Thứ tư, 2/12/2009, 16h12

Bướu trong ngực: Ung thư vú?

LTS: Nỗi ám ảnh của bệnh ung thư vú đã khiến nhiều chị, em phụ nữ mất ăn, mất ngủ khi phát hiện có bướu trong ngực. Tuy nhiên, không phải cứ có bướu là bị ung thư… Để trấn an tinh thần của chị em, xin giới thiệu bài viết của GS.TS.Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu xung quanh vấn đề này.

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Vú chịu sự thay đổi trong khoảng giữa dậy thì và tuổi mãn kinh. Sự thay đổi dựa trên tình hình nổi trội của các ống, các thùy, các mô đệm giữa ống hoặc giữa tiểu thùy đưa đến sự thay đổi mô sợi và sự hình thành các bọc (nang), được gọi là bệnh sợi bọc. Có khoảng 50-60% phụ nữ có sự thay đổi sợi bọc mà không có bệnh ở vú. Sự thay đổi sợi bọc không làm tăng nguy cơ ung thư.
Ở phụ nữ giữa tuổi dậy thì và tuổi giữa 30, các tiểu thùy mô đệm trong vú đáp ứng với sự kích hoạt nội tiết quá lố đưa đến sự hình thành một hoặc nhiều bướu sợi tuyến. Ở khoảng tuổi 30-50, mức độ “lộm cộm” của vú tăng thêm. Đây là biểu hiện của sự gia tăng tuyến, nghĩa là tăng thêm của thành phần thùy bình thường. Mô đệm cũng bị phì đại, đưa đến tình trạng trong vú có nhiều hạt sờ được một cách mập mờ (hay là cảm giác lộm cộm) thường gặp ở vùng đuôi vú. Từ 45 tuổi đến mãn kinh, mô tuyến vú còn phì đại nhiều hơn kết hợp với sự gia tăng mô đệm. Ở thời kỳ mãn kinh các nang vú thường xảy ra ở phụ nữ dùng liệu pháp hoócmôn thay thế. Vì vậy, ở tuyến vú cũng có nhiều bệnh lành tính…
Bướu sợi tuyến
Thiếu nữ ở tuổi đôi mươi rờ thấy trong ngực có một vài cục tròn, láng, cỡ hột đậu phộng, hột nhãn, hột mít, đụng tới thì chạy chỗ khác, đó là loại bướu lành, y học gọi là bướu sợi - tuyến. Chẳng có gì đáng lo ngại, ngay cả khi thấy “nó” hơi đau hoặc hơi lớn lên khi tới kỳ kinh. Đây không phải là bệnh mà là một sự “chưa hoàn chỉnh” phì đại khu trú tại chỗ nào đó của tuyến vú, nó hoàn toàn bình thường. Bướu sợi tuyến vẫn gặp ở phụ nữ đến tuổi 40.
Bướu sợi tuyến khổng lồ
Cũng ở tuổi mười tám đôi mươi, có khi một bên vú to hẳn lên rất mau trong vài tháng, sờ vào phát hiện có một cục lớn bằng trái cam. Đó là bướu lành, gọi là bướu sợi tuyến khổng lồ, chỉ cần mổ lấy trọn bướu là hết bệnh.
Bướu diệp thể
Bệnh xuất hiện ở lứa tuổi từ 15-16 đến 30 tuổi. Ở vú có một “hột mít” hoặc “trứng cút”, chừng sáu tháng sau thì to như trái cam sành mà lớn nhanh vùn vụt. Lúc đó da vú căng mỏng ra, có nhiều lằn xanh vắt qua vắt lại. Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để mổ lấy trọn khối bướu nhưng vẫn bảo tồn được bầu sữa cho bà mẹ trẻ hoặc bà mẹ tương lai. Đây không phải ung thư mà là một “bướu diệp thể lành tính” nhưng phải  giải phẫu mới chắc vì còn có bướu diệp thể ác (một loại ung thư).
Xáo trộn nội tiết ở bé gái
Ở bé gái 10-12 tuổi, một bên ngực hơi u lên, thường ở vùng giữa vú đau chút chút. Nên để bác sĩ theo dõi, chỉ cần ít thuốc chống đau là hết đau. Tuyệt đối không chích thuốc kích tố nam (durabolin, testoterone), không mổ lấy đi “cục u” nhỏ ở núm vú.
Nang vú
Thường xuất hiện ở phụ nữ khoảng tuổi 40-50, đó là một cục ở vú lớn bằng đầu ngón tay cái. Khi rờ vào cục u “chạy” lung tung, đau ê ê. Khi đó nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ chỉ cần lấy kim chọc nhẹ vào và rút ra 3-4cc hơi nước đục thì bướu xẹp hoàn toàn. Đó là bướu lành, không phải ung thư.
Phần lớn phụ nữ tự phát hiện thấy khi nằm sấp đè lên “ngực” mình hay chà xát trong lúc tắm, vì những lúc đó nang vú bị căng lên. Nhưng có khi các nang (bướu) này lại không đau gì cả và cũng không rờ thấy được.
Nang chỉ là một hốc chứa đầy chất dịch, hốc này có được là do một đoạn của ống dẫn sữa bị nở ra. Số lượng nang này nhiều ít tùy người và tùy lúc, kích thước lớn nhỏ không đều, đường kính từ vài milimét đến vài centimét, hoặc to như trái quýt (chứa trên 50 cc dịch).
Vú đau
Chị em bị chứng đau vú kéo dài dai dẳng, khám thấy có những mô sữa dày lên (không có cục u rõ) được gọi là di sản tuyến vú, không phải bệnh ác tính.
(Còn tiếp)
GS.TS. Nguyễn Chấn Hùng