Thứ sáu, 21/11/2014, 15h11

Ốc đảo... Triêm Tây

Học sinh Triêm Tây muốn học lên cao, quanh năm phải lụy đò ngang
Là một thôn thuộc xã Điện Phương (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Triêm Tây chỉ cách TP.Hội An chưa đầy hai cây số theo đường chim bay nhưng bao nhiêu năm qua, Triêm Tây vẫn chỉ như một ốc đảo gần như tách biệt với bên ngoài…
Làng cách trở đò đưa
Nằm về phía hạ nguồn dòng sông Thu Bồn, khó có thể hình dung được thôn Triêm Tây lại thuộc xã Điện Phương. Bởi lẽ, người Triêm Tây muốn đến trung tâm xã ngoài con đường thủy ngược dòng Thu Bồn và qua vài chặng đường bộ dài tầm 10 cây số thì chỉ còn một đường khác đó là băng qua 4 xã Cẩm Kim, Duy Vinh, Duy Phước, Duy An cũng dài gần 20 cây số.
Dòng sông Thu Bồn vắt mình từ dãy Trường Sơn đi qua bao ghềnh thác đổ về Cửa Đại, trước khi hòa dòng nước vào biển cả đã mang phù sa bồi đắp nên bao ruộng đồng, làng mạc. Triêm Tây cũng hưởng sự bồi đắp ấy mà nên làng. “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Sở hữu cái “cận giang” ấy với những chuyến đò ngang, đò dọc, người Triêm Tây nhờ đó bớt đơn độc trên ốc đảo của mình. Thế nhưng không có ruộng để gieo cây lúa nước, người dân nơi đây quanh năm theo nghề dệt chiếu để đổi lấy gạo. “Xưa làng này 100% làm nghề dệt chiếu. Cây cói lấy ngay ven bờ sông. Cái ăn, cái mặc, cho con cái tới trường đều nhờ nghề chiếu”, bà Huỳnh Thị Huệ (75 tuổi), nói. Thế mà đến Triêm Tây bây giờ, khó biết đến nghề chiếu từng tồn tại. Trưa, khắp làng trên, xóm dưới vắng bóng người, những ngôi nhà cửa đóng im ỉm, hỏi ra mới biết, cách nay tầm 4, 5 năm, khúc sông đoạn ngang qua làng bỗng dưng đổi dòng, gây lở đất. Phía đầu làng nhiều nhà nằm trong diện di dời vì có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Sự đổi dòng đó cũng khiến cho cây cói không còn đất sống. Người làm nghề chiếu phải bươn chải đi mua cây cói nơi khác về, nhưng chi phí đắt đỏ, tính cả ngày công quần quật tối tăm mặt mũi cũng chỉ được đôi ba chục ngàn nên chỉ còn người già trụ lại, lớp trẻ bỏ nghề, rời làng qua phố làm thợ hồ, làm thuê đủ nghề. Làng giờ chỉ còn hơn chục hộ, chủ yếu là ông bà già còn níu náu với nghề, phần vì cuộc sống mưu sinh, phần khác vì họ không muốn nghĩ đến ngày nghề dệt chiếu truyền thống của cha ông chỉ còn trong kí ức mờ xa của người trẻ.
Có trường vẫn phải học nhờ
Với địa hình tách biệt như vậy nên bao nhiêu năm qua, người dân, nhất là học trò ở thôn Triêm Tây chịu nhiều thiệt thòi. Con em Triêm Tây, từ mầm non cho đến cấp THPT đều phải chịu cảnh đi học nhờ. Việc học sinh đi học nhờ trường của xã khác cũng chịu lắm thiệt thòi. Bà Huỳnh Thị Tài, một người dân Triêm Tây tâm tư: “Cứ đầu mỗi năm học mới là phụ huynh chạy ngược chạy xuôi xin cho con đi học ở xã bên cạnh. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, có năm học sinh quá tải, người ta không nhận con mình, phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền xã, các cháu mới được vào học. Thế nhưng đi học nhờ thì vẫn phải đóng tiền trái tuyến”.
Theo ông Nguyễn Văn Bồng, Trưởng thôn Triêm Tây: Hiện toàn thôn có 148 hộ dân, với 758 nhân khẩu, trong đó có gần 100 cháu từ độ tuổi mầm non đến THPT đang theo học ở trường thuộc các xã lân cận và TP.Hội An. “Năm 2003, thôn được các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư xây dựng một ngôi trường hai tầng khang trang, gồm 4 phòng học và 1 dãy nhà ngang gồm 2 phòng để dành cho 6 lớp học từ mầm non đến lớp 5. Tuy nhiên, đến năm 2006 thì trường buộc phải đóng cửa vì số lượng học sinh quá ít, không đủ để giáo viên cắm lại lớp. Có lúc, người ta nghĩ ra cách dồn lớp ghép nhưng rồi cuối cùng cũng đành bỏ trường hoang”, ông Bồng bộc bạch. Để minh chứng cho điều mình nói, ông Bồng dẫn chúng tôi mục sở thị ngôi trường. Đập vào mắt người xem là ngôi trường khá khang trang, từng là niềm mơ ước của bao nhiêu vùng quê nghèo, nhất là miền núi. Thế nhưng hiện trạng trường đổ nát, cửa kính vỡ toang, la phông nhà mục nát, tôn lợp mái gió giật vỡ vụn. Những ổ khóa qua thời gian hoen gỉ, thậm chí có phòng gió bão và thời gian đã làm mất luôn cả cánh cửa chính trở nên trống huơ, trống hoác… Bần thần nhìn dòng chữ ghi “Thứ hai, ngày 18 tháng 12 năm 2006” trên tấm bảng đã có nhiều vết rạn nứt theo thời gian mưa nắng, ông Bồng buông giọng buồn buồn: “Con em trong thôn thì đi khắp nơi học nhờ, trường của thôn thì bỏ hoang thấy buồn lòng lắm. Nhất là mùa đông mưa lũ, các cháu học mầm non tới cấp 2 thì cha mẹ phải đưa đến trường, các cháu cấp 3 thì đành ở lại Hội An suốt tuần, cháu nào đi về thì cha mẹ cũng thấp thỏm âu lo vì sông vào mùa nước lớn, hiểm nguy rình rập”.
Mơ một cây cầu

