Thứ ba, 2/12/2014, 22h12

Thầy giáo đến trường từ tờ mờ sáng

ThS. Võ Tấn Thông trao đổi và giải đáp thắc mắc cho một sinh viên
Nhà cách trường trên 30 cây số nhưng chưa bao giờ đường xa khiến ThS. Võ Tấn Thông - Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - đến nơi làm việc muộn.
Ngược lại, ông luôn có mặt ở nơi làm vào lúc phố phường thậm chí còn say giấc nồng, và còn thường kết thúc ngày làm việc khi phố đã lên đèn.
“Việc hôm nay chớ để ngày mai”
4 giờ 15 phút mỗi ngày, nắng cũng như mưa, lúc khỏe hay khi ốm, ThS. Võ Tấn Thông vẫn đều đặn đề máy, chạy xe từ Củ Chi đến nơi làm việc. Ông có mặt tại trường lúc hàng cây trong sân còn đang rũ lá ngủ vùi và kim đồng hồ thì mới chỉ nhích sang mốc chưa đầy 5 giờ 30 phút sáng. Một phần lý do mà ThS. Thông hay “đi sớm” là để tránh kẹt xe vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, cũng nhờ đi làm sớm mà thầy giáo này có điều kiện “tiếp” sinh viên và lắng nghe tâm tư tình cảm của các em ngay cả trước giờ chuông reo vào lớp. Theo ThS. Thông, sinh viên thường tranh thủ thời gian trước hoặc sau giờ học để đến nhờ giải quyết những thắc mắc liên quan đến học tập hay các hoạt động khác. Chính vì điều này mà việc “đi sớm về muộn” đã trở thành nếp làm việc quen thuộc đối với giảng viên này. Ngay cả những nhân viên khác cùng Phòng Công tác chính trị sinh viên với ông cũng rất quan trọng vấn đề đúng giờ giấc. Không chỉ có mặt sớm 15 phút trước giờ làm, khi cần vì công việc, các đồng nghiệp của ông cũng có thể rời phòng làm việc muộn hơn lệ thường. ThS. Thông lý giải, có những việc chỉ cần ráng thêm 5 phút đã có thể hoàn thành. Nhưng để đến hôm sau có thể mất đến 30 phút. Vì vậy, ông luôn tự nhủ bản thân cũng như động viên đồng nghiệp cố gắng làm hết việc chứ không phải cho… hết giờ. Để công tác sinh viên thực sự hiệu quả, ông ghi nhớ và thực hiện theo lời dạy của Bác, “việc hôm nay chớ để ngày mai”.
Đã trải qua nhiều năm tôi luyện trong môi trường quân đội trước khi vào ĐH nên việc học tập tấm gương, đạo đức và phong cách sống giản dị của Bác đã trở thành một lẽ tự nhiên đối với ThS. Thông. Ngày ấy cũng như bây giờ, khi rời quân đội, vào ĐH, rồi ở lại trường làm giảng viên ngay tại chính Khoa Điện - Điện tử, những điều Bác dạy luôn được thầy giáo Thông lấy làm định hướng, tự nhắc nhở bản thân. Trước khi đảm nhiệm công tác sinh viên (năm 2002), ThS. Thông còn giữ chức vụ Bí thư Đoàn trường, vì vậy ông có quá trình dài hàng chục năm liền gần gũi, gắn bó các lớp sinh viên trẻ. 20 năm qua, cùng với dấu chân sinh viên tình nguyện, thầy giáo Thông cũng chưa từng vắng mặt trong một “Mùa hè xanh” nào.
Thân thiết đồng nghiệp như người nhà!
Cách đây ít lâu, một cựu sinh viên quay trở về trường tìm gặp cho được thầy Thông để gửi trả 400 ngàn đồng mà em đã mượn thầy trong lúc chưa nhận kịp tiền gia đình gửi trước đó. Số tiền mà có lẽ chính thầy giáo này cũng đã quên mất từ bao lâu nay rồi. Riêng lời cảm ơn rối rít và ánh mắt cảm kích chân thành của cựu sinh viên nọ, ThS. Thông lặng thầm giữ lại. Làm công tác sinh viên, hàng chục năm trời gắn bó các em, đối với thầy Thông, còn gì vui bằng nhận được tình cảm tri ân chân thật như vậy từ học trò. Và còn gì ấm lòng hơn khi ông cảm nhận rõ cả tình cảm trong chính mình cũng lớn dần lên, đong đầy thêm.
Kể cả những lần khác, thương sinh viên vì hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, ThS. Thông từng bỏ tiền túi đóng học phí cho các em để kịp tiến độ học tập, thi cử. ThS. Thông thổ lộ, sống chân tình, thành thật và đối với người khác bằng tất cả tấm lòng là điều ông tiếp tục “học nữa, học mãi”. Chung phòng làm việc với ông, người mang cơm theo, người mua cơm tới… nhưng bữa trưa mọi người luôn ăn cùng nhau trong không khí thân mật, ấm cúng như bữa cơm gia đình. Ông bảo: “Không ai đối tốt với mình bằng chính những người thân trong nhà. Vì vậy, môi trường mà đồng nghiệp sống chan hòa với nhau như tình cảm gia đình sẽ giúp mối quan hệ ngày càng khăng khít và những khó khăn trong công việc dễ dàng được giải quyết”.
Tại Phòng Công tác chính trị sinh viên nơi ông làm việc, nhân viên thường được luân chuyển vị trí để hiểu và nắm bắt công việc của mảng khác. Chính vì vậy, mọi người biết được cái khó, cái dễ ở vị trí làm của đồng nghiệp, đồng thời lúc cần thiết có thể kịp thời hỗ trợ nhau. Có đôi lúc cũng không tránh khỏi bất đồng trong công việc giữa các thành viên, nhưng sau hết thảy, sợi dây tình cảm vẫn nối chặt mọi người.
Sống chân thành, trung thực cũng là điều mà ThS. Thông luôn hướng sinh viên vươn tới. Theo ông, việc học tập gương Bác không ở đâu xa. Chính sinh viên khi nỗ lực “học thật - thi thật” bằng công sức, năng lực bản thân; đồng thời nói không với học nhờ, thi hộ là đã góp phần thực hiện được lời dạy của Bác…
Bài, ảnh: Mê Tâm
Năm 2003, ThS. Võ Tấn Thông - Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM -  được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 2. Ba năm sau ông tiếp tục nhận thêm Huân chương Lao động hạng 3. ThS. Thông còn được nhận bằng khen của Thành ủy TP.HCM về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông còn được Bộ GD-ĐT tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”…