Thứ bảy, 7/4/2012, 11h04

Bệnh lao: Đừng để chết vì thiếu hiểu biết

Chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hợp lý sẽ chống được bệnh lao

Trung bình mỗi năm, nước ta có thêm 200 ngàn người mắc bệnh lao và gần 30 ngàn bệnh nhân lao tử vong. Những người này có thể sẽ không mắc bệnh, không chết nếu họ biết rằng bệnh lao có thể phòng và chữa khỏi…
40% dân số nhiễm lao
Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Phổi TW thì: “Việt Nam xếp thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới. Ở phía Nam, trong đó phải kể đến TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ mắc lao cao nhất. Điều đáng buồn là vì rất nhiều lý do (trong đó có sự kỳ thị) mà các bệnh nhân lao đã không được phát hiện và điều trị. Hậu quả là mỗi năm có tới 30 ngàn bệnh nhân lao tử vong. Với những bệnh nhân lao không được phát hiện rất dễ lây bệnh cho người xung quanh. Bởi bệnh lao là bệnh do vi trùng lao gây ra và lây qua không khí  khi người bị lao phổi chưa chữa trị, ho hoặc hắt hơi”.
Song, không phải ai nhiễm vi trùng lao cũng bị bệnh lao. BS. Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM cho biết: “Nhiễm lao tức là có vi trùng bệnh lao trong người. Thông thường hệ miễn dịch (đề kháng) có thể chiến đấu chống lại vi khuẩn khiến chúng không hoạt động. Khoảng 90% trường hợp, vi trùng bệnh lao sẽ không hoạt động vĩnh viễn. Người bị nhiễm lao không lâm bệnh và không thể lây bệnh lao cho người khác”.
Tuy vậy, vẫn còn 10% người bị nhiễm vi trùng lao có thể bị bệnh trong một thời gian ngắn sau đó, hoặc nhiều năm sau, khi hệ miễn dịch bị suy yếu như tuổi già, bệnh tiểu đường, nhiễm HIV, bệnh thận hoặc ung thư, phụ nữ nuôi con nhỏ...
Lao - không phải là bệnh nan y
Mặc dù có tới 30 ngàn bệnh nhân tử vong/năm nhưng bệnh lao không phải là bệnh nan y mà có thể chữa khỏi chỉ sau một thời gian điều trị. Bằng chứng là mỗi năm, Chương trình chống lao quốc gia phát hiện khoảng 100 ngàn bệnh nhân lao thì có tới 92% trong số đó chữa khỏi bệnh. Theo đó, vấn đề chính vẫn là người bệnh phải biết tìm đến các cơ sở y tế để được điều trị.
TS. Nguyễn Thị Kim Liên - Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TW cho biết: “Người bị lao có thể có một số hoặc tất cả các triệu chứng sau đây: Cảm thấy mệt mỏi triền miên, ăn không ngon miệng, giảm cân vô cớ, ho kéo dài hơn ba tuần, sốt, ra mồ hôi về đêm. Đôi khi người bị lao có thể ho ra đờm vấy máu...”.
Với những triệu chứng trên, khi đến cơ sở y tế và được xác định là bệnh lao, bệnh nhân có thể dễ dàng trị dứt hẳn nếu trị liệu từ đầu đến cuối cũng như uống thuốc đúng theo chỉ định. Sau khi uống thuốc trị lao hai tuần, hầu hết bệnh nhân lao sẽ không còn khả năng lây bệnh cho người khác. Song, hiện nay thời gian điều trị dứt điểm bệnh lao có thể mất tới 8-9 tháng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và thu nhập của bệnh nhân. Do đó, không ít bệnh nhân đã ngưng điều trị giữa chừng. Hậu quả là bệnh lao tái phát và khó trị hơn. Tỷ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc hiện nay là 2,7% (tương đương 6 ngàn bệnh nhân).
Để giảm 50% số bệnh nhân vào năm 2015, khống chế tỷ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc, theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ thì sẽ sớm đưa những thuốc mới vào điều trị với liệu trình 3-4 tháng. Và đến năm 2015 sẽ rút xuống còn 1-2 tháng. Không chỉ có vậy, dự kiến vào năm 2015 sẽ đưa một loại vắc-xin phòng lao vào sử dụng. “Cách tốt nhất để không bị bệnh lao là có một chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hợp lý”, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ khuyến cáo.
Bài, ảnh: Kim Anh