Trường khang trang bỏ hoang giữa mưa nắng, học sinh Triêm Tây tứ tán đi học nhờ xã khác 

Mùa nắng người Triêm Tây dạt đi tứ xứ làm ăn, học trò cũng tản đi các xã, qua tận TP.Hội An để theo học. Sáng, những chuyến đò ngang cập bến Cẩm Kim chở người từ Triêm Tây đi, đến tối mịt mới thấy họ trở về. Có lẽ làng chỉ đông vui vào thời khắc ngày chuyển sang đêm. Mùa nắng là vậy. Mùa mưa, ngồi bó gối nhìn nước dâng mênh mang bốn phía làng. Con sông Thu Bồn lặng lẽ hiền hòa là vậy nhưng đến những ngày mưa lũ trở nên hung dữ. Sống chung với lũ mãi thành quen. Cứ vào mùa đông, khi những cơn mưa bắt đầu nặng hạt, người trong thôn bôn ba qua phố mua gạo, mắm về dự trữ. Có năm lụt lớn, cuốn đi gần như tất thảy tài sản của bà con chắt chiu cả đời: “Trận đại hồng thủy năm 2009, nước dâng ngập nóc nhà, gia sản cả đời của người dân từ heo, gà đến trâu bò trôi gần hết. Nhà tui cũng trôi mất 3 con bò”, bà Huỳnh Thị Tài nhớ lại. Khó khăn và tách biệt nhưng người Triêm Tây không ai muốn rời làng, ngay cả 6 hộ dân nằm trong diện di dời vì sạt lở bờ sông cũng cố trụ lại với làng. “Ở đây riết quen rồi, chừ rời làng đi nơi khác buồn lắm. Nên cứ cố nấn ná và hi vọng dự án khu du lịch sinh thái kè chắn bờ sông xong thì sạt lở không còn đe dọa bà con nữa!”, bà Tài chia sẻ. Suốt mấy chục năm nay, người Triêm Tây gần như nối với thế giới bên ngoài bằng những chuyến đò. Ông Bồng lại trầm tư: “Nằm tách biệt gần như hoàn toàn với xã Điện Phương, nhưng không hiểu sao thôn lại nằm trong địa giới hành chính của xã, trong khi Triêm Tây lại gần hơn với những xã khác như Cẩm Kim. Bao nhiêu năm nay người trong thôn muốn lên xã hay đi ra ngoài đều phải đi đường vòng, hoặc đò giang rất bất tiện. Nhất là với các cháu học sinh cấp 3, phải qua sông đi học giữa mùa mưa rất nguy hiểm. Giá như có một cây cầu nối đôi bờ Cẩm Kim - Hội An thì cả học sinh và người lao động cũng đỡ nhọc nhằn, lại an tâm không bị cô lập trong mưa lũ”.
Rời Triêm Tây, chạy dọc theo con đường bê tông sát bờ sông lúc xế chiều. Mang theo nỗi niềm vời vợi trong ánh mắt những cụ già cao tuổi ngồi dõi mắt ra dòng sông. Chỉ một tầm nhìn mà mấy mươi năm từ làng tới phố, người dân vẫn chịu cảnh lụy đò!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên