Chủ nhật, 1/7/2012, 21h07

Phòng bệnh cho trẻ trong mùa hè

Trẻ bị bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: K.Anh

Thời tiết mùa hè mưa nắng thất thường, côn trùng hoạt động mạnh. Trong khi đó, trẻ lại được nghỉ hè nên việc ăn uống, vui chơi cũng thoải mái hơn. Vì thế, nguy cơ bệnh tật đối với trẻ cũng cao hơn.
Nắng nóng gây nhiều loại bệnh
Mùa hè là mùa nóng bức nhất, việc tăng nhiệt độ trong môi trường dẫn đến thân nhiệt của trẻ cũng tăng lên. Vì vậy trẻ dễ bị sốt, thậm chí là bị co giật (đối với trẻ từ 6 tháng-5 tuổi). Nắng nóng cũng làm khô nước miếng môi miệng, giảm tiết nước bọt nên trẻ đắng miệng dẫn đến chán ăn, giảm nhu động, ống tiêu hóa sẽ khó tiêu, táo bón. Ảnh hưởng của nắng nóng còn làm cho trẻ bị mất nước, da dễ bị tổn thương. Những trẻ hay chạy nhảy, hoạt động ngoài nắng nhiều dễ bị dị ứng, bỏng nắng, chuột rút do nắng nóng, say nắng. Vì vậy để phòng tránh các bệnh do nắng nóng gây ra, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ ra đường chạy nhảy trong thời gian từ 10 giờ đến 15 giờ.  Khi trẻ đi ra ngoài cần phải được đội mũ rộng vành, mặc quần áo mỏng màu sáng để tránh giữ nhiệt. Bên cạnh đó cho trẻ uống nước thường xuyên, ngay cả khi không khát. Nên uống nước đã nấu sôi, nước tinh khiết, nước khoáng, trà loãng, tránh nước ngọt, nước có ga. Thực đơn cho trẻ phải có canh rau, các món ăn giải nhiệt như sữa chua, chè đậu xanh. Trẻ phải được tắm gội sạch sẽ mỗi ngày, tránh ủ kín, tránh mặc nhiều quần áo…
Phòng các bệnh lây nhiễm
Ngoài những bệnh nói trên, mùa hè còn là mùa của một số bệnh lây nhiễm như viêm loét miệng, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não siêu vi. Trong đó, bệnh viêm loét miệng có các dấu hiệu như sốt cao, loét đỏ họng - vết loét khoảng 3-4mm, đau họng, nuốt khó, thời gian mắc bệnh khoảng 10 ngày. Còn bệnh tay chân miệng biểu hiện sốt, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng rất nguy hiểm, dễ bị biến chứng và dẫn đến tử vong. Bệnh sốt xuất huyết lây do muỗi vằn Aedes aegypti hút máu truyền virus từ người bệnh sang người lành. Từ đầu năm đến nay cả nước đã có trên 21 ngàn ca mắc (tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái). Riêng khu vực phía Nam, trung bình mỗi tuần có trên 1.700 ca, trong đó TP.HCM là nơi có số ca mắc cao nhất. Bệnh viêm não siêu vi lây do muỗi Culex tritae-niorhyncus hút máu truyền virus từ chim, heo sang người. Bệnh dễ bùng phát thành dịch trong mùa hè…
Phòng ngừa các bệnh lây nhiễm này bằng cách vệ sinh môi trường, giữ sạch đồ chơi, vật dụng, sát trùng sàn nhà nơi trẻ chơi. Giặt quần áo, diệt trùng và xử lý phân, chất thải, diệt muỗi, không để muỗi đốt. Dạy trẻ thói quen rửa tay, người chăm sóc trẻ rửa tay sạch thường xuyên… Không khạc nhổ bừa bãi, che miệng khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy rồi bỏ khăn vào thùng rác. Diệt muỗi bằng cách phát quang môi trường, không để đọng nước…
Mùa hè, trẻ không tới trường nên nguy cơ tai nạn cũng tăng như té ngã (cầu thang, võng, giường…); bỏng (nước sôi, cháo, canh…); ngạt nước (xô, thau, hồ cá, bể, lu đựng nước…); hóc sặc (các loại hạt trái cây, đồ chơi nhỏ); tai nạn do súc vật cắn, vật sắc nhọn, điện giật, ngộ độc (thuốc, hóa chất…). Để trẻ được an toàn trong ngôi nhà của mình, người lớn không nên để trẻ một mình, nơi chứa nước phải có nắp đậy kín, không để trẻ đến gần nước sôi, lửa, ổ cắm điện phải để ở nơi trẻ không thấy, không với tới, hóa chất không được để trong chai lọ đựng đồ uống…
BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thoa
(Trưởng khoa Nội Tổng quát 1, Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP.HCM)