Thứ hai, 8/2/2010, 15h04

Xuân về nhớ Sơn Nam

Hồi mới giải phóng Sài Gòn 30 tháng 4, thì đầu tháng 5 tôi tìm gặp Sơn Nam. Ông Sơn Nam lúc ấy vẫn gầy lắm, không biết đi xe đạp. Rủng rỉnh có tiền thì ông đi xích lô còn không đi bộ, tôi nhắn với ông ở đâu, tôi đưa xe đón ông. Hồi ấy tôi là biên kịch – lại là Trưởng ban Biên tập Đài Truyền hình Giải phóng chứ không gọi HTV như bây giờ. Tôi được anh Huỳnh Văn Tiểng giao làm một phim tài liệu về Sài Gòn xưa và nay để giới thiệu trong nước và quốc tế nhân Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng sau 30 ngày phát sóng.
Tôi nhờ Sơn Nam làm cố vấn, cũng như ông thường cố vấn cho các phim nước ngoài quay về Nam bộ. Ông đưa chúng tôi đi đây đó vì tôi và Đoàn Giỏi tập kết về, tất cả các hang cùng ngõ hẻm, đến chùa Cây Mai, ngôi chùa cổ nhất ở Sài Gòn, đến những chiến trận xưa, cầu Kiệu, cầu Bông, đại đồn Kỳ Hòa nơi xảy ra trận chiến với Pháp của Nguyễn Tri Phương, đến nhà lao Chí Hòa nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng, cho đến trận Gạch Gầm đại quân Nguyễn Huệ tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm… Sài Gòn với Sơn Nam ông thuộc như lòng bàn tay mình. Ông đưa chúng tôi đến tận Cần Giờ, Cần Đước, Cần Giuộc vùng ven đô, ông lại giới thiệu anh em chúng tôi Lăng Ông Bà Chiểu. Sở dĩ ông lên Sài Gòn sau 1954, là có lẽ để ông viết về Cà Mau, Rạch Giá nơi quê ông, để cho dân thành thị cũng thấy miệt vườn Rạch Giá, xứ rừng Cà Mau cũng có văn minh. Tất cả những bài ký, cuốn sách của ông đều có đóng dấu “Hương rừng Cà Mau”, “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, “Tìm hiểu đất Hậu Giang”, “Hai cõi U Minh”, “Đồng bằng sông Cửu Long”. Hễ nói đến châu thổ Mê Kông là ông nói không dứt. Các bạn trẻ, anh chị em miền Trung, miền Bắc gặp ông hỏi chuyện xưa của vùng đất này, ông đều nhiệt tình kể lại, giúp bạn đọc am hiểu một cách tường tận vùng nông thôn này. Ông là con mọt ăn sách ở thư viện, chịu thương chịu khó. Khi viết một bài báo nhỏ ông cũng “nói có sách, mách có chứng”. Ông chỉ học trung học ở Cần Thơ mà thông tuệ như bậc học giả. Bạn đọc gọi ông là nhà Nam bộ học. Bởi thế, năm 2003 Nhà xuất bản Trẻ TP.HCM công bố mua đứt toàn bộ gồm 30 tác phẩm của Sơn Nam để giúp các bạn đọc trẻ hiểu một cách sâu sắc về miền lục tỉnh xưa. Sau cụ Vương Hồng Sển thì Sơn Nam là một cây bút sắc sảo về đồng bằng Nam Bộ với con người, thiên nhiên, cỏ cây, sông nước vùng đất phương Nam này. Văn ông giản dị, tinh tế, hài hước và rất nhiều tư liệu quý. Riêng cuốn “Hương rừng Cà Mau” in đi in lại hàng chục lần mà đọc cũng đầy chất thơ, rất thích thú. Bài thơ ngũ ngôn của ông: Trong khói sóng mênh mông/ Có bóng người vô danh/ Từ bên này sông Tiền/ Qua bên kia sông Hậu/ Mang theo chiếc độc huyền/ Điệu thơ Lục Vân Tiên/ Kiến nghĩa bất vi vô dõng ngã/ Tới Cà Mau – Rạch Giá/ Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng/ Muỗi vắt nhiều hơn cỏ/ Chướng khí mù hơi sương/ Thân không là lính thú/ Sao chưa về cố hương/ … Chỉ mấy câu đề dẫn cho “Rừng Cà Mau” mà khắc họa cô đọng và khái quát cả vùng đất tận cùng anh dũng của tổ quốc mình. Độc