Thứ ba, 14/9/2010, 17h09

Dấu hiệu bệnh tật qua sắc da

Da là một bộ phận bên ngoài có nhiệm vụ bao phủ, bảo vệ các cơ quan bên trong. Da và các cơ quan nội tạng bên trong có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. 
Một số biểu hiện bên ngoài có thể chỉ là bệnh da đơn thuần hoặc có thể xem như dấu hiệu báo trước hay là biểu hiện của bệnh nội khoa, như: các chấm xuất huyết, các vết bầm máu ở da có thể là dấu hiệu của bệnh lý về máu; vàng da do tắc mật, bệnh gan; sạm da toàn thân có thể do bệnh của tuyến thượng thận...
Do vậy, những thay đổi bên ngoài của da có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể. Sau đây là một số thay đổi màu sắc da thường gặp:
Dát giảm hay mất sắc tố (màu trắng): có thể gặp trong các bệnh như:
- Bạch biến
- Lang ben
- Vảy phấn trắng alba
- Bệnh phong
- Giảm sắc tố trong một số nghề nghiệp như phải mang găng lâu ngày
- Tiếp xúc với một số hóa chất có chứa Phenol, Quinon
- Giảm sắc tố sau một số bệnh như chàm, vảy nến, bệnh Zona...
Dát tăng sắc tố (màu nâu, đen):
- Sạm da (nám)
- Tăng sắc tố sau một số bệnh: mụn, chàm...
- Tăng sắc tố sau khi sử dụng một số thuốc: nhóm cycline, Methotrexate
- Hồng ban sắc tố cố định: thường liên quan đến dị ứng thuốc
Dát màu hồng, đỏ:
- Ban xuất huyết
- Phát ban do virut
- Phát ban do thuốc
- Ban đào (bệnh giang mai II)
- Bệnh vảy phấn hồng
- Bệnh luput đỏ...
Dát màu vàng:
- Ban vàng Xanthelasma: liên quan đến tình trạng tăng cholesterol máu
- Lan tỏa khắp người như lắng đọng bất thường các chất: caroten, bilirubin...
Triệu chứng bên ngoài của bệnh da nhìn đơn giản nhưng có thể là biểu hiện của bệnh lý phức tạp. Do đó, khi gặp bất cứ triệu chứng gì bất thường trên da, bạn cần đi khám bệnh sớm. Khám bệnh sớm có thể phát hiện một số bệnh lý tiềm tàng, nếu không can thiệp sớm có thể gây tác hại nặng nề cho cơ thể.
Theo TTO