Thứ sáu, 18/5/2012, 16h05

Cẩn thận khi nhỏ thuốc đau mắt đỏ

BS đang khám cho trẻ bị bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: T.Lê

Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Nếu biết phòng, trị bệnh đúng cách thì căn bệnh này sẽ không có cơ hội lây lan trong trường học và những khu vực tập trung đông người.
Viêm kết mạc gây đau mắt
Em Nguyễn Quý Dương (10 tuổi, quận Gò Vấp) sau khi đi bơi về bỗng kêu khó chịu ở mắt. Mặc dù được bố nhỏ thuốc Cloraxin 0,4% nhưng ngày hôm sau trong lòng trắng mắt trái của em có những tia màu đỏ, rất ngứa ngáy, khó chịu. Nhất là buổi sáng sau khi ngủ dậy, mắt nào cũng dính đầy ghèn nên khó mở. Hai ngày sau, mắt còn lại của em cũng có triệu chứng tương tự. Vào khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện 175, một tuần sau mắt em mới khỏi hẳn.
BS. Nguyễn Thu Hương - Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, viêm kết mạc ở trẻ em là tình trạng bệnh lý gây đau mắt đỏ, trong đó chủ yếu là do các loại vi khuẩn, vi rút gây nên. Thủ phạm chính là các loại vi khuẩn liên cầu, tụ cầu, phế cầu hoặc các loại trực khuẩn khác. Do diễn biến cấp tính nên bệnh thường xuất hiện bất ngờ và nhanh chóng, không hề có dấu hiệu gì báo trước. Ở giai đoạn đầu mới phát bệnh, trẻ em thường có cảm giác khó chịu ở mắt như có một vật gì vướng cộm trong mí giống như trường hợp em Dương. Do vi khuẩn xâm nhập nên người bệnh có cảm giác nhức bỏng trong kết mạc và sau khi ngủ dậy mắt thường bị đổ ghèn trắng rất vướng. Ngoài ra, người bệnh thường có thêm triệu chứng chảy nước mắt, nhìn mọi vật không rõ. Điều trị bệnh đau mắt đỏ phải tùy thuộc vào từng loại vi rút hay vi khuẩn gây ra bệnh mặc dù chưa có một loại thuốc đặc trị nào. Nói một cách khác là tùy thuộc vào từng nguyên nhân để có cách điều trị phù hợp và đạt hiệu quả cao. Thông thường nếu lành tính thì chỉ sau thời gian khoảng trên dưới một tuần bệnh sẽ tự hết. Việc khỏi bệnh còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng miễn dịch của từng cá nhân, chế độ dinh dưỡng hàng ngày, môi trường vệ sinh.
Chữa trị bằng nhiều cách
Bệnh đau mắt đỏ là do các loại vi rút gây nên vì thế cần dùng các loại thuốc diệt vi rút để điều trị. Ngoài nhỏ thuốc trực tiếp thì phải uống một số loại kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh mạnh thường có tác dụng phụ và không phải là cứu cánh cho bệnh này nên đó không phải là cách điều trị tối ưu. Chính vì thế tốt nhất là nên phòng bệnh trước khi có dịch đau mắt đỏ. Vệ sinh sạch sẽ cơ thể, không rửa mặt những chỗ ao tù nước đọng, nước sông mùa lũ, thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng, tránh tiếp xúc với người đã nhiễm bệnh. Khi nhiễm bệnh không nên xuống hồ bơi vì dễ lây bệnh sang cho nhiều người khác. Trong nhà, trong ký túc xá hay lớp học mọi người không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn tắm, chậu rửa mặt. Sau khi tắm nước hồ nên nhỏ các loại thuốc nhỏ mắt để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn. Một số trường học đã cho các học sinh bị bệnh nghỉ học tạm thời nhằm ngăn chặn sự lây lan trong tập thể. Khi có cảm giác đau mắt, viêm cộm kết mạc, chảy nước mắt liên tục thì nhanh chóng đến bệnh viện để BS chẩn đoán và thăm khám. Ở những thành phố đông đúc người, khói bụi ô nhiễm nên đeo mắt kính mát lúc ra ngoài và rửa mặt bằng nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9% khi trở về nhà. Các BS cũng khuyến cáo là không nên tự ý nhỏ thuốc bừa bãi, nhất là khi dùng dung dịch Clodexa và Nemydexan phải cẩn thận vì các loại thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt. Không nên dùng các chai nhỏ thuốc đã quá đát. Đặc biệt là không được dùng biện pháp xông lá, đắp lá vào mắt theo kinh nghiệm dân gian phản khoa học dẫn đến nhiễm trùng kết mạc như một số người đã mắc phải.
Ngọc Quang