Thứ năm, 1/5/2014, 21h05

Kiên trì với bệnh tràn dịch màng phổi

BS đang thăm khám cho một bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi. Ảnh: T.LÊ
So với các bệnh về đường hô hấp khác, tràn dịch màng phổi luôn chiếm tỷ lệ khá cao, nhất là đối với người lớn tuổi. Bệnh này nếu không phát hiện kịp thời sẽ dễ để lại biến chứng và cả di chứng ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng hô hấp.
Có thể nói tràn dịch màng phổi là một biểu hiện của giai đoạn cuối lao phổi, vì thế gầy sút, biếng ăn và mệt mỏi là triệu chứng rõ nhất đối với các bệnh nhân đã mắc phải căn bệnh này.
Những triệu chứng phức tạp
Kể từ khi ra Tết đến nay, ông Nguyễn Trọng Chinh, xóm Gốc, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai thường có triệu chứng sốt cao và mệt mỏi. Thở mệt, ho liên tục cũng là nỗi khổ  gần 10 năm nay của người đàn ông ngoài 70 tuổi. Bạn bè, người thân lâu ngày gặp lại đều bất ngờ vì sức khỏe của ông ngày càng giảm sút, khuôn mặt ngày một hốc hác không phải vì tuổi tác mà do bệnh tật gây ra. Thế nhưng, thấy ăn uống được và vẫn sinh hoạt bình thường nên ông và người nhà ít để ý đến sự đổi thay đó. Lý do mới đây ông phải vào Bệnh viện 175 chữa trị là càng ngày ông càng thấy khó thở và đau xóc dữ dội ở vùng ngực.
Trước đó 1 tháng, ông Hồ Trung Cần nhà ở 81 đường Lê Lợi, P.4, Gò Vấp, TP.HCM cũng đã phải nhập viện vì ho ra máu, huyết áp giảm. Cũng giống như ông Chinh, ông Cần có triệu chứng của một bệnh nhân tràn dịch màng phổi như môi tím tái, nhịp tim nhanh và vã mồ hôi toàn thân. 
BS. Đỗ Ánh Hà - Chủ nhiệm khoa Lao bệnh phổi, Bệnh viện 175 TP.HCM - cho biết, tràn dịch màng phổi là tình trạng dịch tích tụ trong màng phổi chủ yếu thường từ nguyên nhân thứ phát. Trước hết là do nhiễm trùng các tổn thương phổi như viêm màng phổi, viêm phổi, áp xe phổi và cả ung thư phổi. Ngoài ra, các chấn thương ngực, dị ứng, virus, ký sinh trùng cũng là những tác nhân trực tiếp gây ra màng phổi bị tràn dịch. Bên cạnh đó một số cơ quan khác gặp bệnh lý cũng ảnh hưởng đến màng phổi gây ra hiện tượng tràn dịch như: Suy thận, suy tim, xơ gan hoặc hội chứng u nang buồng trứng của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, theo các BS chuyên khoa, việc chẩn đoán xác định bệnh nhân tràn dịch màng phổi không khó nhưng tìm ra nguyên nhân của căn bệnh này vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Có một điểm rất đặc biệt đối với căn bệnh này là tùy thuộc vào diễn tiến và nguyên nhân của bệnh mà dịch màng phổi có những màu sắc khác nhau như màu trắng, đỏ, vàng chanh, đục, trắng đục… Về tế bào xuất hiện hồng cầu, bạch cầu đa nhân, tế bào nội mô… Về sinh hóa có dịch tiết, dịch thấm và máu tràn trong 2 lá phổi.
Đối với tràn dịch màng phổi, chẩn đoán của thầy thuốc đều dựa vào chụp X quang, lâm sàng và chọc dò có dịch. Đa số bệnh nhân ở giai đoạn này thường khó thở, đau khi ho hoặc thay đổi tư thế giống như ông Chinh. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân lại ho có đờm hoặc ho ra máu giống như ông Cần.
Quan tâm đến các chế độ phục hồi
Về phương pháp điều trị, theo BS. Phạm Văn Đồng - Khoa Lao bệnh phổi (Bệnh viện 175) thì ngoài nội khoa bệnh nhân có thể được điều trị bằng ngoại khoa. Trước hết, bệnh nhân phải được chọc tháo dịch màng phổi khi dịch tràn quá nhiều. Có trường hợp phải đặt ống dẫn lưu vô trùng khi đã bị ung thư phổi hoặc lao phổi nặng. Tuy nhiên, không phải có dịch tràn bao nhiêu thì chọc hút ra bấy nhiêu mà phải có định lượng mỗi lần lấy ra không được quá 1.000ml dịch. Nếu có hiện tượng tràn dịch mủ thì kết hợp chọc hút với bơm rửa bằng dung dịch mước muối nồng độ thấp. Đây là phương pháp mà các BS Khoa Lao bệnh phổi (Bệnh viện 175) đã điều trị cho các bệnh nhân trong đó có ông Chinh và ông Cần.
Đối với các bệnh nhân này, không phải điều trị là xong mà cần quan tâm hơn chế độ chăm sóc trong quá trình phục hồi chức năng để mau lành bệnh. Ngoài chế độ nghỉ ngơi và vệ sinh phù hợp, người nhà nên quan tâm hơn đến khẩu phần ăn uống dinh dưỡng. Do thể trạng quá suy sụp nên chế độ ăn phải giàu chất protein, vitamin bằng cách ăn nhiều hoa quả tươi, thực phẩm bổ dưỡng và giàu năng lượng. Tránh ăn uống kham khổ, kiêng cữ dễ làm cho sức khỏe suy sụp thêm. Cần quan tâm tới cuộc sống tinh thần người bệnh bằng cách thăm hỏi, động viên tinh thần tránh gây sợ hãi lo lắng cho bệnh nhân. Trước khi ra viện phải hướng dẫn cách phát hiện bệnh nếu bị tái phát và đi khám nếu có những dấu hiệu bất thường. Lúc nào cũng nên có cuộc sống lạc quan yêu đời, tích cực vận động và làm việc vừa sức. Có như vậy sức khỏe mới dồi dào trở lại để đủ sức chống chọi với bệnh tật.
Quang Phan
BS. Phạm Văn Đồng - Khoa Lao bệnh phổi (Bệnh viện 175) khẳng định, nếu tràn dịch quá nhiều nhất là tràn dịch bên trái thì sẽ đẩy ngược tim qua bên phải và lúc đó gây ra suy hô hấp cấp làm cho huyết áp bệnh nhân giảm, nhịp tim tăng nhanh.