Thứ sáu, 10/12/2010, 15h12

Trẻ bị ọc sữa - chớ xem thường!

Mẹ nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ khi cho trẻ bú để tránh cho trẻ bị ọc sữa (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Biểu hiện trẻ ọc sữa ở độ tuổi sơ sinh đến 7 hoặc 8 tháng tuổi làm cho các bà mẹ rất quan tâm, lo lắng, nhất là những người mới có con đầu lòng. Ọc sữa có thể do sinh lý và cũng có thể do bệnh lý gây ra.
Ọc sữa do sinh lý
Bác sĩ Trần Thị Hoa - Trưởng khoa Nhi - BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết: “Ở trẻ nhỏ, nhất là trong giai đoạn 1-2 tháng đầu, sự phát triển và hoạt động của đường tiêu hóa chưa được hoàn chỉnh nên dễ có những khiếm khuyết trong quá trình tiêu hóa thức ăn, trong đó có sự tác động của các van không được đồng bộ cũng như không giữ được tác dụng của van một chiều. Cũng cần nói thêm, trong quá trình bú, trẻ có thể nuốt hơi theo vào dạ dày, kết hợp với tư thế của trẻ sau khi bú đặt nằm ngang (bằng đầu) hay nghiêng bên phải. Trong tình trạng đó, hơi và sữa trong dạ dày - với tư thế nằm không đúng ở trẻ - môn vị ở dưới đóng quá chặt, còn tâm vị ở trên lại lỏng lẻo sẽ là cơ hội đẩy sữa ngược trở lên qua tâm vị và ọc sữa ra ngoài. Đây gọi là hiện tượng ọc sữa sinh lý”.
Cũng theo bác sĩ Hoa thì một số cách phòng chống hiện tượng này rất hiệu quả là: cần có tư thế đúng và cách cho bú đúng (lúc bé bú mẹ nên để đầu và thân bé cùng trên một đường thẳng; cổ của bé thẳng hoặc hơi ngửa ra; mặt của bé đối diện với vú, mũi bé đối diện với núm vú mẹ; thân bé sát với thân của mẹ; mẹ đỡ toàn thân bé không phải chỉ đỡ đầu, cổ và vai; chạm núm vú vào môi bé, khi bé há miệng sẽ cho bé bú ngay). Khi bé bú bình (mẹ nên bồng cho con bú, để đầu bé cao 30o; không nên cho bé nằm khi bú dễ gây sặc và nguy hiểm vì có thể gây viêm phổi hít; sữa phải lấp đầy núm vú để không có hơi lọt vào cùng với sữa; trước khi cho bú nên kiểm tra núm vú: sữa phải chảy từ từ từng giọt một. Nếu chảy quá nhanh nên đổi núm vú khác). Dù bé bú mẹ hay bú bình, cũng có thể có một ít hơi vào cùng sữa. Khi bé bú có tiếng thở rít, chứng tỏ có hơi vào cùng với sữa. Dạ dày của bé nhanh chóng đầy, gây ọc sữa sau bú. Lúc này nên nâng đứng bé vài phút, vỗ nhẹ vào lưng để bé ợ hơi, sau đó từ từ đặt bé nằm xuống. Sau mỗi lần bú, nên đặt bé nằm nghiêng một bên, để nếu có ọc, sữa không vào mũi gây sặc.
Ọc sữa do bệnh lý
Thông thường trẻ lớn sau 7-8 tháng tuổi thì hiện tượng ọc sữa do sinh lý không còn nữa. Ngoài độ tuổi này, trẻ vẫn còn ọc sữa mà không rõ lý do nào khác thì cần phải đi khám chuyên khoa nhi để xem xét. Về điều này, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam (Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM) khuyến cáo: “Tất cả các trẻ nói chung, nếu ọc sữa và kèm theo một số biểu hiện khác thường, có thể gặp trong những bệnh lý sau: các dị tật ở đường tiêu hóa như hẹp thực quản, hẹp tá tràng là khi trẻ có biểu hiện ọc sữa liên tục mặc dù không bú cũng ọc, hoặc ói ra rồi bú, bú xong lại ói ra; một số bệnh đường tiêu hóa tắc ruột, lồng ruột hay gặp ở những trẻ sau 3 tháng tuổi, trẻ đột nhiên ói, đang bú bình thường bỗng nhiên khóc thét lên, ưỡn bụng, bụng có thể nổi phồng lên… cần phải xử trí cấp cứu càng sớm càng tốt; bị bệnh đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, amidan thường biểu hiện quấy khóc, chảy nhiều nước miếng, đàm nhớt, nghẹt mũi, thở khò khè…; trẻ mắc các bệnh não - màng não: có thể do chấn thương, chảy máu não, u trong não, não có nước… Khi mắc những bệnh này, trẻ thường nôn ọc nhiều và có đặc điểm ói vọt thành vòi, có thể có sốt kèm theo; trẻ bị nhiễm trùng thức ăn thường hay gặp ở những trẻ bắt đầu ăn dặm, thường do vệ sinh ăn uống không đảm bảo. Trẻ ói kèm theo đi tiêu chảy, phân lợn cợn hoặc có nhầy máu…
VÂN THẢO