Thứ ba, 30/9/2014, 09h09

Đối phó dịch bệnh tay chân miệng

Trước thông tin xuất hiện ổ dịch bệnh tay chân miệng (TCM) ở phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM làm một trẻ 8 tháng tuổi tử vong, các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng về dịch bệnh này. Mặc dù ngành y tế đã liên tục khuyến cáo nhưng dịch TCM vẫn còn nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao và chưa có vaccine dự phòng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.

Số ca mắc vẫn cao

Sáng đầu tuần, Khoa Khám bệnh trẻ lành mạnh của Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM chật cứng bệnh nhi đến khám. Bên cạnh phần lớn trẻ mắc bệnh hô hấp, chích ngừa thì cũng có cả bệnh TCM. Vừa bước ra khỏi phòng khám số 2, chị Hoàng Ngọc Phú (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết: “Bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh TCM và cho con tôi thuốc về uống, sáng mai tái khám”. Chị Phú chìa cuốn sổ khám bệnh ở phần xử trí và chăm sóc một số bệnh thường gặp được bác sĩ khoanh tròn lưu ý ở mục 7 liên quan bệnh TCM, nói: “Bác sĩ bảo chú ý các biểu hiện như thế này thì nhập viện gấp”.

Theo bác sĩ Lê Thị Út, Khoa Khám trẻ em lành mạnh, thỉnh thoảng vẫn thường gặp trẻ nghi mắc TCM và cần theo dõi bệnh. Tuy nhiên, phần lớn trẻ đến khám còn nhẹ ở mức độ I nên cho thuốc về uống và lưu ý người nhà theo dõi kỹ các biểu hiện, triệu chứng bệnh cũng như phải tái khám mỗi ngày trong vòng ít nhất một tuần.

Ghi nhận tại các khoa khám khác của Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cũng cho thấy số trẻ nghi mắc và mắc TCM vẫn còn cao với khoảng 20 - 30 trẻ khám mỗi ngày. Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, số trẻ mắc TCM đến khám tuy có giảm so với các tháng trước nhưng mỗi ngày vẫn 30-40 trẻ đến khám và chẩn đoán theo dõi TCM, trong đó có cả trẻ từ các tỉnh khác chuyển về. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện không phải là cao điểm dịch TCM nhưng dịch bệnh này diễn biến rải rác quanh năm, trong đó đáng ngại là thời điểm vào đầu năm học như hiện nay. Bên cạnh các ổ dịch trong cộng đồng thì các chùm ca bệnh ở trường học cũng rất đáng quan ngại. Với biểu hiện và diễn tiến bệnh khó lường, BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm-Bệnh viện Nhi đồng 2, cho rằng bệnh TCM có nguy cơ tử vong và biến chứng cao. Điển hình là ca bệnh mắc TCM vừa mới tử vong đã được Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Phú (TPHCM) ghi nhận. Ca bệnh này lúc đầu được chẩn đoán viêm họng cấp, viêm phế quản và cho về nhà theo dõi điều trị nhưng sau đó đã cấp cứu với biểu hiện mắc TCM.

Cấp cứu trẻ mắc bệnh TCM tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, bệnh TCM tăng liên tục từ tuần 7 đến tuần thứ 17 năm 2014. Sau đó số ca TCM có chiều hướng giảm chậm trong các tuần 18, 19, 20 và 21 với số ca nhập viện trung bình 230 ca/tuần. Trong tuần 37, có 106 ca nhập viện, tăng 9 ca so với tuần trước; số ca nhập viện tích luỹ từ đầu năm đến giữa tháng 9-2014 là 6.542 ca. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo dịch TCM có khả năng bùng phát trở lại sau những tuần đầu tựu trường năm học mới và cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc từ đầu năm đến nay.

Phòng là chính

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Nguyên nhân của bệnh TCM do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Virus EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.

Các chuyên gia y tế ghi nhận virus gây bệnh TCM có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do virus vẫn tồn tại trong phân). Qua nghiên cứu, Viện Pasteur TPHCM nhận định tất cả những người chưa từng bị bệnh TCM đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng không phải ai bị nhiễm bệnh cũng xuất hiện bệnh. Bệnh TCM xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn.

Theo các chuyên gia y tế, TCM là một bệnh nhẹ, hầu hết tất cả bệnh nhân hồi phục trong vòng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị và thường không gặp các biến chứng. Bệnh cũng có thể diễn biến nặng như viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, thường do virus EV71 gây ra. Thời gian ủ bệnh thông thường từ khi nhiễm bệnh tới khi khởi phát triệu chứng 3 - 7 ngày. Sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh TCM, sốt thường kéo dài 24 - 48 giờ.

Theo BS Trương Hữu Khanh, bệnh thường bắt đầu với các biểu hiện như: sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng; 1 hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má; phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ không nổi hoặc nổi lên, có khi rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện trên mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục. Người bị bệnh TCM có thể không biểu hiện triệu chứng, hoặc có thể chỉ có phát ban hoặc chỉ loét miệng; Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Các biện pháp phòng ngừa

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt sau khi tiếp xúc với các bọng nước.

- Làm sạch môi trường ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.

- Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em bị bệnh tay chân miệng cũng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

- Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn.

- Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo.

- Che miệng và mũi khi hắt hơi và ho.

- Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng cách.

- Luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.

TƯỜNG LÂM (SGGP)