Thứ bảy, 30/6/2012, 06h06

Vô sinh nam

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong các cặp vợ chồng vô sinh, có 40% là do vợ, 30% do chồng, 20% do cả đôi bên và 10% không rõ lý do.
Theo WHO, một năm sau ngày cưới, không áp dụng bất kỳ biện pháp ngừa thai nào mà cặp vợ chồng vẫn không có con thì họ bị xếp vào nhóm vô sinh. Còn theo bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Phó khoa Nam học Bệnh viện (BV) Bình dân TP.HCM, với những nam giới có các yếu tố như: bệnh quai bị, chấn thương bộ phận sinh dục, phẫu thuật vùng chậu, các bất thường ở cơ quan sinh dục... thì cần kiểm tra, tầm soát chứ không phải đợi đến một năm sau cưới như nói trên.  
 
Chọc lấy tinh trùng trong điều trị vô sinh nam - Ảnh: T.Tùng
Theo bác sĩ Tiến Dũng, với những nam giới vô sinh do thiểu năng tinh trùng thì có thể điều trị nội khoa, hoặc phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh bằng vi phẫu; với người vô sinh do tắc đường dẫn tinh trùng thì không điều trị nội khoa được (vì không có thuốc nào có thể phục hồi được sự bế tắc của đường dẫn tinh trùng); mà chỉ điều trị ngoại khoa bằng vi phẫu thuật trên đường dẫn tinh, cho tỷ lệ thành công hơn 80%. Nhưng, kỹ thuật này chỉ những bác sĩ có kinh nghiệm ở các BV chuyên khoa mới làm được. Còn với trường hợp nam vô sinh do tinh hoàn không sinh ra tinh trùng thì hiện tại về nội khoa, thế giới cũng không có thuốc điều trị, mà chỉ chữa trị bằng ngoại khoa bởi kỹ thuật vi phẫu cột tĩnh mạch tinh giãn, cho kết quả thành công khoảng 40-50%; và vi phẫu tích mô tinh hoàn.
Một số bất thường
Theo bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước (Khoa Nam học, BV Bình dân), trong số những bất thường ở cơ quan sinh dục có loại có liên quan đến việc vô sinh nam như: lỗ tiểu thấp; cong dương vật (DV); tinh hoàn không xuống bìu; giãn tĩnh mạch tinh; bất sản ống dẫn tinh... Lỗ tiểu thấp (một dạng dị tật bẩm sinh, lỗ tiểu nằm ở bụng DV và DV bị cong) có liên quan đến vô sinh nam là vì nó ảnh hưởng đến việc phóng tinh vào sâu trong âm đạo. Giải quyết trường hợp này là phẫu thuật chỉnh thẳng DV và chuyển vị trí lỗ tiểu, có thể mổ cho bé sau 6 tháng tuổi.
Còn cong DV là tình trạng DV bị cong khi cương cứng (có thể do bẩm sinh, hoặc mắc phải). Có người cong ở mức không giao hợp được, hoặc giao hợp rất khó khăn. Cần phẫu thuật để chỉnh cho thẳng lại. Trường hợp tinh hoàn không xuống bìu là dị tật bẩm sinh thường gặp (chiếm khoảng 3,4% ở bé trai sinh đủ tháng), thì cần phẫu thuật để đưa lại tinh hoàn xuống bìu, và thời điểm mổ tốt nhất là lúc bé trai hơn một tuổi. Với giãn tĩnh mạch tinh, là tình trạng giãn ngoằn ngoèo các tĩnh mạch trong thừng tinh, chiếm 25,4% ở những nam giới có tinh dịch đồ bất thường; khoảng 40% nam giới vô sinh nguyên phát có giãn tĩnh mạch tinh, và chiếm 69-81% nam giới vô sinh thứ phát có giãn tĩnh mạch tinh. Giãn tĩnh mạch tinh làm giảm khả năng sinh tinh trùng, gây teo tinh hoàn, đau bìu kéo dài. Với trường hợp này thì cách giải quyết là phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh. 
 
Theo TNO