Thứ hai, 8/2/2010, 14h02

Thăm Liễu Châu nhớ thơ Bác

Một góc thành phố Liễu Châu cổ kính - Trung Quốc

Tôi vinh dự đã học ở Quảng Tây, nhiều lần đặt chân đến nơi này, đến những nơi Bác từng đến nên tôi rất thấm thía khi đọc Nhật ký trong tù của Bác. Mỗi lần như vậy tôi càng nghiệm ra rằng thơ văn giúp con người ta hiểu về cuộc sống và sống tốt, lịch sử giúp cho mỗi người cảm nhận cái hay, cái đẹp và sự chân thực của văn học chân chính, đích thực.
Trong Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch có bài thơ Đến Liễu Châu (Đáo Liễu Châu). Nguyên văn bài thơ như sau:
Thiên tân khổ phi vô hạn,
Cửu nhật ngộ nhập đáo Liễu Châu.
Hồi cố bách dư thành ác mộng,
Tỉnh lại diện thượng đối dư sầu.
Dịch thơ:
Muôn cay nghìn đắng đâu vô hạn,
Mồng chín ta vừa đến Liễu Châu.
Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng
Tỉnh ra trên mặt vẫn vương sầu.
(Nam Trân)
Những ngày cuối năm 2009, bằng tàu liên vận từ Hà Nội chúng tôi đến Nam Ninh – thủ phủ của tỉnh Quảng Tây. Mới sau hòa bình lập lại (1954) chúng tôi đã đến học tại “Nam Ninh dục tài học hiệu” (thường gọi là khu học xá Nam Ninh). Tỉnh Quảng Tây có hai thành phố lớn là Nam Ninh và Quế Lâm. Hai thành phố này chúng tôi rất quen thuộc và có nhiều kỷ niệm về cái tên “khu học xá Nam Ninh” và “khu học xá Quế Lâm”. Trong lần sang Trung Quốc lần này chúng tôi quyết định đến thăm Liễu Châu – một thành phố mới, hiện đại của tỉnh Quảng Tây – nơi hơn 70 năm trước Bác Hồ đã từng đặt chân đến và bị bắt giam ở nơi này. Liễu Châu nằm trên đường từ Nam Ninh đi Bắc Kinh, cách thành phố Quế Lâm 150km và cách thành phố Nam Ninh 264km. Liễu Châu là một thành phố cổ, có lịch sử 2.111 năm, thời xưa gọi là “Long Thành”. Trong nhân gian ở Liễu Châu có câu: “Tám rồng xuất hiện ở giữa sông Liễu Giang” (bát long hiện ư Liễu Giang trung). Sông Liễu Giang tuyệt đẹp, nước trong xanh hiền hòa chảy qua thành phố Liễu Châu. Thời xưa Liễu Châu là thành phố có tiếng về lịch sử và văn hóa của miền Nam. Thời Đường nhà thơ Liễu Tông Nguyên (773-819) đến Liễu Châu và có làm bài thơ Đăng Liễu Châu thành lâu (Lên lầu thành Liễu Châu) nổi tiếng, trong đó ông tả dòng sông Liễu Giang uốn khúc vây quanh. Ngoài Nam Ninh và Quế Lâm, Liễu Châu là một thành phố lớn, hiện đại của miền Bắc tỉnh Quảng Tây. Thành phố có 5 khu, 2 huyện, diện tích 5.307km2, dân số 1.834.800 người.

