Thứ ba, 29/7/2014, 22h07

Nữ y tá 9 lần được phong dũng sĩ

Nữ xạ thủ bắn tỉa một thời kể về những năm tháng đánh địch ở cứ điểm Dốc Miếu
12 tuổi, cô bé Hoàng Thị Chẩm, ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã tham gia kháng chiến với nhiệm vụ giao liên. 13 năm quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh, cô bé Chẩm đã trở thành o du kích bắn tỉa bên hàng rào điện tử McNamara với thành tích 9 lần được phong danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ...
Khi đất nước hòa bình, người du kích năm xưa lại lặng lẽ làm một y tá khiêm nhường, bất kể nắng mưa, ngày hay đêm, hễ người dân cần là bà có mặt.
Nữ du kích bên đồi Dốc Miếu
Thôn Xuân Long nằm phía bờ Nam di tích lịch sử bờ Hiền Lương - Bến Hải. Nhắc đến tên bà Chẩm, cả làng ai cũng biết. Khi biết chúng tôi muốn gặp, bà Chẩm cười hiền hậu: “Bây giờ tui già rồi, còn đâu cái thuở thanh xuân, cơm vắt, ngủ hầm để đánh địch nữa mà hỏi”.
Câu chuyện về cuộc đời người nữ du kích bên dòng Bến Hải như cuốn phim quay chậm trở về khoảng thời gian cách nay hơn nửa thế kỷ. Sinh năm 1950, mới 12 tuổi, cô bé Chẩm đã tham gia làm liên lạc. Gio Linh ngày đó là vùng tạm chiếm của địch. “Hồi nớ nhà tui đào luôn hầm bí mật trong nhà. Lúc nào cũng có mấy chú bộ đội ở đó hoạt động. Tui lúc nớ còn nhỏ nên ban ngày đi chăn trâu, cắt cỏ rồi kiêm luôn việc làm liên lạc viên cho các chú cán bộ. Vừa dắt trâu đi ăn, vừa hóng tin tức tình báo về hoạt động của địch rồi ra bờ sông Bến Hải đặt vào hòm thư bí mật để đêm xuống, cán bộ từ bờ Bắc bơi qua lấy thư. Hồi đó bọn trẻ chăn trâu đông lắm, nhưng không ai nghi ngờ vì tụi tui là con nít nên công việc làm liên lạc, đưa và nhận thư mật cả một thời gian dài mà không hề bị phát hiện”. Tình hình vùng tạm chiếm căng thẳng kéo dài cho đến năm 1967, địch mở nhiều trận càn quét mạnh, lập ấp chiến lược tại Tân Tường (Cam Lộ). Mảnh đất Gio Linh bị tàn phá tả tơi, nhà cửa, ruộng vườn tan hoang sau mỗi trận càn của giặc với âm mưu biến mảnh đất này thành khu phi quân sự, khu vực trắng để dễ bề kiểm soát.
Vào thời điểm đó, hàng rào điện tử McNamara đã được dựng lên ở bờ Nam sông Bến Hải, vỹ tuyến 17 vốn bị chia cắt bởi đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải sau hiệp định Genève (1954) thời kháng Pháp lại thêm một lần bị cắt chia bởi hàng rào thép của Mỹ. Tình hình căng thẳng, để đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là những cụ già và trẻ nhỏ, bộ đội đã bí mật đưa họ vượt sông ra miền Bắc theo diện K8, K10, K15. Tròn 17 tuổi, không thể tiếp tục ở lại làm liên lạc vì ba bị địch bắt, bà Chẩm đành vượt sông ra bờ Bắc. Nhưng được mấy hôm, nghĩ đến cảnh mẹ và các em đang bị dồn trong ấp chiến lược, không đành lòng bà quay trở về tình nguyện cầm súng trực tiếp chiến đấu.
Nhớ lại những năm tháng đó, bà Chẩm nói: Để đánh được địch đóng quân trên Dốc Miếu, tui cùng đồng đội đào hầm, ngụy trang bằng cây cỏ, ban ngày ở dưới hầm đợi trời tối là bắt đầu hoạt động bắn tỉa. Tui được phân công làm khẩu đội trưởng 12 ly 7 - loại đạn pháo vừa dùng bắn máy bay và lính bộ binh. Thời điểm những năm 1968-1974, chiến tranh diễn ra ác liệt, tui lên làm du kích xã có nhiệm vụ cùng đồng đội bao vây căn cứ Dốc Miếu.
“Anh em hết thảy có 14 người (2 tiểu đội). Bọn tui đào hầm ếch, tiến sát đến hàng rào điện tử McNamara. Địch ở trong căn cứ, ta ở ngoài, cứ thế bắn tỉa. Địch hoảng loạn nhưng không thể xác định được vị trí của ta nên chúng thi nhau nã pháo cối loạn xạ mà không trúng được mục tiêu nào. Có nhiều đợt đến 7-8 ngày, bọn tui bám trụ trong hầm với cơm vắt, khoai luộc, mặc mưa, mặc rét vẫn không rút lui”, bà Chẩm cho biết thêm.
