Thứ sáu, 11/2/2011, 17h02

Loét dạ dày - tá tràng có chữa dứt?

Việc lựa chọn thuốc đòi hỏi phải được khám và đánh giá đúng mức độ tổn thương của từng người bệnh loét dạ dày và tá tràng (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Loét dạ dày - tá tràng là bệnh khá phổ biến ở nước ta hiện nay. Uớc tính có khoảng 10% dân số bị loét dạ dày - tá tràng ở mọi lứa tuổi, nam cũng như nữ, người lớn tỷ lệ cao hơn trẻ em.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh loét dạ dày - tá tràng thì rất nhiều, nhưng chúng ta có thể tổng kết lại trong một số nguyên nhân chính như sau: Do ăn uống (đối với những người ăn nhiều các thức ăn chua cay, kích thích, ăn vội vàng - nhai không kỹ, ăn không đúng bữa - đúng giờ, ăn quá no hoặc để bụng quá đói; những người uống rượu, hút thuốc lá nhiều tỷ lệ bị loét dạ dày - tá tràng khá cao); Do dùng thuốc (đặc biệt là các loại thuốc như Điclofenac, Ibupropen, Piraxicam, Dexametazon, Prednisolon, Aspirin… đây là các loại thuốc thường được dùng để điều trị các bệnh về tim, khớp. Lạm dụng các loại thuốc này nguy cơ loét dạ dày tá tràng rất cao); Do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (vi khuẩn này có trong dạ dày người bệnh, lây truyền qua người khác bằng đường thức ăn, nước uống. Ngày nay người ta cho đây là loại vi khuẩn hàng đầu gây loét dạ dày - tá tràng); Nguyên nhân thần kinh (viêm loét dạ dày - tá tràng thường hay gặp ở những người hay lo lắng, sợ hãi, làm việc quá căng thẳng, gặp ở người sống ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn, gặp ở người làm việc trí óc nhiều hơn ở người làm việc chân tay); Nguyên nhân nội tiết (thường gặp ở những người bịhạ đường huyết, xơ gan, đái tháo đường…).
Theo thống kê gần đây có khoảng 20% bệnh nhân bị loét dạ dày - tá tràng nhưng không hề có triệu chứng, mà người bệnh vào viện vì các biến chứng như: xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị, hoặc nội soi kiểm tra phát hiện ra bệnh. Nhìn chung, các bệnh nhân bị bệnh loét dạ dày - tá tràng thường có các triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, đau liên quan tới bữa ăn, đau lúc đói, đau nửa đêm về sáng, đau có tính chất chu kỳ. Kèm theo đau là ợ hơi, ợ chua. Nếu uống thuốc chữa dạ dày thì giảm đau rõ rệt. Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như: cảm giác nóng rát sau xương ức, buồn nôn, khó tiêu, táo bón… Từ những triệu chứng đó dẫn đến cácbiến chứng: Xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị, thủng dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày.
Phương pháp điều trị phổ biến
Để điều trị hiệu quả bệnh lý viêm loét dạ dày - tá tràng, chúng ta cần phải phối hợp nhiều phương pháp. Bắt đầu từ chế độ ăn uống, không nên ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng; không uống rượu, không hút thuốc lá; ăn đúng bữa, đúng giờ… Tiếp đến là việc sắp xếp chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, căng thẳng lo âu kéo dài, phiền muộn quá đáng. Cuối cùng là bệnh loét dạ dày - tá tràng có thể điều trị khỏi bằng thuốc. Các thuốc hiện nay được dùng để điều trị loét dạ dày - tá tràng rất có hiệu quả như: các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng: Bismuth, Sucralfate; các thuốc kháng acid: Hydroxit nhôm, Hydroxit magie, Bicarbonat natri, Malox, Phosphalugel; các thuốc giảm tiết acid: Cimetidine, Ranitidine, Nizatidine, Famotidine; các kháng sinh diệt vi khuẩn Helicobacter pylori: Amoxicilin, Clarithromycin, Metronidazol… cần lưu ý là phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để được điều trị khỏi bệnh loét dạ dày - tá tràng, bệnh nhân cần tới khám và chữa bệnh tại các chuyên khoa tiêu hóa. Thuốc điều trị loét dạ dày - tá tràng có rất nhiều loại. Loại nào cũng có những tác dụng phụ không mong muốn. Việc lựa chọn thuốc và kết hợp các loại thuốc đòi hỏi phải được khám xét và đánh giá đúng mức độ tổn thương của từng người bệnh.
BS. Lê Hùng Cường
 
Để phòng ngừa loét dạ dày - tá tràng, cần có chế độ làm việc, ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên không nên ăn nhiều các thức ăn chua cay, không nên uống rượu, hút thuốc. Ăn chín uống sôi, ăn các thức ăn mềm dễ tiêu.