Thứ hai, 9/4/2012, 15h04

Mua xả láng, uống thả phanh, loanh quanh… rước bệnh

Dễ dàng mua được những sản phẩm kiểu này ở khắp mọi nơi, nhiều chị em tin rằng, đây chính là “thần dược” giúp cơ thể “đẹp mãi với thời gian”. Nhưng…
Đâu đâu cũng bán cũng mua 
Hè tới, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) ở HN đang “nóng dần” với nhiều sản phẩm làm đẹp được cho là có công dụng ngất trời, từ viên chống nắng, chống nhờn da, săn ngực, thon hông cho tới co âm đạo... 
Viên uống chống nắng duy nhất trên thế giới... Hoạt chất Heliocare được chiết xuất từ thiên nhiên, có tác dụng ngăn ngừa ảnh hưởng của các gốc tự do hình thành từ các quá trình lão hóa của cơ thể và tác động của ánh nắng mặt trời...”, đó là những dòng quảng cáo vô cùng hấp dẫn của viên thuốc chống nắng mới xuất hiện trong mùa hè này. 
Khi được hỏi về tác dụng thực của thuốc, chị Phương Anh, một nhân viên tư vấn có trụ sở tại TPPCM khẳng định, chị em chỉ cần uống 1 viên/ngày trước khi ra ngoài trời khoảng 30 phút đảm bảo da không bị bắt nắng. 
Để khách hàng yên tâm, nhân viên này “bật mí” đây là sản phẩm được các bác sĩ da liễu tại TPHCM “tin dùng”. Giá thành một hộp là 1,2 triệu đồng, nếu chị em mua 10 hộp công ty sẽ khuyến mại một hộp và miễn phí chuyển hàng ra Bắc. 
Mặc dù xưng danh là “viên chống nắng duy nhất trên thế giới”, nhưng, trên mạng internet lại có vô số viên chống nắng khác cũng đang được công khai rao bán... 
Chị Nguyễn Thu Trang, một khách hàng quen tại quán gội đầu LA trên phố hàng Buồm kể: “Lần gội đầu gần đây tôi được nhân viên cửa hàng giới thiệu một loại thuốc uống trị da dầu rất hiệu quả. Nghe nói, uống vào… tác dụng liền mà lại vô hại”. Ngay lập tức, chị Trang đã đặt mua hai hộp và đang đợi nhà cung cấp trong Nam gửi hàng ra. 
Trong một lần khác đi mát-xa, thấy “ngực” chị lép, một nhân viên lại mách chị mua TPCN sẽ “giúp chị sở hữu được 1 bộ ngực đầy đặn, hấp dẫn và tự nhiên không cần qua phẫu thuật”, hiệu quả ngay sau 1 tuần uống. Bỏ ra gần 1,6 triệu/hộp 60 viên, chị Trang đang tràn trề hy vọng một ngày ngực bánh đa sẽ…. chuyển qua bánh đúc. 
Tại cửa hàng thuốc số 23 Phương Mai, thực phẩm chức năng cũng chiếm “thị phần” khá lớn bên cạnh các loại thuốc chữa bệnh. Chị Phương chủ hiệu cho biết, cửa hàng luôn có sẵn các sản phẩm “đẹp từ chân tới đầu”, khỏi cần đụng dao kéo. Trong đó, viên thu nhỏ âm đạo, viên chống nắng… hiện nhu cầu “tiêu thụ” khá cao nên muốn mua “phải đặt trước vì không phải lúc nào cũng có sẵn”.
Ngã bổ chửng vì… tưởng bổ 
Ở góc độ chuyên môn, TS. Trần Đáng, Chủ tịch hiệp Hội Thực phẩm Chức năng VN, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng: “Về cơ bản TPCN là tốt. Nếu được tư vấn sử dụng đúng cách TPCN sẽ góp phần giúp con người chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật, hỗ trợ làm đẹp…”.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, đáng lo ngại là nhiều chị em thường mua hàng theo “tâm lý đám đông, nghe qua bốc thuốc “truyền miệng” mà không hiểu rằng bổ với người này nhưng chưa chắc đã có ích với người kia. 
Theo BS Đặng Công Hân, BV Nhân dân Gia Định: “Ở VN đang có sự méo mó trong cách dùng TPCN khi nó được gắn liền với hình ảnh thuốc chữa bệnh. Nhiều hình thức quảng cáo TPCN gốc đông dược giống như thuốc gia truyền. Có bệnh nhân bỏ tiền ra mua mấy loại thực phẩm đó nhiều hơn mua thuốc điều trị”. 
“Hiện nay cứ 10 sản phẩm quảng cáo TPCN thì có 2 sản phẩm chưa được cấp phép. 2 quảng cáo được phép thì có 1 quảng cáo sai về mặt nội dung. Điều này tác động nghiêm trọng tới nhận thức của người dân, lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu tới văn hoá dùng thực phẩm nói chung và TPCN nói riêng”, Ông Đáng nhấn mạnh.

Đồng ý kiến trên, BS Nguyễn Thanh Hằng, BV Da Liễu TƯ cho rằng hiện nay vì thiếu hiểu biết mà có quá nhiều người dân tin dùng TPCN vô tội vạ và xem nó như thuốc tiên. “Trung bình mỗi ngày BV cũng tiếp 40-50 bệnh nhân có biểu hiện dị ứng, nổi đỏ, suy giảm sức khoẻ do dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Trong đó, nguyên nhân do lạm dụng TPCN bừa bãi, không rõ nguồn gốc chiếm hơn 15% tổng số bệnh nhân”. 

