Thứ hai, 8/8/2011, 15h08

Ăn chay hợp lý giúp cơ thể khỏe mạnh

Ăn chay hợp lý sẽ giúp cho cơ thể người lớn lẫn trẻ em khỏe mạnh (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: L.Đ.L

Rằm tháng 7 âm lịch thường có rất nhiều người ăn chay. Ăn chay là một phương pháp dưỡng sinh tự nhiên nhằm bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Cho dù ăn chay theo trường phái nào đi chăng nữa, nếu biết lựa chọn thực phẩm cân đối và hợp lý, chắc chắn sẽ có một cơ thể thông minh, khỏe mạnh và năng động.
Những sai lầm khi ăn chay
Theo BS Lê Thúy Tươi thì: “Ngoài các nhà sư thì có khoảng 10% số người ăn chay theo thói quen, theo tín ngưỡng. Cha mẹ ăn chay, con cái ăn theo, riết rồi thành quen. Có người là phật tử nghe theo lời khuyên của Đức Phật nên không sát sinh và ăn chay. Số khác tin rằng ăn chay tâm thể sẽ nhẹ nhõm, ít nóng giận. Một số nhờ Phật độ trì cho tai qua nạn khỏi nên xin nguyện ăn chay ba tháng. Số đông ăn chay hai ngày rằm và mồng một như cách hướng về Đức Phật và mong mọi sự tốt đẹp”. Một số người quan niệm, bữa ăn chay thường gồm: cơm, bún, phở, xôi... với rau luộc hoặc xào chấm với tương; chỉ một gói mỳ chay. Chế độ ăn này kéo dài dẫn đến tình trạng mất cân đối đạm, đường, mỡ và thiếu một số chất dinh dưỡng khác cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì, vận động viên, bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi, phụ nữ có thai và cho con bú. Ngược lại, là những bữa ăn chay quá thịnh soạn lạm dụng chất bột đường, chất béo trong chế biến thức ăn sẽ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. Trong thực tế, có không ít người ăn chay mà vẫn mắc bệnh mỡ trong máu. Nói về sai lầm này, bác sĩ Lê Kim Huệ, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM chỉ ra rằng người ăn chay tuyệt đối (ăn hoàn toàn thực vật) có thể bị thiếu máu do chế độ ăn quá nghèo chất sắt, là chất tạo máu. Người ăn chay không đủ đạm dễ bị suy dinh dưỡng. Những người ăn chay quá nhiều chất bột, đường vẫn có nguy cơ bị béo phì.
Thực đơn ăn chay hợp lý
Dù ăn chay hay ăn mặn, đều có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt nếu chế độ ăn uống không cân đối và hợp lý. Những người ăn chay trường cần ăn đủ bữa để cơ thể nhận đủ năng lượng: 3 bữa chính và thêm 2-3 bữa phụ. Thức ăn chế biến nên sử dụng những thực phẩm chứa nhiều năng lượng: dầu lạc, dầu thực vật, các loại hạt nhiều dầu như hạt điều, hạt dẻ. Để đề phòng thiếu chất đạm, khi ăn chay cần phải biết phối hợp các loại đạm thực vật một cách hợp lý sẽ đáp ứng nhu cầu đạm và các axít amin cần thiết cho cơ thể. Nguồn thực phẩm cung cấp chất đạm cho người ăn chay là các loại đậu đỗ, đặc biệt là đậu nành có lượng canxi khá cao, tương đương với đạm động vật như thịt, cá, trứng... Ngoài ra, để cơ thể nhận đủ canxi cần thiết, tùy theo trường phái ăn chay có thể sử dụng thêm sữa động vật hoặc trứng. Người ăn chay nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khoảng 20 phút/ngày vào lúc sáng sớm để cơ thể tổng hợp vitamin giúp tăng hấp thu canxi, xương sẽ chắc khỏe hơn. Ở người trưởng thành, nhu cầu năng lượng là 1.900-2.300 calo/ngày. Thực đơn ăn chay cho người trưởng thành cung cấp đủ calo có thể theo mẫu sau: 7h: một chén xôi lạc ăn kèm muối vừng; 9h30: 250ml sữa đậu nành; 12h: hai bát cơm, một đĩa vừa đậu phụ, nấm rơm khô, một bát canh chua, một quả cam, một hũ yaourt; 17h: hai bát cơm, một miếng vừa chả chay, một bát canh đậu phụ hẹ, một quả chuối sứ; 20h: 200ml sữa không béo. Thực đơn này cung cấp khoảng 2.130 calo.
Thu Hiền

Ăn chay hợp lý có thể giúp giảm 40% nguy cơ tử vong do ung thư, giảm 30% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, phòng bệnh tiểu đường type 2, phòng bệnh sa sút trí tuệ, loãng xương, thừa cân, cao huyết áp, sỏi mật, viêm ruột thừa...