Thứ tư, 7/3/2012, 14h03

Xóm “nhà tranh” giữa lòng thành phố

Cồn Thị như một “ốc đảo” nằm soi mình giữa hai dòng sông, bao đời nay chìm trong cảnh nghèo khổ

Mang tiếng thuộc TP.Tam Kỳ sầm uất, nhưng bao đời nay, người dân xóm Cồn Thị (khối phố 6, phường Phước Hòa) vẫn chưa thể thoát ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn của nghèo đói, lạc hậu.
Nghèo cả xóm
Xóm Cồn Thị thuộc khối phố 6, phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) vốn là một mỏm đất cao, được bồi đắp bởi hai con sông Bàn Thạch và Kì Phú mà thành. Cái tên Cồn Thị đầy dân dã ra đời từ khi phù sa mang về những hạt thị rồi chúng bén duyên với đất, nảy mầm trên mảnh đất nhỏ bé này. Hàng chục cây thị cao to đến hai ba người ôm không xuể sừng sững mọc lên nơi ngã ba sông.
Theo lời kể của những vị cao niên, xóm được hình thành từ những năm 70 của thế kỉ XIX. Lúc bấy giờ, một vị khách vãng lai từ ngoài Bắc vào thấy vị trí địa lí nơi đây phù hợp với nghề đánh bắt thủy sản nên đã định cư tại đây. Rồi dần dần người ở những địa phương lân cận, đa phần là dân vô gia cư, không có cục đất chọi chim tìm về nơi này an cư, lạc nghiệp.
Dẫn chúng tôi đi một vòng từ đầu đến cuối xóm, ông Lê Minh Khanh, Trưởng khối phố 6 không ngừng nhắc đến những hộ dân khó khăn nơi đây. Ông chỉ tay vào từng căn nhà tuềnh toàng, tạm bợ mà chúng tôi ngang qua rồi kể về các mảnh đời cơ cực “nép mình” trong đó. “Trong số 134 hộ dân với 569 nhân khẩu của xóm có đến 15 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo và những hộ còn lại đa phần nằm trong diện khó khăn. Nhiều hộ đang nằm trong danh sách xét duyệt hộ nghèo để được hưởng trợ cấp”, ông Khanh ngậm ngùi.
Điều đặc biệt, trong danh sách mà ông Trưởng khối phố này liệt kê, có khá nhiều hoàn cảnh khiến những ai nghe qua cũng phải quặn thắt lòng. Cuộc sống cơ cực, nhiều người đàn ông trụ cột gia đình không chịu được gánh nặng quá sức nên bỏ xứ ra đi không hẹn ngày trở lại. Những người phụ nữ bỗng chốc trở thành neo đơn với tuổi già trong căn lều lồng lộng gió. “Căn lều này của bà Huỳnh Thị Thanh (71 tuổi). Hơn 10 năm nay bà bị căn bệnh động kinh hành hạ đến mất sức lao động, thơ thẩn sống qua ngày nhờ sự đùm bọc của bà con chòm xóm và số tiền trợ cấp xã hội 180 nghìn đồng/tháng. Nói thật chứ ngần ấy tiền không đủ giúp bà trang trải chi phí thuốc thang mỗi khi trở bệnh chứ chưa nói đến việc sinh hoạt hàng ngày”, ông Khanh thở dài.
Cách đó không xa, bà Huỳnh Thị Lý, năm nay đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” lững thững mò mấy con ốc ngày nước cạn. Cũng như bao nhiêu người dân khác, trước đây do hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, nhận thức về tương lai con cái đối với phần lớn phụ huynh xóm chài này còn quá hạn chế nên lũ nhỏ cứ rủ nhau bỏ học. Ngày khôn lớn, chúng buộc phải lang bạt đi khắp nơi làm thuê kiếm sống, bà thành người mẹ có con mà cũng như không. Chỉ tay về phía người phụ nữ gầy guộc trông già hơn cái tuổi 40 của