Thứ ba, 22/7/2014, 19h07

Ốc ma có phải là món ăn bài thuốc?

Người dân vẫn vô tư bắt ốc ma về làm mồi nhậu
Ăn ốc ma (ốc sên) có thể bị viêm màng não, không ít trường hợp sống đời thực vật, thậm chí tử vong.
Chết vì nhiễm ký sinh trùng
Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận bệnh nhân là bé trai L.H.Đ (9 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) trong tình trạng sốt rất cao, đau đầu dữ dội. Người nhà bé Đ. cho biết, trước đó khoảng một tháng, cháu cùng một số người bạn trong xóm bắt ốc ma nướng ăn. Trước đó, tại bệnh viện này cũng đã có một ca tử vong do ăn ốc ma, bị nhiễm ký sinh trùng. Tại các cơ sở y tế địa phương, cơ quan này đã liên tục khuyến cáo người dân không nên ăn loại ốc này nhưng không ít người vẫn bỏ ngoài tai, dẫn đến những cái chết đau lòng hay phải sống đời thực vật.
ThS.BS Bùi Văn Trình, giảng viên Bộ môn ký sinh trùng, Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết: “Ốc ma là nơi ẩn náu của ấu trùng. Nếu quá trình chế biến không kỹ (chưa chín hoặc ăn tái chanh), khi ăn vào ký sinh trùng sẽ chui rúc lên não dẫn đến chảy máu, viêm màng não. Nguy hiểm hơn, ấu trùng ở não sẽ gây tê liệt nhiều dây thần kinh khiến tê liệt tay chân, rối loạn tâm thần… Bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng nhập viện kịp thời với những biểu hiện nhẹ thì thời gian điều trị có thể từ hai tuần trở lại, nếu nặng (hôn mê sâu) thì thời gian phục hồi sẽ rất dài, có thể đến vài tháng”.
Theo đại diện Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới do ăn ốc ma, trong đó, có trường hợp ăn sống (tái chanh). BS. Nguyễn Thanh Hưng cho biết, có bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sùi bọt mép, hôn mê sâu phải thở máy. Cũng theo BS. Hưng, nhiều bệnh nhân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ tìm đến món ăn này vì nghe lời đồn ăn ốc ma để chữa bệnh khớp, bệnh trĩ và viêm loét dạ dày.
Ăn ốc ma không chữa được bệnh
Ốc ma có hình dáng bên ngoài gần giống ốc hương, vỏ cứng và dày, thường sống ở vườn, gốc cây ẩm ướt. Ốc ma sinh sản rất nhanh vào mùa mưa. Khi ốc bò qua thân, lá cây kiểng, các loại rau…, chất nhờn của ốc tiết ra có thể làm thối lá, thân. Gần đây, nhiều người còn sử dụng ốc ma để làm đẹp phản khoa học khi lấy nó đắp mặt với hy vọng chất nhờn từ ốc sẽ có tác dụng tẩy tế bào chết và làm mịn da.
Nam bộ đang vào cao điểm mùa mưa, đây cũng là thời điểm ốc ma sinh sôi và phát triển với số lượng lớn nhất trong năm. Dân nhậu thì vô tư bắt ốc ma bò quanh nhà, vườn để làm mồi nhậu với lời rỉ tai: “Món nhậu rất “bắt”, không tốn tiền lại còn là món ăn bài thuốc”. Tuy nhiên, theo BS. Hưng, hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh ốc ma có thể chữa được các bệnh nói trên. Hơn nữa, cho dù là có bài thuốc nhưng việc ăn sống, ăn tái là rất nguy hiểm.
BS. Hưng khuyến cáo: Thông thường, một bệnh nhân nhập viện do ăn ốc ma khó có thể cứu chữa vì thời gian biểu hiện bệnh rất lâu, chính vì thế mà không ít người chủ quan: “Cứ ăn đi, chết thì đã chết rồi”. Lúc đó ký sinh trùng đã phát triển và hủy hoại não người, khi phát ra thì đã rất nặng. BS cho biết, ký sinh trùng ẩn náu trong ốc ma vào cơ thể, chúng không thể vào ruột mà đi ngược lên não. Thời gian người ăn ốc ma đến lúc phát bệnh (biểu hiện bệnh) thông thường mất từ 20 ngày đến một tháng, hoặc có thể lâu hơn nữa nếu người đó có sức đề kháng tốt. Bệnh nhân nhiễm ký sinh từ ốc ma thường có các biểu hiện như đau đầu, sốt nhẹ, lạnh gáy và xương sống như người bị sốt lúc về chiều nên việc chẩn đoán cũng hết sức khó khăn. BS. Hưng nói: “Bệnh viêm màng não do siêu vi, bệnh cảm cúm hay viêm xoang… cũng có những triệu chứng này, vì vậy có trường hợp BS chẩn đoán nhầm bệnh”.
Bài, ảnh: Trọng Tri
Sống đời thực vật vì ăn ốc ma
Một trường hợp nhiễm ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis do ăn ốc ma từng điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới là bệnh nhân L.T.Đ - sinh viên một trường kỹ thuật tại Tiền Giang. Trước đó, Đ. cùng bạn ngồi nhậu, thấy ốc sên bò ngoài sân nên bắt vào nướng ăn. Sau khi nhậu xong, cả hai đã bị ký sinh trùng tấn công lên não gây hôn mê. Bạn của Đ. may mắn đã bình phục. Còn Đ. từ một thanh niên khỏe mạnh đã phải trở thành một người sống đời sống thực vật. Trường hợp khác là bà T.T.N (47 tuổi, ngụ huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang). Vốn bị mắc bệnh đau dạ dày, nghe người quen chỉ cách ăn ốc ma để trị bệnh này, nhưng sau mấy ngày ăn ốc ma, bà N., bị đau đầu dữ dội, từ từ rơi vào hôn mê và mất cả tri giác. Bà tử vong sau 10 ngày nhập viện do bị nhiễm ký sinh trùng từ ốc ma.
T.B