Thứ hai, 8/2/2010, 14h02

“Bánh tét nhưn mây”

Không biết tự bao giờ, bánh tét đã có mặt trong văn hóa ẩm thực Việt Nam? Tôi chỉ nhớ có lần nghe ba tôi nói, quê nội tôi - một làng quê Nam bộ - bánh tét có quanh năm, nhất là vào các ngày giỗ, lễ tết, bánh tét không bao giờ thiếu trên bàn thờ gia tiên. Có lẽ vì thế, lưu truyền trong dân gian người ta gọi là “bánh tết” nhưng lâu dần nói trại đi là “bánh tét”. Tôi thì chỉ biết cái bánh tét có hình trụ dài như cái đòn nên người ta hay gọi là “đòn bánh”. Nhớ lúc trước, mỗi lần muốn ăn, tôi thấy mẹ tôi phải dùng sợi dây chuối buộc bánh, lấy một đầu dây cắn chặt vào răng, đầu dây còn lại được kéo căng bởi bàn tay phải, rồi lần lượt quấn ngang thân đòn bánh tét, cắt thành từng khoanh một, bày ra đĩa. Có lẽ đó là lý do vì sao người ta gọi là bánh tét, nghe cũng hợp lý lắm.
Mỗi năm Tết đến, cứ vào ngày giao thừa là nhà tôi luôn có một mâm cơm rất thịnh soạn mà ba tôi gọi là cúng “rước ông bà”, và tất nhiên trên bàn thờ không thể thiếu vài đòn bánh tét. Ba tôi đốt nhang, khấn vái trời đất, hình ảnh cái lưng lòm khòm của ba lạy xá bốn phía, đến giờ tôi vẫn không sao quên được. Trong khi bọn con nít tụi tôi thì háo hức chờ con gà luộc trên bàn cúng đem xuống “xé phay”, nhưng ba tôi lại quan tâm nhiều nhất đến cái đĩa bánh tét. Lúc mẹ tôi loay hoay với mâm cỗ chuẩn bị dọn ra cho cả nhà thì cha con tôi cứ quây quần bên đĩa bánh tét cắt sẵn, từng khoanh bánh xanh màu lá chuối hòa trong gạo nếp, bọc quanh chính giữa bánh là những hạt đậu xanh vàng ươm được dùng làm nhưn trông rất bắt mắt, ở giữa nhưn còn có chút mỡ trắng bóng, nhìn là thấy ngây ngấy, vậy là cha con tôi ngồi ăn ngon lành trong cái háo hức, rộn ràng của niềm vui ngày cuối năm.
Đòn bánh tét trong ký ức tuổi thơ tôi không chỉ có vào ngày Tết Nguyên Đán. Kỷ niệm về ba với đầy ắp yêu thương không sao quên được còn có cả hình ảnh mà ba tôi từng ví von “đòn bánh tét” với “cây roi mây”. Chiếc roi mây thời đó tượng trưng cho biểu tượng của một nguyên lý giáo dục tích cực trong những gia đình gia giáo. Nhà tôi thuộc gia đình đông con, thế nên roi mây càng là “phương tiện” không thể thiếu. Ba mẹ bận đi làm nên giao quyền cho chị Hai “xử lý”. Chị được mẹ “trang bị” cho một cây roi mây rất oách “trưng bày” ngay cửa ra vào (nơi mà ai cũng có thể thấy). Tôi nhớ, có lẽ người sử dụng nó nhiều nhất vẫn là mẹ và chị Hai. Còn với ba tôi thì chưa bao giờ ba đánh, họa hoằn lắm ba mới cầm chiếc roi lên nhứ nhứ trong không khí rồi thôi. Người ta bảo “Một cái giá bằng ba cái đánh” không biết đúng sai thế nào, nhưng bọn tôi vẫn rất sợ uy ba, dù chưa từng bị ba cho ăn roi nào. Còn nhớ có lần khi ba bệnh, đang nằm nghỉ, nhưng chị em tôi ở bên ngoài sân cứ chơi trò “rồng rắn lên mây”, hò hét ỏm tỏi. Ba chịu không nổi, sắc mặt nghiêm nghị, bật dậy bước ra đứng trước cửa nhà, cầm chiếc roi mây nhứ nhứ, rồi hỏi: “Đứa nào muốn ăn đòn bánh tét nhưn mây?”. Bọn tôi nín lặng và im phăng phắc đầy sợ hãi vì sự nghiêm khắc bất ngờ đó, mỗi đứa lặng lẽ giải tán, nhưng ai cũng che miệng nén tiếng cười như muốn bật ra vì món “bánh tét nhưn mây” của ba.
Có ông già đi bán roi mây; Mẹ mua một chiếc để dành đây; Mẹ cắm trên tường ôi phát khiếp; Bố nhìn bố lạnh cả hai tay… Câu thơ trên tôi nhớ có lần đã đọc được đâu đó.
20 năm trôi qua kể từ ngày ba mất, không có lần giỗ nào của ba mà trên bàn thờ không có đòn bánh tét. Và trong tận sâu thẳm của tiềm thức, tôi vẫn chưa hề quên món “bánh tét nhưn mây” ngày ấy của ba tôi.
Ngày nay, phương pháp giáo dục không cho phép dùng roi vọt, tôi cũng không lạm bàn tính hiệu quả của nó ở đây. Thế nhưng, trước sự xuống cấp của giáo dục lễ nghĩa trong gia đình lẫn nhà trường hiện nay, tôi tự hỏi không biết có ai đó chạnh lòng nhớ về chiếc roi mây của thời xa xưa ấy…!?
Hoàng Nguyên