Nét hiện đại của Thành phố Liễu Châu

Thành phố Liễu Châu có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là người Hán, Choang, Miêu và Dao. Liễu Châu có sông lớn chảy qua, nằm trên đường sắt Bắc-Nam rất thuận tiện về mặt giao thông. Từ Liễu Châu có thể đi Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Quí Châu ở Tây Nam. Liễu Châu có hai tuyến đường cao tốc rất hiện đại nối liền thành phố Quế Lâm ở phía Bắc và thành phố biển Bắc Hải ở phía Nam. Trước đây Liễu Châu là một thị trấn nhỏ, nghèo nàn, nhà cửa thấp, xây cất lộn xộn. Ngày nay, sau hơn 30 năm cải cách mở cửa Liễu Châu là một thành phố lớn rất hiện đại của tỉnh Quảng Tây. Thành phố Liễu Châu rất nổi tiếng với công nghiệp sản xuất xe hơi. Xe hơi của Liễu Châu xuất hiện khắp cả nước. Các loại xe taxi, xe khách, xe vận tải hạng nặng do thành phố Liễu Châu sản xuất đều có mặt khắp các tỉnh, thành miền Nam Trung Quốc. Hiện nay ở thành phố Liễu Châu có văn phòng đại diện, ngân hàng, cơ quan kinh tế, văn hóa của hơn 30 nước trên thế giới nhất là các nước châu Á như: Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Đường phố rộng rãi, thẳng tắp, nhà cửa chọc trời, hàng quán buôn bán tấp nập, chứng tỏ Liễu Châu đang từng ngày đổi mới để theo kịp các thành phố hiện đại của Trung Quốc. Mục đích đến thăm thành phố Liễu Châu lần này của chúng tôi không phải là để tham quan, du lịch mà chủ yếu tìm hiểu vì sao gần 70 năm trước Bác Hồ đã đến Liễu Châu và những nơi có liên quan đến hoạt động của Bác ở thành phố này và hoàn cảnh Bác sáng tác bài thơ Đến Liễu Châu.
Thơ Bác đến Liễu Châu vào đầu những năm 1940 của thế kỷ trước thì nơi đây chỉ là một thị trấn nhỏ, là nơi trụ sở Tư lệnh đệ tứ chiến khu đóng. Thời bấy giờ Liễu Châu chỉ có một con đường chính, mấy dãy phố nhỏ mà nhà phố chủ yếu đắp bằng đất hay xây bằng thứ gạch nung thô. Ngày nay Liễu Châu mở rộng về diện tích và vươn lên với những cao ốc, nhà hàng, khách sạn, ngân hàng nguy nga, nhằm hấp dẫn khách du lịch. Đối với người Việt Nam đến Liễu Châu là nhớ đến Bác, nơi Bác đã nhiều lần đặt chân và có nhiều kỷ niệm. Ngày nay ở Liễu Châu có nhiều địa chỉ văn hóa có liên quan đến hoạt động của Bác ở Trung Quốc trước đây, nhất là ở tỉnh Quảng Tây. Ở Nam Ninh, Bác đến Liễu Châu rồi đến Quế Lâm sau đó bị quân đội Tưởng Giới Thạch bắt và giải qua khắp ba huyện của tỉnh Quảng Tây.
Bác đến Liễu Châu lần đầu tiên là vào năm 1940. Từ Trùng Khánh qua Côn Minh (tỉnh Vân Nam), Bác đến Liễu Châu. Mùa đông năm đó Bác từ Quế Lâm lại đến Liễu Châu dưới sự giúp đỡ của Lý Thế Thâm, quan chức cao cấp của Quốc dân đảng tại Quảng Tây. Ở Liễu Châu mấy hôm Bác lại đến huyện Tỉnh Tây. Tháng 8-1942 khi đi qua xã Túc Vinh, huyện Đức Bảo Bác bị “hương cảnh” (cảnh sát xã) Quốc dân đảng bắt. Bác bị giải đi khắp các huyện thị Long An, Nam Ninh, Lai Tân. Ngày 9-12-1943, từ Lai Tân Bác đến Liễu Châu bằng xe lửa. Bác bị giam trong một hang núi thuộc sự quản lý của Cục chính trị đế tứ chiến khu. Trương Phát Khuê cho phép Bác được công khai ở Liễu Châu lãnh đạo công tác của “Việt Nam cách mạng đồng minh hội”. Bác ở tại nhà khách Nam Dương, nay là nhà số 2-1 đường Liễu Thạch, khu Ngư Phong, thành phố Liễu Châu. Tháng 11-1944, Bác rời Liễu Châu về nước. Đầu tháng 7 năm 1954, Bác lại bí mật đến Liễu Châu. Lần này Bác nghỉ tại biệt thự số 1 của khách sạn Liễu Châu. Ở đây, Bác gặp và hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai về những vấn đề có liên quan đến hội nghị Giơnevơ chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định hòa bình đình chiến ở Việt Nam năm 1954.
Nhà khách Nam Dương ngày nay gọi là “Liễu Châu Hồ Chí Minh cựu cư” (nơi ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liễu Châu). Năm 1966, nơi đây được công nhận là đơn vị văn vật. Năm 1997, nhà khách trở thành đơn vị văn vật của tỉnh Quảng Tây. Hiện nay thành phố Liễu Châu đang chuẩn bị thành lập “Liễu Châu Hồ Chí Minh cựu cư trấn liệt quán” (nhà lưu niệm nơi ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liễu Châu). Đến thăm Liễu Châu hôm nay ai nấy đều nhớ lại một thời gian khổ mà Bác đã ở đây. Ngày nay cảnh và người ở Liễu Châu đã đổi thay nhưng tình cảm đối với Việt Nam và Bác Hồ của nhân dân vẫn không bao giờ thay đổi. Nhà kỷ niệm rất khang trang, yên tĩnh, tổ chức hoạt động và quản lý rất tốt, đặc biệt nhà kỷ niệm có nhiều hiện vật phong phú, thu hút người xem.
Bài thơ Đến Liễu Châu của Bác thuộc thơ tứ tuyệt, có 20 chữ diễn tả tâm trạng vui, buồn của Bác khi đến Liễu Châu. Bác nói: “Mùng chín ta vừa đến Liễu Châu”, tức là chỉ ngày 9-7-1954 trải qua “muôn cay nghìn đắng” và trải qua hơn “trăm ngày ác mộng” của cuộc chiến tranh ác liệt giữa ta và thực dân Pháp. Câu cuối của bài thơ diễn tả rất thực, đó là cảm tưởng của Bác khi chuẩn bị cho ngày hòa bình, đình chiến sắp cận kề. Ngày chiến thắng sắp thành hiện thực nhưng khó khăn, gian khổ chắc vẫn còn nhiều. “Tỉnh ra trên mặt vẫn vương sầu” nói lên suy nghĩ của Bác những ngày sắp đến. Đến Liễu Châu của Bác lần này khác với các lần trước. Bác đến Liễu Châu lần này với tư thế Lãnh tụ của một nước giành thế chiến thắng sắp mang lại hòa bình cho dân tộc chứ không phải như các lần áp giải tù đày trước đây.
PGS. Hồ Sĩ Hiệp