Thứ hai, 22/3/2010, 15h03

Nắng nóng, uống sắn dây giải nhiệt

Mùa nắng nóng, lấy một ít tinh bột sắn dây hòa với nước đun sôi đã nguội để uống sẽ giúp bạn giải nhiệt, chữa mồ hôi ra nhiều, bứt rứt khó chịu, thân nhiệt tăng...
Cây và củ sắn dây
Sắn dây có tên khoa học: Pueraria thomsoni Benth., còn được gọi là cam cát căn, cát căn, phấn cát, bạch cát.
Bộ phận thường dùng là rễ sắn dây, còn để làm thuốc. Rễ sắn phát triển thành củ dài và to khi thu hoạch, qua sơ chế (rửa sạch đất, bỏ vỏ ngoài, cắt lát…), sau đó phơi và sấy khô lên. Củ sắn dây tươi đem xay, ngâm trong nước một thời gian, gạn bỏ nước chua, lọc lấy bột trắng, đem phơi khô để dùng gọi là bột sắn dây.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Hội Dược liệu TP.HCM) cho biết: Trên thị trường có hai dạng sắn dây: Củ sắn dây sấy khô, phiến mỏng được các nhà thuốc Đông y thường sử dụng và dạng tinh bột sắn dây. Sản phẩm tinh bột sắn dây có bày bán ở khắp nơi, tuy nhiên nên mua tại nơi sản xuất hoặc cửa hàng uy tín, đảm bảo vấn đề vệ sinh, an toàn để tránh nhầm lẫn với những loại bột dỏm, giả mạo.
Theo y học cổ truyền, sắn dây có vị ngọt, tính bình, công năng giải nhiệt, giải biểu, sinh tân dịch, chỉ khát, tác dụng chữa cảm mạo, phát sốt, ban sởi mới phát, đi lị ra máu, khát nước, mụn nhọt.
Dưới đây, xin giới thiệu đến bạn đọc cách dùng sắn dây đơn giản theo hướng dẫn của Lương y Nguyễn Đức Nghĩa:
Về liều dùng: sử dụng 8-10g dưới dạng sắc uống, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Mùa nắng nóng, ra mồ hôi nhiều, bứt rứt, khó chịu, thân nhiệt tăng: dùng 6-10g tinh bột sắn dây hòa với nước nguội hoặc cho thêm ít đường uống rất tốt. Tùy theo thể trạng và tuổi của từng người có thể giảm 1/2 liều hoặc tăng thêm. Với trẻ nhỏ, nên cho trẻ uống chín tốt hơn pha sống.
Theo Phụ Nữ