Thứ năm, 27/11/2014, 22h11

Bệnh nhân ung thư máu đang trẻ hóa

BS Khoa Nội 2 đang khám hạch cổ cho bệnh nhân để chẩn đoán sơ bộ. Ảnh: P.N.Q
“Bệnh nhân ung thư máu đang càng ngày càng trẻ hóa, gây nhiều nỗi hoang mang, lo sợ cho một số người có nguy cơ và triệu chứng tương tự căn bệnh nan y này” - BS. Nguyễn Hồng Hải - Trưởng khoa Nội 2 (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) cho biết.
PV: BS. Hồng Hải có thể cho biết các triệu chứng nghi ung thư máu dễ thấy?
Triệu chứng nghi ung thư máu có thể là mỏi mệt, sút cân, biếng ăn, ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, sốt, cảm lạnh, đau đầu, đau khớp… Do bạch cầu không hoạt động bình thường nên cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Hồng cầu, tiểu cầu bị giảm bởi tủy xương bị tế bào ung thư máu chèn ép, do lách sưng to thêm khiến cho bệnh nhân mệt mỏi, yếu sức, da trở nên trắng nhạt, thiếu sức sống. Khả năng cầm máu giảm xuống khiến người mắc ung thư máu sẽ dễ bị chảy máu nướu răng, bầm tím ở da, các chấm xuất huyết da - niêm, các vết thương khó cầm máu.
Với các triệu chứng đó, ban đầu bệnh nhân có thể nhầm lẫn với một số căn bệnh liên quan đến hô hấp và cảm cúm?
Đúng vậy, các biểu hiện của ung thư máu rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của mệt mỏi, cảm cúm thông thường. Vì thế nếu có thể, chúng ta nên đi khám ở BS chuyên khoa khi có các dấu hiệu trên. Để chẩn đoán chính xác căn bệnh, BS phải thực hiện quy trình khám lâm sàng bao gồm thăm khám (vừa thăm vừa khám).
Gần đây có bệnh nhân lúc đầu được xác định là ung thư vòm họng nhưng sau đó lại được BS chẩn đoán là ung thư máu. Vậy 2 căn bệnh này có liên quan với nhau không, thưa BS?
Đúng là một số trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư vòm họng, sau đó xác định ung thư máu. Tình trạng này rất phổ biến. Trường hợp bệnh nhân Duy Nhân (diễn viên kiêm người mẫu) là một ví dụ. Anh có 2 chẩn đoán, lúc đầu ở Bệnh viện Tai Mũi Họng chẩn đoán sơ bộ là ung thư vòm họng sau đó khi khảo sát đầy đủ thì chẩn đoán xác định là ung thư máu. Điều này có thể giải thích được rõ ràng. Chúng ta biết ung thư máu là bệnh toàn thân nhưng có thể đầu tiên triệu chứng biểu hiện ra ở một vị trí nào đó trong cơ thể thôi. Các tế bào bạch cầu ác tính thường phát triển tại các vùng cổ, nách bẹn nên hạch thường bị sưng to lên. Vòm họng cùng với amiđan cũng là nơi tập trung nhiều tế bào bạch cầu rất dễ bị tổn thương trong các bệnh bạch cầu hay ung thư hạch. Chính vì thế lúc thăm khám đầu tiên thường phát hiện tại vòm họng mà hình ảnh sang thương có thể giống với ung thư vòm họng. Sau khi rà tìm thăm khám toàn thân, chẩn đoán xác định có thể lại là ung thư máu thì cũng dễ hiểu.
Xin BS cho biết nguyên nhân cụ thể của căn bệnh nan y này? 
Theo BS. Nguyễn Hồng Hải thì “Ung thư máu là từ mà y học phổ thông hay dùng để chỉ bệnh lơ-xê-mi (theo tiếng Pháp) tức là bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng). Đây là bệnh thường gặp trong nhóm các bệnh ác tính của hệ tạo máu (chủ yếu liên quan đến tế bào bạch cầu). Bình thường bạch cầu làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên trong các bệnh máu ác tính (cấp tính hay mạn tính) khi bạch cầu tăng lên quá mức cơ thể người bệnh sẽ bị nhiều vấn đề liên quan mang tính toàn thân”.
Trước hết phải khẳng định, đa số ung thư máu không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, một số tình trạng được xác định là gây tăng nguy cơ (do đó các yếu tố này được gọi là yếu tố nguy cơ) của một số loại bệnh bạch cầu. Đó có thể là do tiếp xúc với lượng lớn bức xạ như tia bức xạ trong vũ trụ, tai nạn hạt nhân (bom hạt nhân, nổ lò điện hạt nhân), xạ trị… Một số hóa chất tại nơi làm việc chẳng hạn như thuốc trừ sâu, chất da cam… cũng nằm trong danh mục nguy cơ đó. Thậm chí một số chất có trong thức ăn, nước uống mà ta thường nói “bệnh tòng khẩu nhập” (bệnh theo miệng đi vào). Một số ung thư máu có liên quan bất thường gen, di truyền, hội chứng Down… Hút thuốc lá có thể gây tăng nguy cơ bệnh bạch cầu lên -50%. Điều này tuy có bất ngờ nhưng thật ra chất hóa học từ khói thuốc lá vào phổi, vào máu rồi đến tác động tại các nơi tạo máu. 
Vậy thì nguyên nhân gây ung thư máu đã rõ ràng, thưa BS?
Tuy nhiên cần lưu ý, trong thực tế có nhiều người thường xuyên tiếp xúc với yếu tố nguy cơ nhưng không phát hiện bệnh bạch cầu và ngược lại có bệnh mắc bệnh bạch cầu nhưng không có một yếu tố nguy cơ nào. Chính vì thế chúng ta mới khẳng định không rõ nguyên nhân là vậy.
BS có thể cho một lời khuyên về cách phòng và chữa căn bệnh này?
Về lời khuyên thì nhiều nhất là qua sách báo đã tuyên truyền, nhưng tôi chỉ muốn đưa ra nguyên tắc cho những người đang tích cực phòng tránh hoặc bệnh nhân đã mắc bệnh bằng câu nói của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng “Ăn lành - ngủ đủ - tập đều - sống vui”.
Xin cảm ơn BS!
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Khi nghi bệnh nhân bị ung thư máu, BS cần hỏi lại thời gian khởi phát căn bệnh và các biểu hiện liên quan mà nghĩ có thể do thiếu máu. Khám xem có nhiễm trùng, thiếu máu, xuất huyết hay các tổn thương ở hạch lympho (vùng cổ - nách - bẹn, tai - mũi - họng, gan - lách - da và các cơ quan hệ thống). Về cận lâm sàng, phải làm sinh thiết (bấm hoặc mổ sinh thiết) để xác định bản chất của sang thương. Sau đó xét nghiệm máu, xét nghiệm tủy xương, khảo sát nội soi, có khi cần khảo sát dịch tủy não (chọc dò tủy sống).