Thứ ba, 31/5/2011, 16h05

Nguyên nhân gây bặt kinh ở phụ nữ

Thuật ngữ y học gọi tình trạng “vắng kinh nguyệt” ở phụ nữ là sự bặt kinh (amenorrhea). Thông thường, tất cả phụ nữ đều không có kinh nguyệt trước giai đoạn dậy thì, trong thời gian thai nghén và sau thời kỳ mãn kinh.
Trong trường hợp khi người phụ nữ không có kinh nguyệt vào thời điểm mà lẽ ra họ phải có, tình trạng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nào đó liên quan đến sức khỏe, cần được điều trị.
Theo giới chuyên môn, có hai loại bặt kinh ở phụ nữ: bặt kinh nguyên thủy (primary amenorrhea) và bặt kinh thứ cấp (secondary amenorrhea). Bặt kinh nguyên thủy là khi một cô gái đến tuổi 16 (dậy thì) mà không có kinh nguyệt lần đầu. Và bặt kinh thứ cấp là khi kinh nguyệt bình thường của người phụ nữ bị mất đột ngột, hoặc thời gian của một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ ba tháng trở lên.
Bặt kinh có thể là nguyên nhân của một số biến đổi ở các cơ quan sinh sản, các tuyến trong cơ thể và các loại hormone liên quan đến việc hình thành kinh nguyệt ở phụ nữ. Những nguyên nhân có thể gây nên tình trạng bặt kinh nguyên thủy (khi người phụ nữ chưa bao giờ có kinh nguyệt lần đầu) bao gồm: Có sự bất thường trong buồng trứng; những vấn đề về hệ thần kinh trung ương (gồm não và dây thần kinh tủy sống) hoặc ở tuyến yên; tình trạng suy yếu của các cơ quan sinh sản.
Ngoài ra, còn một số trường hợp gây nên tình trạng bặt kinh nguyên thủy ở phụ nữ vẫn chưa được y học hiểu biết tường tận về nguyên nhân.
Những nguyên nhân khách quan khác có thể gây nên hiện tượng bặt kinh thứ cấp ở chị em gồm: bị trầm cảm, tình trạng dinh dưỡng kém, tâm trạng phiền muộn, do tác dụng phụ của một số loại thuốc nhất định, giảm cân quá mức, luyện tập thể lực quá sức, bệnh hoạn, tăng cân đột ngột hoặc bị béo phì, mất cân bằng hormone vì hội chứng vách ngăn buồng trứng (PCOS), rối loạn chức năng tuyến yên, có khối u ở buồng trứng hay ở não (hiếm khi xảy ra), hoặc khi người phụ nữ phải giải phẫu cắt bỏ tử cung hay cắt bỏ buồng trứng cũng dẫn đến tình trạng bị bặt kinh thứ cấp.
Theo Phụ Nữ