Thứ tư, 23/3/2011, 11h03

Nắng nóng, trẻ ăn gì để tránh bệnh?

Trẻ đang được khám - điều trị dinh dưỡng tại TTDD TP.HCM. Ảnh: N.T

Để cho trẻ lớn, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, đòi hỏi phải có chế độ ăn thích hợp, khoa học. Không ít trường hợp trẻ đến khám tại Trung tâm Dinh dưỡng (TTDD) TP.HCM bị suy dinh dưỡng (SDD) hay béo phì… Tất cả do thiếu chất vì ăn không đúng cách.

Ăn thiếu, ăn thừa đều… không đủ
Trong tháng 3 vừa qua, bé Đặng Thu Thảo (3 tuổi, quê Kiên Giang) được ba mẹ đưa đến TTDD TP.HCM khám tư vấn dinh dưỡng trong tình trạng rối loạn thần kinh giao cảm, biểu hiện trong giấc ngủ thường giật mình, nghiêm trọng hơn, bé Thảo còn bị SDD độ 2. Chẳng phải chị Thúy - mẹ bé Thảo lơ là trong việc chăm sóc ăn uống mà bởi vì bé rất sợ ăn từ khi được cai sữa. “Nhiều hôm bực quá tôi phải đét mông Thảo mới chịu ăn được chút ít, nhưng càng cố ép, bé càng lì ra, hay khóc nhiều, người càng ngày càng ốm. Đi khám mới hay vì sợ ăn nên cháu sinh bệnh tâm lý biếng ăn” - chị Thúy chia sẻ.
Cũng tại TTDD TP.HCM, trường hợp các trẻ gặp tâm lý biếng ăn dẫn đến SDD không ít. Nguyên nhân hầu hết do trẻ bị mẹ ép ăn quá mức khi trẻ không muốn ăn. Việc làm này gây sức ép lên tâm lý trẻ. Trẻ khi đến khám thường biểu hiện ủ rũ, không vui vẻ, không nói, hay khóc, cơ thể xanh xao, hay cáu gắt… Theo nghiên cứu cho thấy, trẻ biếng ăn có nguy cơ thua kém 6%-22% chỉ số cơ thể BMI (body mass index) so với trẻ ăn uống bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời, biếng ăn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và thể chất lâu dài của trẻ chuyển biến thành SDD” - Giám đốc TTDD TP.HCM - bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết.
Cũng theo bác sĩ Diệp thì trẻ bị SDD có nhiều nguyên nhân như hoàn cảnh gia đình khó khăn, khiến gia đình chăm sóc con không chu đáo mà thiếu chất; trẻ mang bệnh trong người mà biếng ăn chứ không như trường hợp của Thảo. Còn có trường hợp, trẻ ăn nhiều, rơi vào tình trạng béo phì nhưng vẫn bị SDD bởi các chất được dung nạp vào cơ thể không đều. Mới đây, cháu M.K (10 tuổi - TP.HCM) nặng gần 100kg đến khám trong trạng thái cảm giác luôn mệt mỏi, ít tập trung vào việc học tập, không thích vận động so với trẻ cùng trang lứa… cháu bị phát hiện SDD vì thiếu vitamin A, E và nhóm B.
Trường hợp của M.K là trường hợp mà hiện nay xã hội thường hay gặp, đặc biệt trong độ tuổi đi học. Hầu hết do ba mẹ bận bịu công việc, ít quản việc ăn uống, tạo điều kiện cho trẻ vô tư ăn các thức ăn chứa nhiều chất béo như bánh ngọt, bánh chiên dầu mỡ, thức ăn nhiều tinh bột mà ít ăn rau củ, quả dẫn đến thiếu chất xơ, các nhóm, vi chất vitamin… làm cơ thể mất cân bằng các chất dẫn đến béo phì nhưng lại mang nhiều bệnh.
Ăn vừa, ăn đủ, ăn đúng là tốt
Mỗi tháng, TTDD TP.HCM tiếp nhận khoảng 10.000 lượt trẻ em có độ tuổi từ 0-15 đến khám dinh dưỡng, trong đó, độ tuổi từ 0-5 chiếm đa số.Đối với trẻ trong độ tuổi cai sữa từ 1-3 thường biếng ăn là bình thường vì khi mới cai sữa, trẻ tập ăn dặm, thức ăn có vị lạ, khiến vị giác trẻ khó chấp nhận. Đây lại là điều làm nhiều bà mẹ lo lắng, và càng hoảng hơn vì con sút ký. “Lúc này, không ít bà mẹ nôn nóng tìm mọi cách như làm trò vui, đi dạo hay hù dọa, la, đánh, hứa hẹn mua cho thứ này đồ kia… miễn trẻ có thể nuốt thức ăn. Điều này thật dễ hiểu, thế nhưng việc thúc ép làm cho trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, sợ hãi mỗi khi ăn, làm cơ thể trẻ không tiết được đầy đủ men tiêu hóa, không tiếp thu được nhiều thức ăn, hay bị rối loạn thần kinh giao cảm mà đêm ngủ thường hay giật mình. “Đã có trường hợp bé gái 2 tuổi mà cân nặng dưới 8,5kg và cao dưới 85cm, khi đến khám, cháu gầy xanh xao, da khô ráp, mắt khô và bị SDD…” - bác sĩ Diệp cho biết.
Các bà mẹ nên hiểu rằng, trẻ cần có không gian vui chơi, thoải mái về thể chất và tâm hồn. Việc này giúp trẻ vừa ăn ngon miệng, vừa hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng. Để có được điều này, nên cố gắng thay đổi các loại thức ăn cho phù hợp với khẩu vị, tạo màu sắc cho bắt mắt cũng như thay đổi vật dụng chứa thức ăn để tạo cảm giác không quá nhiều thức ăn, giúp trẻ bớt ngán, dễ ăn hơn; nên cho trẻ ăn từ từ, tránh nghẹn và ói. Thấy con không ăn thì đừng nhồi nhét về số lượng. Nhiều bà mẹ quá chú trọng đến số lượng mà quên đi chất lượng, khiến trẻ mất cảm giác thèm ăn, cũng đừng cho trẻ ăn quá nhiều theo sở thích mà dẫn đến tình trạng thiếu thừa chất; không nên mở ti vi hay hứa hẹn cho cái này cái kia. Việc mở ti vi làm trẻ mất tập trung vì bị hình ảnh lôi cuốn, còn nếu hứa hẹn cho quà làm trẻ nhớ đến món quà suốt quá trình ăn, nếu lần sau không có, trẻ thường hay nhõng nhẽo, quấy khóc, đòi cho bằng được… Tất cả những điều này đòi hỏi người mẹ phải kiềm chế cảm xúc khi cho trẻ ăn, vừa tránh được căng thẳng của mẹ truyền sang con, vừa tạo được bầu không gian vui vẻ, hạnh phúc khi ăn.
Ngọc Trinh
“Hiện nay là thời điểm trời nắng nóng, nhiều trẻ được cha mẹ mua nước mát cho uống, hay người lớn uống gì con cái uống cái đó. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị tiêu chảy vì ăn uống không hợp vệ sinh, không khoa học. Nếu điều trị khỏi bệnh nhưng trẻ không được chăm sóc kịp thời, đúng cách cũng sẽ dẫn đến tình trạng biếng ăn và khó tránh khỏi SDD. Thực tế hàng năm, cứ vào thời điểm này, số lượng trẻ đến TTDD TP.HCM khám rất đông” – bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết.