Thứ sáu, 11/5/2012, 15h05

Ngăn ngừa béo phì ở trẻ vị

Trẻ vị thành niên bị béo phì thường rất lười vận động. Ảnh: T.L

Có nhiều nguyên nhân gây béo phì ở trẻ vị thành niên nhưng chủ yếu là do ăn uống không hợp lý. Đặc biệt, thời gian các em dành cho hoạt động chơi game, xem ti vi, học thêm, nói chuyện điện thoại… lại nhiều hơn thời gian vận động.
Nhiều tác hại do béo phì
Em Nguyễn Văn L. (HS lớp 9 Trường THCS Phạm Văn Chiêu - Q.Gò Vấp - TP.HCM) cao 1m65 nhưng nặng gần 90kg. Ở trường cũng như ở nhà, L. rất thích ăn các loại thức ăn nhanh, bánh snack và uống nước ngọt. L. còn hay thức khuya chơi game, mà hễ đói là lại “nạp” nhiều loại thức ăn vào bụng. Thế là buổi sáng lại bỏ bữa. Thấy L. cứ tăng cân liên tục, ba mẹ đã “kéo” L. cùng đi bộ thể dục vào các buổi chiều nhưng cứ đi được một đoạn là L. dừng lại thở hổn hển, có hôm còn phải… leo lên xe ôm để về nhà. Vừa qua, gia đình đưa L. đi khám BS thì được chẩn đoán em đã bị chứng béo phì. Theo BS. Trần Quý Ngọc (Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM) thì chứng béo phì ở lứa tuổi vị thành niên gây ảnh hưởng tới sức khỏe lớn hơn nhiều so với các lứa tuổi khác. Theo một cuộc điều tra mới nhất cho thấy, béo phì ở độ tuổi dưới 18 làm tăng gấp 3 lần nguy cơ tử vong sớm cho người bệnh. Đáng chú ý, những em ăn sáng đều đặn giúp giảm nguy cơ béo phì đến 60%.
Trẻ vị thành niên bị béo phì thường có cảm giác khó chịu về mùa hè do lớp mỡ dày như một hệ thống cách nhiệt, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi toàn thân, hay nhức đầu, tê buốt ở hai chân làm cho cuộc sống thiếu thoải mái, hiệu suất công việc, học tập giảm rõ rệt. Trẻ béo phì thường phản ứng chậm chạp hơn người bình thường trong mọi hoạt động. Trước hết, trẻ béo phì dễ mắc các bệnh tim mạch, đái đường hay bị các rối loạn dạ dày, ruột, sỏi mật… Ngoài ra, trẻ bị béo phì còn do yếu tố di truyền nếu có cha mẹ béo, tuy nhiên, yếu tố này không lớn.
Chế độ ăn uống cần hợp lý
Ơ lứa tuổi vị thành niên, các em có sự tăng vọt về chiều cao và cân nặng nên nhu cầu về các chất dinh dưỡng rất cao, có sự khác biệt giữa nam và nữ. Nếu ăn không đầy đủ, trẻ sẽ bị còi cọc, ốm yếu. Còn nếu ăn quá nhiều, lười vận động sẽ bị béo phì ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt.
BS.Trần Quý Ngọc khuyến cáo: “Trẻ cần thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý và hoạt động thể lực đúng mức, đó là nguyên tắc cần thiết để tránh béo phì. Các em thừa cân tiêu thụ nhiều loại thực phẩm như bơ, dầu mỡ, thức ăn chiên rán hàng ngày nhiều hơn mức nhu cầu. Những em béo phì cũng thích ăn đồ ngọt, nhất là uống nhiều nước ngọt hơn những em khác. Số bữa ăn trong ngày cũng nhiều hơn, bữa phụ lại tập trung vào buổi chiều hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra, các em này lại hoạt động ít, nhất là thể dục thể thao. Vì vậy, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần cân đối lại chế độ ăn uống hàng ngày của các em. Cần hạn chế việc chọn thức ăn không lành mạnh ở trường học, cấm quảng cáo khuyến mãi các loại thức ăn không phù hợp cho trẻ vị thành niên, đồng thời tạo cơ hội để các em đi bộ hoặc đi xe đạp an toàn đến trường. Việc giảm cân ở lứa tuổi này không thể áp dụng như người lớn, bởi cơ thể các em vẫn cần phải đủ chất để phát triển. Do vậy, việc tham khảo ý kiến của BS trong điều trị béo phì là điều hết sức cần thiết. Để giúp dự phòng béo phì, trẻ em phải được bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất 6 tháng và các trường học phải cho trẻ tập thể dục hàng ngày từ vừa phải đến tích cực. Điều trị béo phì cho trẻ vị thành niên bằng thuốc phải được sự chỉ định bởi các BS có kinh nghiệm trong việc sử dụng các loại thuốc cũng như để hiểu rõ các nguy cơ và tác dụng phụ của nó…”.
Phụng Diễm