Thứ ba, 27/1/2015, 23h01

“Làm đẹp” cho trẻ không đúng cách

Không nên cho trẻ đeo trang sức giả để tránh những hệ lụy về sau
Da bị nhiễm trùng vì đeo nữ trang dỏm, dị ứng vì thuốc nhuộm tóc trôi nổi, ngất xỉu trong giờ học vì ăn kiêng quá mức… Nhiều bà mẹ trẻ cho con “làm đẹp” kiểu này vô tình đang hại chính con mình.
Không nên điểm tô bằng “hình thức”
Bé Du mới vào học lớp 1 nhưng rất thích làm điệu. Mới hôm rồi đi chợ mẹ mua cho Du một đôi bông tai và một chiếc nhẫn vàng giả để dành đến Tết mới cho đeo. Về đến nhà được cho đeo thử Du thích lắm, chạy khắp con hẻm nơi nhà em ở để khoe với mọi người, rồi một mực không chịu tháo. Hễ mẹ động đến tính tháo ra là Du khóc rồi la làng lên. Được 3 ngày, lỗ tai bé bị sưng tấy rồi bị mưng mủ. Hậu quả là cô bé phải uống thuốc và xức thuốc theo toa BS trong nhiều ngày vì bị viêm da.
Với mong muốn con gái nhanh chóng có thể đeo đôi bông tai do người đồng nghiệp cho hôm mừng con đầy tháng, chị Lê Thị Ngọc Trang (ngụ quận 2) đã nhờ cô hàng xóm xỏ lỗ đeo khuyên tai cho con gái mình. Không ngờ lỗ xỏ bị nhiễm trùng, sưng đau và chảy nước vàng khiến bé gái rưng rưng khóc suốt mấy ngày liền. Chồng chị Trang vừa đi công tác về hay cớ sự liền mắng vợ một hơi và bắt đưa con đi khám BS.
Còn nhớ trước Tết năm ngoái, bé Kiều Mai (ngụ quận Bình Thạnh) được cô Út dẫn đi nhuộm tóc và sơn móng tay ở một tiệm uốn tóc gần chợ. Vì nghĩ cháu còn bé nhuộm thuốc loại thường cũng được nên người chủ tiệm đã nhuộm cho bé màu hung vàng khiến mái tóc quăn tự nhiên của bé Mai rất đáng yêu. Nào ngờ khi về tới nhà thì da đầu cô bé bắt đầu ngứa ngáy, nghiêm trọng hơn là mí mắt, trán, cổ và tai đều bị sưng phù lên phải đi khám BS.
Đeo trang sức, nhuộm tóc, sơn móng tay có thể là một trong những sở thích của trẻ con, nhưng  việc ăn kiêng của một học sinh lớp 6 có vẻ là hơi hiếm. Cô bé này tên L., là học sinh một trường THCS ở quận Bình Tân, TP.HCM. Khi bắt đầu vào tiểu học, bé L. béo phì nên hay bị các anh chị trong nhà chê là “L. heo” khiến em rất bực mình. Suốt thời tiểu học cô bé lại hay xem chương trình thời trang trên truyền hình, rồi thấy mẹ hay ăn kiêng nên đã gieo trong L. ước mơ “sẽ thành người mẫu đẹp để mai mốt không còn bị ai chê nữa”. Bấy nhiêu lý do khiến bé L. quyết tâm ăn kiêng từ năm lớp 3 rồi riết thành quen. Mấy năm qua, bữa ăn của L. thường chỉ gồm 1 chén cơm, rau và thường tránh ăn thịt, cá, bơ sữa. Cơ thể L. bây giờ gầy gò với trọng lượng vỏn vẹn chỉ có 25kg. Mới hồi đầu năm rồi, trong giờ học L. bất ngờ bị ngất vì suy nhược cơ thể. Kết quả khám BS còn cho biết bé bị suy dinh dưỡng dạng nặng.
Khuyến cáo của các chuyên gia
GS.BS Đào Ngọc Diễn lưu ý hậu quả của suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến phát triển thể lực, trí lực, sức khỏe, bệnh tật khi còn nhỏ mà còn ảnh hưởng lâu dài đến tuổi trưởng thành. Sự thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, trí thông minh, hạn chế kết quả học tập, năng suất lao động và khả năng sinh sản.
Theo GS.BS Đào Ngọc Diễn, Ban cố vấn Hội Dinh dưỡng Việt Nam thì suy dinh dưỡng xảy ra do giảm cung cấp chất dinh dưỡng, tăng tiêu thụ dưỡng chất hoặc cả hai. Để khắc phục tình trạng này, phụ huynh cần nhanh chóng nâng khẩu phần dinh dưỡng lên mức tối đa đáp ứng khả năng hấp thu của trẻ. Trong đó chú trọng sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng, giàu kẽm và protein đồng thời bổ sung đa vi chất như vitamin A, D, sắt, các men hỗ trợ tiêu hóa giúp cải thiện quá trình tăng trưởng và tăng cường miễn dịch cho trẻ.
Không nên sử dụng thuốc nhuộm tóc vì mục đích làm đẹp cho trẻ vì sức đề kháng của trẻ kém. Thực tế trong bất kỳ loại thuốc nhuộm tóc nào đều có 2 hộp, một hộp thuốc màu và một hộp thuốc pha (thuốc trợ - hydrogen peroxide). Thuốc trợ là một chất ôxy hóa và được coi là “chìa khóa” để mở lớp biểu bì cho phép các chất nhuộm màu thấm sâu vào chân tóc và không bị phai sau nhiều lần gội. Tuy nhiên, bị dị ứng với thuốc trợ hoặc với chất paraphenylene-diamin có trong thuốc nhuộm màu cũng chính là thủ phạm gây dị ứng cho một số người sử dụng.
Phụ huynh cũng không nên cho trẻ sử dụng nữ trang giả vì sẽ gây nguy hiểm cho trẻ về sau. Theo điều tra của Tổ chức Quốc tế phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và dự báo về sức khỏe cộng đồng, 57% các loại trang sức đang được bán trên thị trường hiện nay có chứa các hóa chất rất độc hại do chủ yếu được làm bằng niken, đồng, thiếc, crôm… Các chất phụ gia này có tác dụng tạo nên độ bóng và lấp lánh cho trang sức. Mặt khác, kim loại dùng làm nữ trang đều bị nhiễm chì, thủy ngân và cadmium vượt quá giới hạn cho phép, đặc biệt là cadmium. Đây là kim loại nặng rất độc, được xếp vào hàng thứ 7 trong tổng số 275 chất cực độc gây hại đối với sức khỏe con người, trong đó có cả nguy cơ gây ung thư.
Bài, ảnh: Bích Vân
 
Cần biết khi xỏ lỗ tai cho trẻ
Về việc xỏ lỗ đeo khuyên tai cho trẻ, chuyên gia lưu ý phụ huynh nên nhờ BS, y tá hay những chuyên gia có kinh nghiệm để thực hiện việc này và dụng cụ xỏ phải nhỏ, bén và vô trùng tuyệt đối. Điều quan trọng nữa là ngay sau khi cho bé xỏ lỗ khuyên tai, cần làm sạch vết thương bằng rượu hay ôxy già từ 2-3 ngày để tránh nhiễm khuẩn và cần vệ sinh vết thương cho bé hàng ngày trong khoảng 7 tuần bằng chất khử trùng tốt.