Thứ sáu, 3/12/2010, 14h12

Nguy cơ mắc bệnh viêm tai ở trẻ mầm non

Trẻ đi nhà trẻ có nguy cơ mắc bệnh VTG cao hơn so với trẻ không đi nhà trẻ (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.G

Viêm tai giữa (VTG) là một trong những bệnh rất phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi và thường gặp nhất vào các tháng mùa đông.
Nguyên nhân gây bệnh
VTG là tên gọi chung để chỉ tình trạng viêm nhiễm ở bộ phận tai giữa (tai giữa là khoảng trống sau màng nhĩ). BS. Lê Thị Thu Hương (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) cho biết: “Có nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này, trước hết là do cơ thể (hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện; trẻ mắc những bệnh bẩm sinh về miễn dịch, hoặc bệnh tiểu đường; trẻ có cấu trúc giải phẫu học bất thường vùng mũi - họng (như hở vòm hầu); trẻ bị tình trạng rối loạn chức năng của các bộ phận trong tai giữa; trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản họng). Nguyên nhân khác do viêm nhiễm (trẻ có thể bị nhiễm các loại vi trùng khác nhau thường gây bệnh lý viêm nhiễm ở đường hô hấp như vi trùng gây bệnh cảm cúm, vi trùng sinh mủ; có nhiều siêu vi trùng gây viêm niêm mạc đường hô hấp cấp tạo điều kiện cho vi trùng dễ dàng tấn công; trẻ có thể bị dị ứng với rất nhiều tác nhân như phấn hoa, bụi, lông thú vật; do môi trường như khói thuốc lá làm tăng nguy cơ VTG gấp hai lần và kéo dài tình trạng bệnh. Trẻ đi nhà trẻ có nguy cơ mắc bệnh VTG cao gấp 2,5 lần so với trẻ không đi nhà trẻ; trẻ sống trong môi trường tốt, được bú sữa mẹ thì ít bị loại bệnh này hơn, và nếu mắc thì thời gian lành bệnh cũng nhanh hơn…”. Cũng theo BS. Thu Hương thì trước khi bị VTG, trẻ thường có những triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên như: ho, chảy mũi, nghẹt mũi... Ở trẻ nhỏ chưa biết nói, những biểu hiện cần phải được lưu ý là trẻ quấy khóc dữ dội khi ở tư thế nằm xuống, hoặc nghiêng về phía lỗ tai bị bệnh; hoặc khi cho trẻ bú, mà phía tai đau áp vào người mẹ, thì trẻ hay đưa tay quơ vào chỗ tai đau. Còn trẻ lớn thì có thể than đau bên tai bị bệnh, đụng vào trẻ càng đau hơn; sốt; chảy mủ tai. Ngoài ra, cũng cần lưu ý các dấu hiệu phụ đi kèm: trẻ chán ăn, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy. BS. Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Tai - mũi - họng Bệnh viện 175 khẳng định: “Đối với VTG mãn tính, ngoài tai chảy mủ, trẻ còn kèm theo bị giảm thính lực, chóng mặt, ù tai. Có hai biến chứng do VTG gây nên, đó là biến chứng trong sọ não gồm viêm màng não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng... rất nguy hiểm dễ gây tử vong. Còn biến chứng ngoài sọ não cũng dẫn đến thủng màng nhĩ, xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt…”.
Cách điều trị
Nếu bé bị cảm lạnh, hãy sớm điều trị cho bé để tránh biến chứng dẫn tới VTG. Nếu bé đang đi nhà trẻ thì tốt nhất là cho bé ở nhà vài ngày cho đến khi bệnh đỡ hẳn. Tiêm vắc xin Hib và vắc xin phòng ngừa khuẩn cầu phổi mới pneumococcal cũng sẽ giúp ngăn ngừa VTG. BS.Nguyễn Văn Tiến khuyến cáo: “Những trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ ít bị VTG hơn những trẻ không bú mẹ hoặc bú mẹ không hoàn toàn. Việc điều trị, tùy từng trường hợp mà sẽ điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Bệnh VTG mặc dù dễ chữa trị, nhưng khả năng tái phát của loại bệnh này là rất cao. Khoảng 1/3 số trẻ mắc bệnh sau chữa trị sẽ có ít nhất 6 lần tái bệnh trong vòng 7 năm (gần 1 lần/năm). Do vậy, khi trẻ đã một lần mắc bệnh, thì sau đợt điều trị đã ổn định, cần cho trẻ tái khám định kỳ thường xuyên (4-6 tháng/lần), nhất là trẻ có giảm thính lực, chậm nói. Ở trẻ VTG mãn tính, cần kiểm tra thính lực đồng thời cần chữa trị sớm khi trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên…”.
Vân Thảo

Việc tái đi tái lại tình trạng VTG có thể dẫn tới suy giảm thính lực trong khi màng nhĩ vẫn bình thường. Tỉ lệ này tuy ít nhưng điều quan trọng là phải điều trị dứt điểm, tránh để bệnh kéo dài. Nếu không được chú ý trong một thời gian dài, bệnh VTG có thể ảnh hưởng tới xương thậm chí dẫn tới viêm màng não.