ sách vở, cô giáo lại phải dịu dàng vỗ về, động viên. Cô Kim Liên nghĩ ra cách vừa dùng ngôn ngữ hình thể kết hợp động tác của đôi tay để cho các em tiếp thu bảng chữ cái một cách nhuần nhuyễn nhất. Theo đó, cô đưa cây thước chỉ chữ A trên bảng chữ cái rồi đưa tay lên, đồng thời miệng bắt đầu phát âm A thật chậm. Năm lần như thế, cô lại gọi các em làm theo. Nhớ lại quãng thời gian dạy học ở làng này, cô Kim Liên nói: “Vất vả nhưng mà vui lắm. Mỗi lần nhìn gương mặt các em rạng rỡ khi đạt điểm cao hay giải được bài tập khó là tôi thấy niềm hạnh phúc lâng lâng khó tả”.
Công việc vất vả với mức lương trợ cấp rất hạn hẹp, nhưng cô Kim Liên chưa hề nghĩ đến việc xin chuyển tới một ngôi trường nào khác. Cô bảo ở đây quen rồi, vả lại nếu cô đi thì lấy ai dạy chữ cho các em. “Từ lớp học này, nhiều em đã đỗ đạt như em Nguyễn Quang Mạnh và Nguyễn Thị Hồng hiện đang là sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường CĐ Sư phạm Đồng Nai. Và còn nhiều em khác cũng đã có việc làm ổn định thường xuyên về thăm cô giáo, thăm làng... Như vậy là tôi thấy hạnh phúc rồi”, cô Kim Liên tự hào.
Chúng tôi chia tay làng Hi Vọng lúc xế chiều, cũng là thời điểm cơn mưa đầu đông tầm tã trút nước. Bên trong lớp học, cô Kim Liên vẫn miệt mài với từng động tác hình thể để truyền con chữ cho học trò. “Sự tận tụy của cô Kim Liên với trẻ kém may mắn ở làng Hi Vọng là động lực lớn nhất giúp cho em cố gắng vươn lên hòa nhập cộng đồng”, anh Thanh bày tỏ.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
 
Chỉ có tình yêu thương
Cô Lê Thị Kim Liên cho biết cô không tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục tiểu học đặc biệt nên khi nhận nhiệm vụ ở đây, cô chỉ có một thứ duy nhất là tình yêu thương với học trò. Ngày qua ngày, với tình yêu thương ấy, cô Kim Liên phải tự bồi dưỡng, tự nâng cao kiến thức bằng cách mua sách về tự học, tự ghi nhớ từng cử chỉ hình thể để có thể trò chuyện dễ dàng với các em...