Thứ tư, 17/12/2014, 10h12

Vốn FDI vào Trung Quốc tăng 22,2% trong tháng 11

Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) ngày 16/12 công bố báo cáo cho thấy lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không tính lĩnh vực tài chính rót vào nước này trong tháng 11 đã tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2013, lên mức 10,36 tỷ USD.

Đây là mức tăng tương đối mạnh so với các con số của tháng Chín và tháng 10 (tăng 1,9% và 1,3%), nhờ vốn đầu tư vào ngành dịch vụ tiếp tục tăng ổn định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: asiasociety.org)

Như vậy trong 11 tháng qua, Trung Quốc đã thu hút được 106,24 tỷ USD vốn FDI (không tính trong lĩnh vực tài chính), tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khoảng 55,1% tổng vốn FDI rót vào lĩnh vực dịch vụ, song FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất chỉ chiếm 33,8%, tương đương 35,93 tỷ USD.

Cũng trong giai đoạn từ tháng 1-11/2014, vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Anh rót vào Trung Quốc đều tăng mạnh, lần lượt là 22,9% và 28%. Tuy nhiên, FDI từ Nhật Bản vào Trung Quốc giảm 39,7%, trong khi vốn đầu tư từ Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ giảm lần lượt là 23,6% và 22,2%.

Tuy vậy, theo AFP, Chính phủ Trung Quốc trong năm nay đã ban hành các quy định về chống độc quyền, giá cả và các yêu cầu khắt khe khác đối với các công ty nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn như một điểm đến đầu tư của Trung Quốc cũng bắt đầu giảm sút bởi chi phí lao động và giá đất tăng cao trong những năm gần đây.

Báo cáo trên cũng cho thấy trong tháng 11, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc đã giảm 26,1% xuống còn 7,92 tỷ USD, kéo theo tổng vốn ODI trong 11 tháng qua đứng ở mức 89,8 tỷ USD.

Thống kê FDI của Trung Quốc có kết quả tốt hơn dự kiến trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro khiến GDP có xu hướng giảm tốc.

Thị trường nhà ở sa sút, nhu cầu trong nước yếu đi và tình hình xuất khẩu bất ổn, tốc độ tăng trưởng quý 3 của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009.

Để kích thích nền kinh tế, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), trong tháng trước đã quyết định hạ lãi suất tiền gửi xuống còn 2,75% và lãi suất cho vay là 5,6%, ghi nhận lần đầu tiên PBoC điều chỉnh lãi suất tiêu chuẩn kể từ tháng 7/2012.

Động thái trên đã tạo đà tăng điểm cho thị trường chứng khoán Thượng Hải, song với những nguy cơ giảm phát của Trung Quốc ngày một tăng, các nhà phân tích vẫn hy vọng chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng.

Cũng trong ngày 16/12, ngân hàng HSBC công bố thống kê sơ bộ cho thấy PMI ngành chế tạo của Trung Quốc trong tháng 12 đạt 49,5, giảm so với mức 50 của tháng 11, mức thấp nhất trong bảy tháng.

Chuyên gia kinh tế của HSBC Qu Hongbin nhận định điều này sẽ làm gia tăng áp lực tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ở Trung Quốc trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)