giả cám ơn nhà văn Nam bộ xuất sắc Đoàn Giỏi đã điển hình hóa thành tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”; còn Sơn Nam thì thi vị hóa, những tư liệu về vùng đất “Từ thuở mang gươm đi mở đất – Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Cuộc đời của Sơn Nam cũng ba chìm bảy nổi. Mùa thu cách mạng 1945 ông đã là Tỉnh ủy viên, Phó bí thư Tỉnh Đoàn thanh niên cứu quốc tỉnh Rạch Giá, và công tác ở Phòng Văn nghệ Ban tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ. Truyện ngắn đầu tiên “Bên rừng cù lao Dung” được giải văn nghệ Cửu Long (1951), ký sự “Tây đầu đỏ” được giải nhì trên Báo Tiếng súng kháng địch thời Chín Năm, rồi sau ông bỏ về thành. Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm, ông bị bắt giam ở Phú Lợi (1960-1961). Miền Nam giải phóng, ông là nhà văn chuyên nghiệp viết văn, viết báo lao động bằng ngòi bút đến cuối đời. Theo nhà thơ Hoài Anh: Không cứ loại nghiên cứu biên khảo, ngay cả truyện ngắn ông cũng viết bằng giọng kể giản dị như có người ngồi nghe trước mặt mình. Điều này ta thấy rõ trong “Hương rừng Cà Mau”. Vùng đất lục tỉnh với Sơn Nam như đất vườn quê ông. Ông là một lão nông dân cày ruộng văn chương, hiểu cặn kẽ, ngóc ngách của thửa ruộng mình. Ông vừa là nhân chứng sống, một cuốn sử sống về địa chí đất rừng vùng châu thổ Chín Rồng.
Hôm nay ông đã về cõi thiên thu rồi, ngày trước có từ nào chưa hiểu về đất Nam bộ tôi thường hỏi ông. Chỉ một ly trà đá, hoặc cốc cà phê là ông nói ngọn nguồn của sự việc, của từ ngữ ấy, ông kể chuyện dí dỏm có duyên, ông như chàng Trương Chi – người thì xấu xí, kể thì rất hay. Ông là cuốn từ điển sống về nông thôn Nam bộ. Sơn Nam viết với trách nhiệm công dân của mình, ông đã đóng góp cho kho tàng từ ngữ dân gian vùng đất hào hùng mới khai phá này. Năm 2006 tôi đi Mỹ về, ông tìm gặp tôi hỏi chuyện Hollywood, vì năm ấy phim “Mùa len trâu” – kịch bản dựa theo truyện của ông, mà ông góp phần “cố vấn lịch sử”, dự giải OSCAR, tôi nói lọt vào khó lắm! Nhưng tôi đã quảng cáo với các bạn Mỹ về ông và phim này…
Bây giờ không còn thấy ông lững thà, lững thững đi bộ khắp các con hẻm mà ngày trước tôi cùng ông và Đoàn Giỏi hay la cà khắp các quán cóc, ăn cơm bụi thâm nhập thực tế với dân nghèo thành thị. Có người ba đời sống trên vỉa hè, cưới vợ, dựng vợ gả chồng, có cháu nội, cháu ngoại cũng trên hè phố ngày trước giải phóng, có người đạp xích lô 35 năm, tối tối gác xe lên lề đường ngủ suốt mấy chục mùa đông.
Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, Sơn là ông lấy họ của người nhũ mẫu (người Khơ me), Nam là Việt Nam. Ông nhỏ hơn Đoàn Giỏi một tuổi, Đoàn Giỏi sinh năm 1925, tuổi Sửu, ông tuổi Dần. Hai người gặp nhau thì cãi, tranh luận, không gặp thì nhớ như nhớ tình nhân. Đoàn Giỏi ra đi 20 năm rồi, ông như chim lẻ bạn. Mỗi lần gặp tôi ông lại ngậm ngùi nhắc đến bạn xưa! Bây giờ ở trên trời chắc ông có người để tâm sự rồi! Sơm Nam ơi! “Ông già Hai Lúa miệt vườn” mong ông thanh thản hòa vào cỏ cây sông nước Tiền Giang – Hậu Giang, hòa vào thế giới của bậc hiền nhân…
Bến Nghé, chiều ngày 10-1-2010
Đoàn Minh Tuấn