Chủ nhật, 16/11/2014, 21h11

“Vua rừng” thung lũng Cù Bai

Người Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị giàu lên từ những cánh rừng bời lời
Rừng là nguồn sống không chỉ của riêng người dân vùng cao mà rừng còn là sự sống, là tấm lá chắn vững chãi để chở che cho quê hương trong những tháng năm bom đạn… Vì vậy, người trồng rừng trước khi nghĩ đến mục đích kinh tế phải nghĩ đến việc “băng bó”, phủ màu xanh sự sống cho mặt đất.
Ông Lê Đình Hoan, một người nông dân được mệnh danh là “vua rừng” ở thung lũng Cù Bai (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã nói vậy với chúng tôi. Ông Hoan là một trong các cá nhân vừa được Bộ NN&PTNT tôn vinh là nông dân xuất sắc năm 2014.
1. Những trận mưa cuối mùa ở thung lũng Cù Bai không còn nặng hạt như nhiều tháng trước, chỉ là vài ba cơn mưa rả rích tầm xế chiều, đủ để xoa dịu cái nắng trưa oi ả chốn núi rừng.
Khi chúng tôi hỏi đường đến nhà ông Hoan, những đứa trẻ đang chơi trò đánh khăng trên mảng đất hoang hăng hái tình nguyện dẫn đường. Nhà của ông Hoan cũng giản dị như những ngôi nhà sàn khác của đồng bào Vân Kiều. Ông Hoan đón khách bằng cái bắt tay thật chặt. Ông cho biết: “Tôi vừa đi dự lễ tuyên dương nông dân xuất sắc năm 2014 ở Hà Nội về. Gặp và chia sẻ với nhiều gương nông dân xuất sắc mới biết, việc làm giàu đâu chỉ cho riêng ai mà còn mang ý nghĩa cho bà con, cộng đồng xung quanh”.
“Hiện ông có bao nhiêu diện tích rừng bời lời?”, chúng tôi hỏi. Ông Hoan khoát cánh tay cụt mất nửa bàn, nói: “Nhiều lắm. Cả vùng rừng dài hàng chục cây số từ bản Cù Bai ra tới tận chân con đèo Sa Mù lận. Rừng của riêng tôi tầm vài chục hécta, còn lại chủ yếu là tôi bày cho bà con trồng và hỗ trợ cây giống. Rừng là của chung mà!”.
Trước đây, khi bản làng của người Vân Kiều bên bờ dòng Sê Păng Hiêng còn trong tình trạng quanh năm thiếu đói, cuộc sống chỉ biết dựa vào rừng từ cái ăn đến cái mặc. Những cánh rừng ở Cù Bai tưởng chừng sẽ chẳng bao giờ có thể cầm được “máu”, thế nhưng từ ngày có mặt ông Hoan (cách nay tầm 15 năm) - một cựu chiến binh - phát động phong trào trồng cây vừa làm kinh tế vừa gây rừng, gần 100 hộ dân ở bản Cù Bai không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ việc phủ xanh đồi trọc, với các loại cây như trầm gió, bời lời đỏ…

