Chủ nhật, 26/4/2015, 21h04

Sốt xuất huyết sẽ tăng

Bệnh nhi sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM (ảnh chụp ngày 23-4-2015)
PGS.TS Nguyễn Trọng Lân (Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM) trong phần trình bày báo cáo của Bộ Y tế đã nhấn mạnh: “Bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng nếu như không kiểm soát tốt véc-tơ và dịch ngay khi ổ dịch còn quy mô nhỏ”.
Ghi nhận từ Bệnh viện Nhi đồng
Các phòng bệnh ở Khoa Sốt xuất huyết tại cả Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM và Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tuy chưa ở mức quá tải. Nhưng đã có khá nhiều bệnh nhi phải nằm điều trị nội trú tại khoa và còn nhiều bệnh nhi khác được điều trị ngoại trú, bên cạnh đó là nhiều bệnh nhi ngồi chờ khám bệnh tại hành lang của khoa. ThS.BS Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện khi thời tiết nắng, nóng kèm theo mưa. Đây chưa phải là thời gian đỉnh điểm của dịch nhưng cũng có khoảng 40 trường hợp bệnh nhi phải nằm điều trị nội trú tại khoa. Trong số đó có khoảng 1/3 bệnh nhi là người ngoài TP và 2/3 là người TP. Tính đến thời điểm này thì bệnh chưa có sự gia tăng đột biến”. Theo thống kê của Bộ Y tế thì 3 tháng đầu năm 2015, cả nước ghi nhận 8.320 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 40 tỉnh, TP, trong đó 6 trường hợp đã tử vong. Riêng tại TP.HCM có 2 trường hợp, Đồng Nai 2 trường hợp, Long An 1 trường hợp. Mới đây, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cứu sống một bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng. Bệnh nhi N.H.D (7 tuổi, ngụ tỉnh Long An) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng mạch nhẹ, bứt rứt, tay chân lạnh, thở mệt. Xét nghiệm cấp cứu cho thấy bệnh nhi bị cô đặc máu và tổn thương gan nặng, suy hô hấp được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết ngày thứ 4. Tình trạng bệnh diễn biến phức tạp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn đông máu, suy hô hấp nặng, rối loạn tiêu hóa… BS. Tuấn chia sẻ: “Hiện sốt xuất huyết đã vào đầu mùa nên các bậc phụ huynh cần phát hiện sớm để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời, tránh để tình trạng nhập viện trễ gây nên các biến chứng nguy hiểm”.
Tăng cường công tác phòng bệnh
Thời tiết thay đổi thất thường ở đồng bằng sông Cửu Long nên bệnh sốt xuất huyết cũng gia tăng thất thường. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau ghi nhận khoảng 120 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở một số địa phương khác số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết gia tăng từ 25-40% và đang có chiều hướng tiếp tục tăng. 
Đến hẹn lại lên, mỗi khi thời tiết nắng, nóng kèm theo mưa thì bệnh sốt xuất huyết lại trở lại hoành hành và bước vào thời kỳ đỉnh điểm. BS. Tuấn nhấn mạnh: “Điểm hạn chế trong công tác phòng bệnh sốt xuất huyết là tính đến thời điểm này chưa có thuốc đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Người mắc bệnh rồi vẫn có khả năng mắc lại. Chính vì vậy đây là bệnh gặp ai người ấy chịu nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động phòng bệnh bằng cách chú ý thường xuyên diệt muỗi. Người dân cần chú ý đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thường xuyên diệt lăng quăng, bọ gậy, thau rửa dụng cụ chứa nước, thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Đồng thời, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng. Cần lưu ý khi phát hiện thấy các triệu chứng như bị nóng sốt thất thường cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời”. Để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế dự phòng các địa phương phải quyết liệt trong công tác phòng chống dự phòng. Cần huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia công tác này. Cùng với kiểm soát tốt véc-tơ gây bệnh cần có giải pháp cụ thể cho các khu công nghiệp, khu đô thị, trong đó giám sát tốt bệnh nhân sốt xuất huyết tại các khu công nghiệp, trường học, khu dân cư… Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, năm 2015 dịch sẽ diến biến phức tạp. Các địa phương áp dụng các biện pháp tổng thể cần thiết để giảm thiểu số ca mắc. Ngành y tế các tỉnh, TP tham mưu tốt cho UBND cùng cấp để kiên quyết phòng chống dịch. Cần chủ động công tác phòng chống dịch, không đợi đến đỉnh dịch mới làm. Đào tạo cán bộ y tế tuyến dưới về kỹ năng chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết. Để xảy ra tử vong sốt xuất huyết rất đau đớn. Các địa phương chú ý giám sát dự phòng, điều trị. Biện pháp triển khai không mới nhưng cái mới là sự quyết tâm.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Tập trung giám sát sốt xuất huyết ở 8 “điểm nóng”
BS. Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, 8 quận, huyện là “điểm nóng” về số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM gồm quận: 8, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp và các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn. Theo BS. Dũng, 5 năm gần đây, 8 quận huyện này luôn có số ca mắc sốt xuất huyết cao và tổng số mắc hằng năm của những nơi này chiếm gần 50% số mắc của toàn TP.
“3 tháng đầu năm 2015, toàn TP.HCM ghi nhận có 3.895 ca theo dõi sốt xuất huyết nhập viện (2 ca tử vong), tăng 42% so với cùng kỳ năm 2014 (có 2.727 ca). Muốn phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện cần có các biện pháp chủ động, kịp thời và triệt để” - BS. Dũng nhấn mạnh!
M.H