O y tá của dân nghèo
Cả cuộc đời chiến đấu hy sinh, tổ ấm của hai người lính già chỉ vỏn vẹn những tấm giấy khen, huân - huy chương kháng chiến treo trang trọng trên tường nhà. Tài sản đáng quý nhất của họ có lẽ là tình cảm chân thành trìu mến của người dân miền quê nghèo này.
Năm 1973, bà Chẩm được điều đi học lớp y tá ở huyện Vĩnh Linh. Nhớ lại, bà nói: “Ui cha, cực không kể hết. Những năm tháng chiến tranh, mải mê kháng chiến còn mô thời gian học hành với chữ nghĩa, tui mới học xong lớp 2 chớ mấy. Vì rứa nên khi tiếp xúc với sách vở tưởng chừng hụt hơi. Mỗi buổi đánh vật với mớ bài học toát mồ hôi hột, cực hơn cầm súng”. Thế là xạ thủ một thời quen với tầm ngắm lại chuyển sang tập tễnh làm quen với y cụ, bắt ven, đọc nhịp mạch, truyền dịch, tiêm thuốc… Sau ngày đất nước thống nhất, bà Chẩm trở về quê, làm Trạm trưởng y tế xã Trung Hải, rồi đến tuổi nghỉ hưu. Hiện nay bà làm y tá của thôn. Ai ốm đau, cảm cúm đều nhờ bà xem hộ. Ai không có điều kiện ở lại viện, mang thuốc về nhà điều trị, mỗi ngày bà đều tạt qua nhắc nhở họ uống thuốc đúng liều như đơn bác sĩ kê, cho chóng khỏi. Với mọi người, bà ân cần chăm sóc như chính người thân của mình. Bà nói, nghề thì đã về hưu nhưng vẫn muốn góp một chút sức mình khi cái chân còn khỏe mạnh, con mắt còn nhìn rõ giúp bà con xóm giềng. Bà Chẩm chia sẻ: “Tui đã đi qua chiến tranh, có lúc tưởng chừng nằm lại ở cao điểm ác liệt của trận chiến, được sống đến tận bây giờ đã là mừng lắm rồi, được sống thì nên trân quý từng giây phút của sự sống”, bà quay sang nhìn chồng, cười hồn hậu nói tiếp: “Ông ấy với tui là bạn chung chiến hào, hòa bình lại sát cánh cùng nhau. Tui có thời gian đi giúp bà con một phần nhờ sự động viên hết mình của ông ấy đấy”.
Ông Bùi Văn Anh - thương binh, chồng bà Chẩm - tiếp lời: “Thuở đất nước chìm trong khói lửa, thấy đồng đội bị thương mà hết thuốc kháng sinh, lòng không cầm được xót xa. Hòa bình được sống bên nhau là hạnh phúc lắm rồi, làm gì để tạo điều kiện cho bà ấy có thời gian giúp bà con là tui cũng cố gắng làm hết”.
Nhìn cảnh hạnh phúc của vợ chồng người thương binh già, càng cảm phục hơn tấm lòng của họ. Cả cuộc đời chiến đấu hy sinh, tổ ấm của hai người lính già chỉ vỏn vẹn những tấm giấy khen, huân - huy chương kháng chiến treo trang trọng trên tường nhà. Tài sản đáng quý nhất của họ có lẽ là tình cảm chân thành trìu mến của người dân miền quê nghèo này mỗi khi nhắc về nữ xạ thủ Hoàng Thị Chẩm!
Bài, ảnh: Phan Lệ
Nữ xạ thủ khiến kẻ thù khiếp sợ
Thời điểm ác liệt những năm 1969-1972, bà Chẩm được biết đến là xạ thủ bắn tỉa nổi tiếng trên hàng rào điện tử McNamara. Bà vinh dự được 9 lần phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ (1 dũng sĩ đánh máy bay, 1 dũng sĩ cơ giới, 1 dũng sĩ diệt Mỹ, 6 dũng sĩ quyết thắng). Đặc biệt trong trận chống càn ngày 15-12-1970, bà và một nữ đồng đội tiêu diệt 16 tên địch, được đi dự Đại hội Quyết thắng của Mặt trận B5. Cuộc kháng chiến trở nên quyết liệt vào những ngày tháng 3-1972 khi quân ta huy động toàn lực tiến đánh Dốc Miếu. Ngày 30-3, bà Chẩm cùng hai đồng đội đã xung phong nhận nhiệm vụ cắm cờ trên đỉnh Dốc Miếu. 4 giờ 20 phút sáng ngày 2-4-1972, lá cờ đỏ sao vàng đã được bà cùng đồng đội cắm tung bay trên đỉnh Dốc Miếu, Gio Linh hoàn toàn giải phóng.