Không riêng gì khoa khám BV da liễu Trung ương, tại Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai hàng tuần cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị dị ứng do dùng các loại thực phẩm không đúng cách. PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc trung tâm, cho biết, nếu như trước kia, bệnh viện thường ghi nhận các ca dị ứng thuốc kháng sinh thì nay bệnh nhân dị ứng với TPCN ngày một nhiều. 
Khi chào bán các TPCN, nhà cung cấp thường nhấn vào đặc điểm TPCN được chiết xuất từ thảo mộc như một sự đảm bảo sản phẩm là an toàn, vô hại. Đa số người bệnh cũng nghĩ TPCN an toàn nhưng con số thống kê tại trung tâm lại cho thấy bệnh nhân ngộ độc đang tăng rõ ở người dùng TPCN. Chỉ hơn hai tháng qua, trung tâm tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân bị dị ứng nặng do dùng các sản phẩm TPCN. 
Mới đây, ngày 26/3 trung tâm đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Vân A (Sóc Sơn, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt, đau rát vùng âm đạo. Kết quả khám lâm sàng cho thấy bệnh nhân có những đám mẩn đỏ, bọc nước xung quanh phần phụ và phần ngực. Theo lời bệnh nhân Vân A, sau khi sinh thấy ngực xấu, nhũ hoa có mầu thâm nên qua lời mách của bạn, chị đã mua thử một hộp gel TPCN với giá 700.000 đồng về dùng. Không ngờ, dùng chưa được hai tuần, hiệu quả thì không thấy đâu, chỉ thấy cơ thể bị nổi mẩn đỏ. 
Theo BS Đoàn, nguyên nhân gây dị ứng chính là bệnh nhân tự ý mua sản phẩm không cần kê đơn. Đặc biệt, vùng kín, vùng ngực là những vùng da rất nhạy cảm rất dễ dẫn đến dị ứng, nổi mẩn đỏ. Hầu hết các sản phẩm làm đẹp được quảng cáo làm hồng nhũ hoa, hồng môi đều có chất tẩy thâm, nếu gặp phải những vùng da mẫn cảm thì nguy cơ “mang tật” là chắc chắn.
Cần nâng cao văn hoá và kiến thức về TPCN
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (năm 2011), trong vòng 10 năm qua, số công ty kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng tại VN đã “tăng chóng mặt”. Chẳng hạn, năm 2000, ở VN mới có 3 công ty kinh doanh TPCN thì năm 2011 đã có 1500 công ty. Tính trung bình, mỗi tháng lại có hơn 10 công ty kinh doanh TPCN “chào đời”.
Một nghiên cứu khác vào năm 2011 của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ y tế) lại cho thấy tỷ lệ sử dụng TPCN ở VN cũng tăng nhanh rõ rệt. Ở Hà Nội có 63/100 người được điều tra nói có sử dụng TPCN. Tại TPHCM con số này là 48/100 dân.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng cứ 10 người được hỏi thì có 6 người hiểu sai về TPCN. Đa phần đều cho rằng TPCN có tác dụng như là thuốc điều trị, thậm chí còn cho là một loại thuốc “chữa bách bệnh”. Một số khác, tuy hiểu đúng nhưng lại cho rằng việc sử dụng TPCN là “vô thưởng vô phạt”.
Trong khi, người dân vẫn mập mờ về khái niệm thì các cơ quan quản lý cũng đành bó tay với các sản phẩm TPCN lậu, TPCN nhái. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược cho rằng: “Việc nhà sản xuất công bố các thành phần trên vỏ hộp cũng chưa hẳn đã thực sự chứng minh được công dụng thật của sản phẩm. Các thành phần ghi trên nhãn chưa chắc đã tồn tại trong sản phẩm hoặc nếu có thì hàm lượng cũng không đủ như công bố. Trong khi đó, hệ thống kiểm tra, giám sát còn quá mỏng. Chúng ta mới chỉ có thể kiểm tra thành phần chứ không thể đo đếm được công dụng, hiệu quả của sản phẩm ngay tức khắc”. 
Đứng về góc độ chuyên môn, PGS. TS Trần Đáng thì cho rằng: “Nguyên nhân chính dẫn tới các trường hợp gặp phải tác dụng phụ của thuốc là do người tiêu dùng chưa có văn hóa dùng thuốc và thực phẩm nói chung, TPCN nói riêng”. Bên cạnh việc tác động để người dân nâng cao văn hóa dùng thuốc nói chung và TPCN nói riêng, cũng cần phải chấn chỉnh lại hoạt động quảng cáo TPCN. 
5 bước để lựa chọn một sản phẩm TPCN có chất lượng:
- Vào bệnh viện khám để đánh giá tình trạng sức khoẻ 
-Xác định rõ mục đích sử dụng TPCN 
- Xác định, tìm sản phẩm TPCN thích hợp với sức khoẻ và mục đích sử dụng của bản thân 
-Sử dụng đúng hướng dẫn theo tiêu chuẩn của sản phẩm và nhà sản xuất 
- Đánh giá hiệu quả sau từ 1-2 tháng sử dụng từ đó xem xét việc nên hay không nên dùng tiếp?
 PGS. TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng
Theo Phụ nữ Thủ đô