Thứ năm, 24/4/2014, 23h04

“Tiểu Long Nữ” làm khiếp vía kẻ thù

Bà Phùng Ngọc Anh hiện nay
Đại thắng vẻ vang ngày 30-4-1975 lịch sử có sự góp phần không nhỏ từ lực lượng Biệt động thành. Phùng Ngọc Anh - với biệt danh “Tiểu Long Nữ” là một chiến sĩ can trường người Việt gốc Hoa đã điểm tô thêm truyền thống của Biệt động Sài Gòn Gia Định.
Hiện bà Phùng Ngọc Anh đang sống trong một căn hộ nhỏ tại Q.11 (TP.HCM). Khi đối diện, ít ai biết bà là một chiến sĩ biệt động gan dạ, can trường mà cảnh sát Sài Gòn thời ấy phải khiếp sợ. Những ngày đêm bà len lỏi vào trong lòng địch, các địa chỉ nguy hiểm nhất để làm nhiệm vụ lần lượt được bà nhớ lại. Câu chuyện của gần 50 năm trước như những thước phim quay chậm, có đôi lúc bị ngắt quãng, mờ đi vì lý do tuổi tác cũng như ảnh hưởng của di chứng tra khảo mà bà Ngọc Anh từng trải qua.
Chuyện của gần 50 năm trước
Địa điểm mà bà Ngọc Anh hoạt động không đâu khác ngoài những điểm tụ tập ăn chơi của Mỹ ở Chợ Lớn. Các con hẻm nhỏ, đường lớn quanh khu người Hoa này bà đều rành. Mỗi đêm, từ các con hẻm này bà và đồng đội hạ 2-3 tên lính Mỹ đã sát hại người dân vô tội. Biết chuyện, anh đội trưởng của bà đã nghiêm khắc phê bình vì hoạt động nhưng không xin ý kiến của chỉ huy. Tuy nhiên, anh đội trưởng cũng đã giao nhiệm vụ nặng nề hơn cho bà sau khi hướng dẫn thêm cách ném lựu đạn cũng như điều nghiên các lối thoát khi bị phát hiện. Được cấp trên tin tưởng tuyệt đối, bà càng háo hức…
Vừa điều nghiên, bà Ngọc Anh còn tích cực tham gia phát triển lực lượng, trước ở khu Chợ Lớn, sau tổ chức ở nhiều địa phương khác từ Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức… 18 tuổi, Ngọc Anh đã sớm trở thành “cái gai” sắc nhọn khiến bọn cảnh sát Sài Gòn lúc bấy giờ phải khiếp sợ. Hàng loạt lính Mỹ đã chết dưới họng súng của bà nhưng tung tích vẫn là một ẩn số. “Nhiều đợt truy lùng của Mỹ đã diễn ra ráo riết ngay sau đó nhưng những cái tên “Tiểu Long Nữ”, “Rồng Đỏ”, “Rồng Xanh” (cảnh sát Mỹ gọi tôi - NV) vẫn chưa được tìm thấy. Khi lính Mỹ vào các con hẻm với mục đích tìm diệt “Rồng Đỏ”, tôi đã có mặt ở đó từ chiều. Nhiều tên bị tôi bắn hạ chỉ cách vài bước chân. Sau một thời gian dài, xe cảnh sát liên tục đến đưa xác về, chúng tức khí mở các đợt càn quét tập trung ở xóm lao động, nơi chúng nghi ngờ tôi tá túc ở đó. Tuy nhiên, các đợt càn của Mỹ càng làm dấy lên phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân, lực lượng cũng đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương”, bà Ngọc Anh kể.
Tổ vũ trang khối Hoa vận chuyển đi tìm diệt Mỹ của bà Ngọc Anh hầu hết là những cô gái chưa qua một ngày huấn luyện ở trường lớp. Người cầm súng trước hướng dẫn người cầm súng sau. Ai nấy đều nhiệt tình, hăng hái, luôn hoàn thành nhiệm vụ. Hầu như đêm nào trong các xóm nhà lụp xụp cũng có tiếng súng đì đoàng, sau đó là bóng của người con gái nhanh chóng mất hút trong đêm tối. Nghe súng hoặc lựu đạn nổ, người ta nghĩ ngay đến bà Ngọc Anh đã ra tay bởi mới chiều họ thấy bà lảng vảng đâu đây, chắc là điều nghiên địa hình. Khi thì bà ngồi bên đường uống sữa đậu nành, hay ăn chè. Chốc chốc đã thấy bà len lỏi vào hẻm, thản nhiên nói cười với lính Mỹ như không có chuyện gì xảy ra. Bọn lính đâu ngờ rằng, cô gái dáng người cao ráo, lúc nào cũng cười rạng rỡ mà mình giễu cợt chiều qua là tác giả của những vụ nổ súng táo bạo. “Nhiều tờ báo ra ngày 22-8-1967 đều đăng tin trang nhất có nội dung: “Một sĩ quan Mỹ đã thiệt mạng trong xóm lao động ở Chợ Lớn. Kẻ gây ra cái chết có thể là Tiểu Long Nữ…”, bà nhớ lại.
Tháng ngày tù đày

