Thứ hai, 2/2/2015, 09h02

Xuân đến sớm trên con đường Hồ Chí Minh

Thương lái vào tận bản làng để thu mua chuối
Những ngày này, các bản làng thuộc huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đang vào mùa thu hoạch sắn (khoai mì), chuối. Trên các cung đường đi qua, chúng tôi thấy người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở tuyến vành đai biên giới hối hả thu hoạch nông sản với nụ cười rạng rỡ.
Nỗi ám ảnh về sự thiếu đói ngày giáp hạt được rút ngắn, con trẻ nhờ đó được đến trường học cái chữ… Khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược ngày một gần lại!
Những ngày giáp Tết, tuyến đường mòn Hồ Chí Minh từ thị trấn Khe Sanh vào các xã vùng lìa của huyện Hướng Hóa tấp nập cảnh bà con nông dân đưa sắn, chuối lên xe tải vào nhà máy chế biến hay đưa về miền xuôi bán. Anh Hồ A Kiêm (35 tuổi), một nông dân sản xuất giỏi ở xã Thuận, chia sẻ: “Nhờ được tập huấn và hỗ trợ nguồn giống nên ba năm nay, gia đình tôi trồng được 2ha cao su, 2ha sắn và 1,5ha chuối. Mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng. Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, giá sắn ổn định hơn các năm trước nên nguồn lợi sẽ nhiều hơn”. Anh Hồ A Kiêm cho biết thêm, nhiều hộ gia đình ở xã Thuận đã thu hoạch gần cả trăm triệu đồng từ sắn.
Vừa nhẩm tính số lượng sắn mang lên xe đưa vào nhà máy, ông Nguyễn Kỳ ở xã Thuận, nói với chúng tôi: “Gia đình tôi trồng được 3ha sắn. Bình quân mỗi năm thu về tầm 140 triệu đồng. Năm nay giá sắn tăng từ 100 đến 200 đồng/kg nên dự kiến thu nhập sẽ cao hơn”.

Ông Hồ Bồi bảo rằng, Tết nhất bây giờ đã sung túc hơn xưa nhiều lắm
 
Đưa chúng tôi đi một vòng các rẫy sắn và chuối, ông Phạm Xuân San, Phó chủ tịch UBND xã Thuận, hồ hởi cho biết: “Những nương rẫy này 10 năm về trước toàn cây cối hoang dại mọc lút đầu người, hố bom chằng chịt. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con dân tộc thiểu số ở vùng Lìa này đã tiếp cận được với các phương thức sản xuất, thâm canh mới nên đời sống đã thay da đổi thịt rất nhiều. Nhà nào cũng có ti vi, xe gắn máy, con cái được đến trường 100%. Hiện toàn xã Thuận có hơn 600ha sắn; 300ha chuối và gần 300ha diện tích trồng xoài, cây ăn quả và các loại hoa màu ngắn ngày khác. Mỗi năm ước tính tổng thu nhập của xã lên đến hàng chục tỷ đồng. Thu nhập bình quân gần 9 triệu đồng/người/năm”.            

Nụ cười của chị Hồ Thị Rường sau ngày lên rẫy thu hoạch sắn trở về
 
Ở xã A Xing, không khí thu hoạch mùa vụ cũng rộn ràng không kém. Gạt giọt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng, chị Hồ Thị Rường vui vẻ cho biết: “Nhà tôi trồng được 1ha sắn, 500 gốc chuối. Thu nhập từ sắn và chuối khá ổn định, đủ để mua lúa gạo và sinh hoạt gia đình, cho 4 đứa con tới trường”. Sau lưng chị Rừng là đứa trẻ lên 5, ngày nghỉ cuối tuần cũng theo mẹ đi gùi sắn. Còn ông Hồ Bồi (75 tuổi) lại tâm tư: “Xưa thời của tôi, cứ vào mùa đông giá rét là thiếu hụt cái ăn. Nay lớp trẻ trồng được cây sắn có thu nhập cao, không còn lo đói nữa”.
Nếu như bà con dân tộc ở các xã A Xing, Thuận… có nguồn thu lớn từ sắn thì người dân ở các xã Tân Long, Tân Thành lại được mùa chuối mật móc. Theo thống kê sơ bộ của Hội Nông dân xã Tân Thành - thủ phủ chuối mật móc - năm nay ước tính thu nhập của bà con là trên 16 tỷ đồng.

Thương lái mua sắn chất lên xe tải
 
Trên những cung đường thuộc các xã A Túc, A Dơi, A Xing, Thanh…, nơi nào bà con dân tộc cũng đang tất bật vào mùa vụ chính với niềm hi vọng sẽ có một cái Tết đầm ấm, sung túc hơn mọi năm. Những chiếc xe tải lớn vào đến tận bản làng, thậm chí có nhiều xe còn lên tận rẫy để thu mua sắn, chuối của bà con.
Rời vùng Lìa trong niềm vui rạng rỡ được mùa, được giá của bà con Vân Kiều, Pa Kô, chúng tôi nhớ mãi lời ông Hồ Bồi: “Hồi trước nhà nào có bắp ngô để dành cho ngày đông là coi như giàu có lắm rồi. Nay ngô chỉ để dành ăn bữa lỡ cho vui và chăn nuôi thôi. Nhờ đa dạng cây trồng nên thu nhập của bà con khấm khá hẳn. Ai cũng có nhà cửa kiên cố, đời sống no đủ, văn minh. Bây giờ con cháu trong nhà đứa nào cũng được sắm áo quần mới để du xuân, tôi vui cái bụng lắm”.
Bài, ảnh: Phan Lệ