chị, ông Khanh nói: “Đó là chị Nghĩa, chồng bỏ đi biệt xứ mấy năm nay. Quanh quẩn ở nhà ai kêu gì mần nấy. Người gầy yếu vậy chứ gánh vác đủ thứ, nuôi mẹ già rồi bốn đứa con ăn học. Một đứa vừa rồi học xong lớp 12 đã xin nghỉ để vào Sài Gòn làm công nhân gửi tiền về cho các em ăn học. Thấy thương tình, bà con nơi đây ai cũng cố bớt miếng cơm, cái quần manh áo cũ giúp đỡ gia đình chị. Nhưng giúp thì cũng có chừng mực vì hoàn cảnh của họ có khá hơn là bao”.
Thấy chúng tôi băn khoăn về nghề nghiệp của người dân, ông Khanh cười tếu táo, đáp gọn lỏn: “Đánh cá ở sông. Mùa nào sông nhiều cá thì cái bụng người dân no, cá không tìm đến đói móp mỏ, bó gối, treo niêu”.
Bao giờ Cồn Thị thoát nghèo?
Cách đây khoảng chừng 20 năm, trên sông Bàn Thạch và sông Kì Phú đoạn chảy qua Cồn Thị chỉ có khoảng từ 5 đến 10 ghe neo đậu đánh bắt cá nhưng cho đến nay, số lượng ghe xuồng thường xuyên túc trực đã lên đến 30 chiếc. Người hành nghề này trong xóm mỗi lúc một đông trong khi số lượng tôm cá trên sông ngày một khan hiếm nên đói nghèo là điều khó tránh. Nguyên nhân nguồn lợi thủy sản trên những con sông này ngày một cạn kiệt, theo bà con trong xóm ngoài lý do chủ quan trên còn phải kể đến môi trường nước nơi đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một ngôi chợ tạm được bà con nơi đây dựng lên với rất nhiều cái không: Không quản lý, không đảm bảo các yêu cầu chung của một khu chợ cần có và đặc biệt không xử lý vệ sinh rác thải. Những chất thải từ ngôi chợ khiến nước sông trở nên đục ngầu, đen đúa. Và cái tính đụng đâu xả đó của người dân cũng góp phần “diệt” cá tôm.
“Lúc trước tôm cá nơi đây trù phú lắm, nhưng vài năm gần đây thì trở nên khan hiếm, chắc chẳng mấy chốc mà cạn kiệt. Gia đình tôi sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản trên những con sông này, không biết khi phải bỏ nghề, lấy gì nuôi mấy miệng ăn đây?”, ông Lê Minh Ngọc, một người dân hành nghề đánh bắt cá trên sông ngót 30 năm nay buông tiếng thở dài.
Đứng bên bờ vực đói khổ, nhiều người dân, nhất là lớp trẻ xóm Cồn Thị bắt đầu đổ xô vào các thành phố lớn làm ăn với hy vọng thoát khỏi cái nghèo và ước mơ về một ngày mai tươi sáng. Theo ông Khanh, vài năm trở lại đây, dân lao động trong xóm lũ lượt kéo nhau đi làm ăn xa. Ngày thường nhìn qua nhìn lại chỉ thấy phụ nữ, bà già và trẻ con. “Trẻ con Cồn Thị vì nhà nghèo quá mà phải bỏ học đi làm sớm. Cũng bởi cái nghèo mà bà con trong xóm ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe, ăn uống kham khổ, phát sinh bệnh tật. Chừ mà không mần kiếm ăn nơi khác thì có mà nghèo truyền kiếp”, bà Lê, một người sống gần trọn cuộc đời với cái xóm này cho hay.
Bóng nắng cuối chiều trùm phủ mặt sông vốn đã tối đen vì ô nhiễm. Khi chúng tôi đi ngang qua đám trẻ quần xanh áo trắng tung tăng cặp sách, ông Khanh dừng lại nhìn theo bước chân lũ trẻ, lẩm bẩm: “Phải biết được con chữ, phép tính thành thạo mới mong đổi đời!”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên