Thứ sáu, 27/11/2009, 10h11

Đi luyện giọng “mái” thành giọng đàn ông

Ngồi tại khoa Thanh học BV Tai Mũi Họng TP.HCM, anh Minh N., nhân viên chăm sóc khách hàng của một hãng viễn thông, chia sẻ: “Nhiều khi tư vấn trực tiếp, có người nghe giọng mình lỡ miệng kêu “chị”. Lúc đó mình xấu hổ muốn chết, chỉ muốn chui xuống đất trốn thôi”. Để xóa bỏ mặc cảm, anh quyết xin chỗ làm mỗi tuần cho nghỉ một giờ để đi luyện giọng... đàn ông.
 Xua tan mặc cảm mai mái
Đầu tiên, N. được khám nội soi và phát hiện dây thanh quản bị căng quá mức. Máy phân tích âm ghi hình anh vào video và chỉ ra những khuyết điểm cần khắc phục. Trước khi luyện giọng, anh được ghi âm vào băng cassette và sau mỗi năm lần tập thì ghi âm lại để đối chiếu kết quả.
Hầu hết mọi người đến đây đều ở trong trạng thái nghiêm trọng, do đó thư giãn là bài tập đầu tiên. N. được cho nằm trên giường tập hít thở cho đúng, sau đó mới chuyển sang tập tằng hắng, phát âm. Sau khi phát âm chuẩn N. mới được tập đọc, đọc thành thục rồi thì tập kể chuyện. Phát âm và hát theo tiếng đệm đàn là bài tập cuối cùng.
Thời gian đầu N. tỏ ra căng thẳng lắm, đêm đêm đợi bạn bè chung phòng trọ ngủ hết rồi mới dám đem gương ra tập đọc. Anh nói sợ tụi nó thấy mình soi gương nói chuyện một mình, tụi nó cười.
Nhưng một tháng sau gặp lại, trông anh tự tin hơn hẳn. N. hí hửng khoe: “Từ ngày đi luyện giọng, khách hàng đã không gọi tôi là “chị” nữa. Nhiều cô còn “kết” giọng nói của mình, đòi làm quen đó!”.

Một giờ luyện nói tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM
Thành là học sinh một trường THPT tại quận 1, đã đến đây luyện giọng được ba lần. Mẹ của em cho biết trước đây em bị trầm cảm nặng vì giọng nói the thé, ẻo lả của mình. Trong lớp, hầu như em không được tham gia hoạt động nào của phái nam vì các bạn cho rằng “thằng đó là phụ nữ mà banh bóng gì”.
Từ ngày nói được giọng trầm, em trở nên tự tin và hoạt bát hẳn ra. Thành còn bật mí: “Lúc trước em thích một bạn nữ trong lớp nhưng do mặc cảm nên không dám thổ lộ. Giờ em đã có bạn gái rồi!”.
Không được may mắn như Thành và N., anh Vĩnh L., nhân viên một công ty bảo hiểm, vẫn không nói được giọng trầm cố định sau năm lần luyện giọng. Anh kể có lần anh đi chào hàng, đối tác đã đồng ý mua bảo hiểm nhưng rủi thay trước khi ký hợp đồng, anh bị lạc tông, đang nói giọng nam thì chuyển sang giọng nữ, càng nói càng ra giọng nữ khiến anh mắc cỡ cứng họng.
Hợp đồng không được ký vì họ nghĩ anh không đàng hoàng và sản phẩm bảo hiểm không đáng tin cậy. Vì vậy, anh quyết tâm quay trở lại bệnh viện để luyện cho ra giọng đàn ông mới thôi.
Đoạn đối thoại lạ kỳ
Chúng tôi theo chân một bệnh nhân vào phòng tập. Trong căn phòng nhỏ trang bị đầy đủ máy thu âm, cassette, đàn organ, giọng y tá Bùi Thị Duyên cất lên: “Mồn, hài, bà, bồn, nằm”...
Người đàn ông ngồi đối diện đọc theo “Một, hái, bá, bốn”... Chị y tá xua tay “Hài, bà..., hạ giọng xuống, thở như hết hơi vậy”. Sau khi anh đọc 10 con số đúng giọng trầm, chị mới tập cho anh nói câu dài hơn.
- Số điện thoại của một người bạn?
- Khồng chìn không chìn nằm bà...
- Nhà anh ở đâu?
- Chìn sàu suyệt bày...
- Bạn gái anh tên gì?
- Phạm Thù Mài.
Nếu không tìm hiểu trước về lớp luyện giọng, hẳn ai cũng sẽ phì cười vì cuộc đối thoại ngộ nghĩnh này. Điều dưỡng Duyên cho biết do tâm lý căng thẳng, nhiều bệnh nhân mỗi khi đứng trước đám đông lại lạc sang giọng nữ nên phải tập để cố định lại giọng trầm.
90% thành công
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết: Khi bước sang tuổi dậy thì, trẻ sẽ có một thời kỳ bể tiếng hay còn gọi là rối loạn giọng tuổi dậy thì.
Bệnh nhân có thanh quản trưởng thành nhưng giọng nói vẫn cao và eo éo như phụ nữ. Khi mới sinh, kích thước của thanh quản trẻ em chỉ bằng 1/3 thanh quản người lớn.
Đến thời kỳ dậy thì, thanh quản của trẻ dài thêm khoảng 1 cm. Sự thay đổi kích thước của thanh quản kéo theo sự thay đổi về giọng nói khiến trẻ có khi cao, khi trầm một cách tự phát và không kiềm chế được.
Theo lẽ tự nhiên, giai đoạn bể tiếng chỉ kéo dài trong từ sáu tháng đến một năm. Nhưng do một số nguyên nhân như thanh quản căng quá mức, liệt nhẹ hoặc có rãnh bẩm sinh... khiến trẻ lớn lên vẫn không có giọng trưởng thành. Trong đó sự thay đổi giọng đột ngột khiến trẻ không chấp nhận giọng nói mới cũng góp phần kéo dài thời gian bể tiếng...
Nhiều người tưởng rằng do giọng mình sinh ra thế nên đành ngậm ngùi chấp nhận. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho thấy trong số 92 người đến luyện giọng tại đây (tính từ đầu năm đến nay) có 90% bệnh nhân đã lấy lại được giọng bình thường và 60% có giọng nam trầm ổn định.
Ngoài những người nam có giọng nói eo éo như nữ, phương pháp luyện giọng cũng có hiệu quả với các trường hợp sau: giọng nói yếu, hổn hển hoặc khàn; tiếng nói không vang đủ; hơi thở nông; cơ căng thẳng; lạnh lùng và khó chịu.
Theo Yên Thảo/Pháp Luật TPHCM