Thứ tư, 17/8/2011, 15h08

Phòng tránh các bệnh về hô hấp cho trẻ

Việc phòng tránh các bệnh về hô hấp sẽ giúp trẻ mới đến trường có sức khỏe tốt, tự tin hơn (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Ảnh: T.Lê

Môi trường ô nhiễm hay thời tiết thay đổi đột ngột là nguyên nhân làm cho trẻ dễ bị các bệnh về hô hấp. Việc phòng tránh bệnh này sẽ giúp trẻ có sức khỏe tốt, tự tin đến trường.

Chuyện có thể xảy ra
Mới đăng ký cho con vào lớp mầm được một tuần, bé Nguyễn Anh Thơ đã đổ bệnh. Đang giữa mùa hè mà bị ho, chị Phạm Thị Hương - mẹ bé liền mang con vào Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM khám thì hay con bị viêm amiđan do nhiễm bụi bặm. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Khoa Nội tiết 1, Bệnh viện Nhi đồng 1 thì nguyên nhân do sức đề kháng cơ thể trẻ còn yếu, việc ra đường không được ba mẹ trang bị khẩu trang hoặc ăn mặc quá phong phanh, khiến trẻ bị nhiễm khói bụi, cảm gió... dẫn đến viêm amiđan hoặc viêm họng. Bệnh viêm họng bắt đầu với dấu hiệu như ho nhẹ, chảy nước mũi, nước mắt, có khi kèm theo đau họng khiến trẻ có thể khóc khi nuốt thức ăn. Ngược lại, bệnh viêm amiđan khiến trẻ có triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau họng khi nuốt, và thường xảy ra ở những trẻ có sức đề kháng yếu, bị sâu răng, viêm lợi, viêm xoang.
Mặt khác, cũng trong thời điểm mới đến trường, đối với những trẻ diện bán trú thường ở lại trường nên không thể tránh việc tiếp xúc với các loại mùng, mền, gối. Nếu chăn gối bị ẩm mốc sẽ trở thành tác nhân khiến trẻ bị ho.
Nên đề phòng
Theo bác sĩ Kim Thoa, đối với viêm họng, bệnh có thể tự khỏi trong 4-5 ngày. Tuy nhiên, nếu vượt quá thời gian này, bệnh có thể chuyển sang bội nhiễm khuẩn làm trẻ sốt đột ngột, liên tục cả ngày lẫn đêm, nhiệt độ lên đến 39 độ hoặc cao hơn. Kèm theo đó, trẻ còn phát ban, đau bụng, ói mửa, khó thở, ho có đàm... Để tránh nguy cơ sốt siêu vi, nên giữ ấm cho trẻ, không cho trẻ dầm mưa, chơi ngoài nắng, đảm bảo vệ sinh cho trẻ, môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ.
Vi khuẩn gây bệnh viêm họng có thể lây qua đường nước bọt, vì điều này cha mẹ nên dạy trẻ che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi. Dạy cho trẻ cách đề phòng bệnh như tắm rửa thường xuyên, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, rửa tay sạch sau khi ăn, cắt móng tay cũng như cắt tóc gọn gàng…
Còn đối với viêm amiđan, bệnh trở nặng sẽ khiến trẻ ho ra đờm. Để tự chẩn đoán, cha mẹ có thể bảo trẻ há miệng, nếu thấy amiđan sưng to, đỏ, có chấm mủ trắng thì nên cho con đi khám ngay. Nếu như bệnh mới phát, cha mẹ nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối pha loãng. Cha mẹ phải thường xuyên giặt, phơi khô chăn gối, mùng mền cho trẻ để tránh ẩm mốc, tránh dùng các hương hóa chất như nhang muỗi, thuốc diệt côn trùng hay nuôi chó mèo trong nhà. Biện pháp này sẽ tránh được bệnh hen cho trẻ.
“Những ngày đầu mới đến lớp, do môi trường xung quanh và thầy cô giáo chưa quen, dễ dẫn đến việc trẻ sợ, ngại đi vệ sinh và thường nhịn. Tình trạng này còn làm trẻ không muốn uống nước. Đây là nguyên nhân khiến trẻ có thể nhiễm trùng đường tiểu. Vì thế cha mẹ, thầy cô giáo nên động viên trẻ tự tin, nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, tránh nhịn tiểu. Khi phát hiện trẻ tiểu ít, hoặc tiểu lắt nhắt, nước tiểu chuyển màu nên đưa con đến bệnh viện xét nghiệm nước tiểu để kịp thời điều trị” - bác sĩ Kim Thoa khuyến cáo.
Trinh Ngọc