Tấm ảnh chụp bà Phùng Ngọc Anh và bàn tay sau khi đổ hóa chất được sinh viên Khoa Xã hội học phương Đông Hartman Oconnell chụp lại từ kho dự trữ tư liệu chiến tranh Việt Nam ở Mỹ.
Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai (đơn vị Biệt động 90C) nhận xét về bà Ngọc Anh, người đồng đội của mình: “Từ khi còn là thiếu nữ, Ngọc Anh đã được đội trưởng tin tưởng giao cho một khẩu súng và 50 viên đạn. Lần đầu cầm súng, Ngọc Anh tập tháo lắp, tập ngắm ngày đêm. Đạn quý hơn vàng nên Ngọc Anh quyết định không bắn thử mà rủ đồng đội đi tiêu diệt ác ôn”.
Bà Ngọc Anh còn khiến cảnh sát Mỹ khiếp vía khi ném lựu đạn M26 phá buổi tuyên truyền bầu cử. Táo bạo hơn, bà cùng một đồng đội vào rạp chiếu phim An Lạc để treo cờ cách mạng. Hôm ấy, bà liều lĩnh mang cây súng giả để phòng thân. Bà nhớ lại: “Dự định là chỉ lẻn vào treo cờ rồi chạy thoát thân nhưng trên đường đi sợ cảnh sát sẽ xông vô, bà con không có nhiều thời gian để xem cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nên tôi đành phải tìm một cây súng giả để khi cần khống chế chúng. Đoạn phim chiếu chừng 15 phút, chúng tôi chạy ào lên sân khấu căng cờ trước màn hình. Ngay lúc đó, tiếng một người vang lên giữa đám đông: “Bà con hãy ủng hộ cách mạng…”. Giữa dòng người cùng bước ra khỏi rạp, ngang qua chỗ tên lính gác, tôi còn nói với tên này: “Vào xem đi, phim hay lắm”. Nó ngạc nhiên nhìn tôi chằm chằm. Chúng tôi còn nán lại xem thế nào. Một thằng chạy vào thấy củ khoai móc dưới lá cờ, hoảng hồn chạy ra nói với thằng còn lại: “Có mìn ở trong đó”…”.
Nghe súng hoặc lựu đạn nổ, người ta nghĩ ngay đến bà Ngọc Anh đã ra tay bởi mới chiều họ thấy bà lảng vảng đâu đây, chắc là điều nghiên địa hình.
Nhưng rồi bà Ngọc Anh đã bị bắt khi nhận nhiệm vụ tiêu diệt tên đặc vụ trong một ngày đầu năm 1967. Kế hoạch đã có, bà cùng với đồng đội nữ làm nhiệm vụ. Sau hai ngày điều nghiên, bà đã hạ gọn tên này. Chiếc xe máy đã đợi bà ngoài kia nhưng không kịp. Bà bị bắt khi quay lại lấy chiếc cặp của tên đặc vụ mà theo cấp trên, trong đó có rất nhiều tài liệu quan trọng có lợi cho cách mạng. Hai lính bảo vệ tên đặc vụ đã kịp thời có mặt, dùng súng đập sau đầu khiến bà ngất đi. Sau đó, bà trải qua tháng ngày chịu nhiều đòn tra khảo dã man từ Tổng nha cảnh sát, nhà tù Chí Hòa và địa ngục trần gian Côn Đảo. Trước lòng kiên trung của bà, cảnh sát Sài Gòn đã sử dụng hóa chất đổ lên bàn tay. “Sau này mới biết đó là cách kiểm tra dấu vết qua các loại vũ khí mà tôi từng sử dụng để xem có phải tôi là “Tiểu Long Nữ” hay không”, bà Ngọc Anh nói…
Trong thời gian bị tù đày, bà Ngọc Anh cùng một số chiến sĩ biệt động bị chính quyền Việt Nam cộng hòa đưa đi thủ tiêu vào mùng 2 Tết Mậu Thân (ngày 31-1-1968) tại bốt Bà Hỏa (Chợ Lớn). Lần này chỉ có một mình bà Ngọc Anh may mắn sống sót nhờ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Lê Thị Riêng dùng thân mình che đạn.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
“Tôi có thể xử chúng khi chưa có ý kiến cấp trên không?”
Không ít lần, chính bà Ngọc Anh phát hiện những tên sĩ quan Mỹ đã ra tay sát hại người dân vô tội đi lại trên đường. Chỉ cần trong nháy mắt là một viên đạn sẽ xuyên qua ngực chúng nhưng vì chưa có ý kiến của cấp trên nên bà chưa thể hành động. Để không bỏ lỡ cơ hội, một lần gặp đội trưởng, bà bạo miệng hỏi: “Tôi có thể xử chúng khi chưa có ý kiến cấp trên được không? Chúng sống thêm một ngày thì cuộc sống của người dân thêm một ngày khổ”. Trước những chiến công vẻ vang mà bà đã mang lại, anh đội trưởng gật đầu đồng ý cho bà tự động tác chiến không chút do dự.