“Vua rừng” Lê Đình Hoan
2. ÔngHoan quê ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Ông gắn bó nghĩa tình với bản Cù Bai trong những năm tháng tham gia quân ngũ. Cù Bai trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước là địa danh nổi tiếng về mức độ đánh phá ác liệt của quân thù, là “cửa tử” trên tuyến đường Trường Sơn. Nơi đây, giặc Mỹ không chỉ dội xuống hàng ngàn tấn bom đạn nhằm ngăn chặn sự chi viện về sức người, sức của của ta cho chiến trường miền Nam, mà còn nhiều lần rải chất độc hóa học hòng hủy diệt sự sống trên mảnh đất này. Sau ngày hòa bình, do hậu quả chiến tranh nặng nề, cuộc sống của đồng bào Vân Kiều còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, vì thế rừng ở Cù Bai chưa kịp hồi sinh thì đã bị chính bàn tay con người vội vã chặt phá để đánh đổi từng bát cơm, manh áo. Núi rừng Cù Bai vì thế ngày càng trở nên xơ xác tiêu điều.  
Trăn trở trước điều đó, sau ngày xuất ngũ, ông Hoan quyết định ở lại nơi đây vì theo ông, ở đâu cũng là quê hương. Khi rừng được phủ xanh thì không chỉ người dân miền núi mà cả người dân vùng đồng bằng cũng được an toàn trước thiên tai bão lũ...
3. Để có được những thảm rừng xanh mượt trên những sườn núi mà đất đai đã bị rửa trôi bạc màu vì bom đạn cày xới và chất độc hóa học hủy diệt là việc làm chẳng hề đơn giản. Sau nhiều trăn trở, năm 1999, ông Hoan lặn lội vào tận tỉnh Gia Lai để tìm hiểu kỹ thuật trồng rừng. Ông bỏ ra hơn một năm để học hỏi kỹ thuật ươm cây bời lời và trầm gió. Trở lại Hướng Hóa, ông mạnh dạn phá bỏ vườn hồ tiêu đang cho thu hoạch để lập vườn ươm. Nhưng do còn thiếu kinh nghiệm nên tỷ lệ hạt nảy mầm chỉ đạt khoảng 20%. Dù vậy, ông vẫn chuyển số cây giống đầu tay vào trồng thử nghiệm trên đất rừng Cù Bai.
“Rừng phủ xanh đồi trọc, che chở bản làng, Cù Bai giờ đây đã làm được cây lúa nước hai vụ, thêm trồng rừng, chăn nuôi… cuộc sống của bà con đã no đủ hơn trước nhiều rồi. Được thế, một phần nhờ chú Hoan bày cách làm ăn đó!”, ông Hồ Xừng (75 tuổi), già làng ở bản Cù Bai vui vẻ nói.
Một trở ngại khác nữa là từ bao đời nay, đồng bào ở đây coi rừng chỉ là đối tượng để khai thác, chuyện trồng rừng thật xa lạ. Ông phải gõ cửa từng nhà vận động bà con, bắt đầu từ các già làng có uy tín rồi mới đến người trẻ. Thấy ông nói có lý, bà con làm theo. Sau khi cây bời lời đỏ, trầm gió bám rễ trên vùng đất Cù Bai, được người dân tin tưởng, ông lại bàn với vợ bán đi chiếc xe ba cầu - tài sản đáng giá nhất - rồi vay thêm ngân hàng 100 triệu đồng tiếp tục ươm cây giống. Ước mơ phủ xanh những quả đồi nham nhở hố bom hai bên bờ sông Sê Păng Hiêng trở thành hiện thực!
Đồng bào không có nguồn vốn để mua cây giống, ông sẵn sàng cấp cây giống cho bà con với cam kết chia lợi nhuận sau thu hoạch. Với cách làm này, hàng trăm hộ gia đình ở Cù Bai, Xà Lỳ, A Xóc, Sê Pu, Tà Păng (xã Hướng Lập) và các bản Trăng, Xa Đưng, Cà Tiêng, Tà Rùng (xã Hướng Việt) đã trở thành chủ nhân của những khu rừng bời lời đỏ có diện tích từ 5-7ha. Những già làng như Hồ Xừng, Hồ Liệt, Hồ Thứ… đã ngoài 70 tuổi vẫn hăng hái trồng rừng, động viên con cháu cùng làm theo.
Không chỉ giúp đồng bào Vân Kiều biết trồng cây, góp phần làm dịu cái nắng nóng khắc nghiệt nơi vùng cao biên giới, giữ lại dòng nước mát lành cho đất để đem đến mùa vàng ấm no trên cánh đồng Cù Bai. Việc làm của ông Hoan đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ rừng.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Cung cấp hàng chục ngàn cây giống cho bà con mỗi năm
Giờ đây đồng bào Vân Kiều ở Cù Bai không chỉ trồng rừng, mà còn mạnh dạn lập vườn ươm cây để chủ động nguồn giống. Riêng ông Hoan, mỗi năm vẫn tiếp tục cung cấp khoảng 60 vạn cây giống trầm gió, bời lời đỏ cho đồng bào ở khu vực bắc Hướng Hóa. Tiếng lành đồn xa, đồng bào ở các huyện Mường Nòng, Sê Pôn của nước bạn Lào cũng tìm đến ông để nhận cây giống về trồng.