Thứ sáu, 17/4/2009, 11h04

“Cơn sốt” Harmonica

Tuy chỉ là chiếc harmonica “bình dân”, nhưng hiện có trào lưu giới trẻ còn đua nhau “săn” những cây khẩu cầm “hàng độc” để thỏa mãn thú đam mê của mình.

Men say lãng mạn

Tuy là một nhạc cụ đơn giản nhưng harmonica lại có thể tấu lên biết bao cung điệu kỳ diệu, nhiều khúc du ca có thể làm say lòng người. Hoàng, một tay chơi harmonica có tiếng, cho biết: “Harmonica không kén người nghe và dễ chơi hơn các nhạc cụ khác. Chỉ sau vài ngày tập luyện, bạn có thể thổi được một bản nhạc đơn giản. Nếu muốn làm một cô nàng nào đó phải “say” qua những giai điệu thánh thót thì không có chiêu nào hay hơn là bỏ chút ít thời gian để luyện harmonica”. 

cái hay của harmonica là người chơi có thể mang nó và thổi lên ở bất cứ nơi nào. Tiếng kèn réo rắt ở mọi ngõ ngách, bất kể là ở quán bar sang trọng hay trên những con phố nhỏ, cả trong lớp học lẫn những cuộc picnic ngoài trời. 

Không như một số nhạc cụ khác thường “kén cá chọn canh” thể loại nhạc, loại nhạc cụ quyến rũ được mệnh danh là “piano bỏ túi” này có thể chơi từ điệu blues trầm lắng đến điệu rock sôi động, cả những bài hát mang phong cách nhẹ nhàng của Á Đông lẫn những giai điệu “bốc lửa” của phương Tây... Nó cũng làm đê mê đôi tai của không biết bao nhiêu người qua những “tuyệt tác” của các ngôi sao như Bob Dylan, Neil Young, James Cotton, LittleWalter, Paul Butterfield, Mickey Raphael...

“Hình ảnh những anh chàng diễn viên điển trai của Trung Quốc, Hàn Quốc… cầm những chiếc khẩu cầm chơi những bản nhạc trữ tình trong một số bộ phim đã mê hoặc tôi. Nó có cái gì đó quá lãng mạn”, Minh Nguyên, thành viên diễn đàn www.harmonica4u.co.nr, bật mí. Đó cũng là lý do khiến không ít người tìm đến harmonica. Từ quy mô nhỏ lẻ của một blog, www.harmonica4u.co.nr nay thành một diễn đàn với cả ngàn lượt truy cập, không hề thua kém các website âm nhạc đình đám khác.

Blog của Pagoda, một trong những “cao thủ” của CLB harmonica miền Nam, ngày càng thu hút được thêm nhiều bạn trẻ đam mê âm thanh réo rắt kỳ ảo của cây kèn harmonica giao lưu, sinh hoạt và tham gia các buổi offline tương đối quy mô, hoành tráng.

Nghề chơi lắm công phu 

 

 

Harmonica được “khai sinh” ở châu Á vào thế kỷ XII rồi mới du nhập sang châu Âu vào thế kỷ XVII. Lúc đầu, loại kèn này gắn một loạt ống sậy và chỉ thổi ra, không có hít vào. Mãi đến năm 1926, nó mới được một nhà chế tạo nhạc cụ người Bohemian tên là Richter làm thành loại kèn 10 lỗ, chạy sóng đôi từng cặp. Mỗi lỗ đều có thể thổi ra hoặc hít vào tạo ra 2 âm giai.

 
Ngoài các lợi thế nêu trên, harmonica còn chinh phục các “tín đồ” với giá bán phải chăng, vừa với hầu bao số đông. Mặc dù kỹ thuật chơi rất đa dạng nhưng cách điều khiển khá đơn giản, chỉ cần đảm bảo đúng nguyên lý “hút vào, thổi ra” của nhạc cụ thuộc bộ hơi.

Tuy nhiên, không phải cứ sắm một chiếc harmonica thổi phù phù là có thể làm người nghe “phải lòng”. Chơi harmonica nếu ra ngô ra khoai cũng rất cầu kỳ và đòi hỏi rất công phu. Tậu một cây harmonica “bình dân học vụ” thì dễ như trở bàn tay nhưng kiếm một chiếc có “chất” thì cũng lắm gian nan. Lý do là các tiệm nhạc cụ rất ít bày bán vì cho rằng thứ nhạc cụ này ít người chơi.

Nhưng nếu trót phải duyên các “tín đồ” của harmonica nhưng không ngừng tìm cách kiếm cho bằng được những hàng độc để thỏa lòng mong ước. Chẳng hạn, anh Hùng Zen đã không ngại “đốt tiền” bay tour để săn cho bằng được cây “thiên thần harmonica” Suzuki SCT-128 16 lỗ có giá 1.250 USD và “thồ” nó về Việt Nam. Cây Hohner Silver Concerto Chromatic Harmonica của anh làm cả  dân có nghề cũng “choáng” vì nó có giá ngang với một chiếc piano.

Chơi harmonica cũng lắm nước mắt, nhiều mồ hôi. Bởi không phải bản nhạc nào cũng được sáng tác “độc quyền” cho “thần kèn”. Dân chơi phải bỏ công “chuyển ngữ” nhạc lý. Hiện đã có những phần mềm chuyên dụng nhưng nếu “dịch” không đúng bản nhạc sẽ bị “đâm hơi” ngay.

Bài & ảnh: Tấn Anh (TNO)