Thứ năm, 9/10/2014, 22h10

Ông khuyến học

Với nhiều cách làm hay, ông Phạm Duy Trực góp phần hạn chế tối đa tình trạng bỏ học ở phường Tam Thuận (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng)
Đó là ông Phạm Duy Trực, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Tam Thuận (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). Hơn 20 năm công tác trên địa bàn, 10 năm chính thức làm công tác khuyến học, ông Trực đã có nhiều tham mưu, sáng kiến để vận động quỹ, hỗ trợ hàng trăm học trò nghèo trên địa bàn có điều kiện tới trường, thay đổi cuộc sống.
Phường Tam Thuận có địa giới hành chính nằm sát biển. Theo các bậc cao niên ở đây cho biết, xưa địa danh Tam Thuận chỉ là một mảnh đất nhỏ, kết hợp với hai phường Xuân Hà và Thanh Khê Đông làm một phường gọi là Hà Thuận Đông. Sau đó nhờ sự bồi lấp của bờ biển nên địa giới được nới rộng, sau này tách thành 3 phường như trên. Đời sống của phần đông người dân trong phường đều chật vật, trình độ dân trí không đồng đều, việc học hành của trẻ em nhiều năm về trước ít khi được quan tâm. Bởi vậy, công tác vận động học trò tới lớp cũng như khuyến học ở phường này là một vấn đề hết sức nan giải.
Từ “trị” học sinh bỏ học…
Cách nay tròn 20 năm, khi còn làm Chủ tịch HĐND phường Tam Thuận, ông Trực đã trăn trở về việc đưa trẻ em tới lớp. Nhiều ngày rời nhiệm sở, cuốc bộ vào từng con hẻm nhỏ, chứng kiến cảnh trẻ em không được tới trường, cứ luẩn quẩn quanh những cánh cổng, bờ rào cũ nát, lam lũ, ông hình dung đến tương lai ảm đạm của chúng. Không thể cứ tiếp tục sự nghèo túng, thất học mãi như vậy, ông nghĩ ra cách tham mưu cho chính quyền lấy tiêu chí khuyến học làm thước đo để đánh giá cán bộ, đảng viên, các chi bộ tổ dân phố… “Cuối năm đó, công tác khuyến học trên địa bàn đã có sự chuyển biến rõ rệt”, ông Trực nhớ lại. Năm 2004, ông chuyển sang làm công tác kiểm tra và chính thức làm Chủ tịch Hội Khuyến học của phường. Ông Trực nói rằng, công tác khuyến học không chỉ là tìm nguồn quỹ để hỗ trợ cho học sinh tới trường mà điều trước hết là nắm bắt tâm tư của từng trẻ, ngăn chặn kịp thời tình trạng bỏ học. Như vậy khuyến học mới trọn vẹn!
Cứ mỗi đầu năm học, khi nhà trường gửi giấy thông báo về các trường hợp có nguy cơ bỏ học là ông lại tìm đến từng nhà, vận động gia đình đưa con em tới trường. Tình trạng bỏ học ở phường này luôn là nguy cơ. Có trường hợp xuất phát từ phía học trò do chán nản nhưng lại có trường hợp do phụ huynh không quan tâm đến chuyện học hành nên buộc con em bỏ học. “Cách nay không lâu, có trường hợp một nữ sinh đang học lớp 9 thì bỏ giữa chừng. Giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo nhà trường năm lần bảy lượt xuống nhà vận động không được. Thế là tôi đích thân đến, khuyên bảo cách gì cháu cũng nhất định không nghe. Cuối cùng tôi bảo: “Cháu cứ đặt mình vào trường hợp nếu mai mốt đến tuổi trưởng thành, lập gia đình, liệu người ta xì xào rằng con dâu nhà ấy chưa học hết cấp 3 thì cháu nghĩ thế nào?”. Thế là hai hôm sau cháu ấy lại tự đến trường”, ông Trực nhớ lại. Còn có trường hợp khác, do bố mất sớm, tâm lý chán nản nên em học sinh nhất định không chịu đi học. Giáo viên tới nhà thì em tìm cách trốn tránh. Mẹ động viên thì đánh luôn cả mẹ. Ông Trực lại nghĩ cách vừa làm người bạn tâm tình chia sẻ, vừa tìm cách xin chuyển trường để tạo cơ hội cho em bắt đầu một tương lai mới. “Nhiều lắm những trường hợp như thế, như năm nay có tới 3 cháu. Năm nào hội cũng phối hợp chặt chẽ với các trường để hạn chế tối đa tình trạng bỏ học giữa chừng”, ông Trực nói. Đến quỹ khuyến học
Nhiều năm liền, Hội Khuyến học phường Tam Thuận được Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen. Với những cách làm hay, ông Phạm Duy Trực được Hội Khuyến học TP.Đà Nẵng mời trong vai trò người chia sẻ kinh nghiệm, cách làm nhằm phát triển hơn nữa công tác này.
Đối với một phường nghèo như Tam Thuận, việc vận động quỹ khuyến học để hỗ trợ cho học trò nghèo tới lớp không phải là chuyện dễ. Trăn trở mãi, ông Trực lại nghĩ, chỉ có xã hội hóa khuyến học mới có thể thu hút được nguồn quỹ bền vững. Ông bắt đầu áp tiêu chí xuống tận từng tổ dân phố, lấy cán bộ, đảng viên làm gương mẫu. Có một cách làm khác đem lại hiệu quả đáng ghi nhận đó là bắt đầu từ chính những đối tượng thụ hưởng quỹ. Ông Trực phân tích, nếu như một hộ nghèo tự nguyện đóng mỗi năm 12 ngàn đồng vào quỹ, nhà có ít nhất một cháu đang theo học thì đầu năm sẽ được hỗ trợ một suất học bổng ít nhất là 100 ngàn đồng, đó là chưa kể nếu cháu đạt học sinh giỏi thì sẽ có thêm một phần thưởng. “Nói như vậy không phải để bà con nhận thấy cái lợi mà trên hết, khi bản thân bà con tự nguyện đứng vào hội thì sức lan tỏa sẽ lớn hơn”, ông Trực chia sẻ.
Thấy được điều đó, vài năm trở lại đây, tỷ lệ hộ gia đình khuyến học toàn phường đạt gần 90%. Hiện phường có 24 chi hội khuyến học luôn hoạt động tích cực. Hàng năm, quỹ vận động được khoảng 200 triệu đồng, hỗ trợ kịp thời cho học sinh nghèo. Ngoài số học bổng mỗi năm trao bằng tiền mặt và phương tiện đến trường như xe đạp cho từ khoảng 30 đến 40 em, Hội Khuyến học phường còn hỗ trợ thường xuyên cho 5 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tới trường với mức học bổng 2 triệu/năm.
Từ một địa bàn hết sức khó khăn, bằng sự nỗ lực thầm lặng của những người làm khuyến học “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như ông Trực, tình trạng nghỉ, bỏ học giữa chừng ở phường Tam Thuận đã có chuyển biến rõ rệt. Không còn có trường hợp trẻ em nghèo phải dang dở chuyện học hành. Thế nhưng với ông Trực: “Niềm vui lớn nhất của người làm công tác này là các cháu được tới trường như bao bạn bè trang lứa và thành quả từ những tấm giấy khen các cháu mang trở về cho gia đình và hội”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Phường đặc biệt
Nhắc đến Tam Thuận, nhiều người nghĩ ngay đến một làng biển với nhiều tàu công suất lớn vươn khơi, bám biển. Thế nhưng ít ai biết rằng, cư dân của phường nằm bên mép sóng này lại ít người theo… nghề biển! Theo một thống kê đặc biệt khác, cư dân sống trên địa bàn phường này đến từ 53 tỉnh/thành trong cả nước nhưng lại không có một tộc họ nào. “Ở đây, với gần 3.100 hộ dân, xấp xỉ 18.000 nhân khẩu, bà con không làm nghề biển thì sinh sống bằng nghề gì?”, chúng tôi hỏi ông Trực. “Phần đông bà con sống bằng nghề lao động phổ thông. Họ sống gần biển nhưng lại đi mua… cá biển!”, ông Trực trả lời.