Thứ ba, 2/9/2014, 20h09

“Vùng đất học” Vĩnh Thạnh

Trường Mầm non Thị trấn Thạnh An, được xây dựng từ đất do Giáo xứ Thạnh An hiến tặng
Những trường hợp khó khăn nhưng phấn đấu nuôi con ăn học thành tài giờ đây trở thành chuyện thường ngày ở “Vùng đất học” Vĩnh Thạnh. Đến nay, lời nhận định của nhà bác học Lê Quý Đôn: “Phi trí bất hưng” trở thành ý thức chung của người dân ở vùng quê này.
Không chỉ người nghèo mong cho con cái vươn lên trong cuộc sống bằng con đường học vấn, những hộ khá giả cũng chăm chút việc học cho con với mục đích giáo dục con thành người hữu dụng cho xã hội.
1. Ngôi nhà mái tole, tường gạch của gia đình ông Cao Văn Chất nằm ven kinh Thầy Ký (thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ). Nhà nhỏ, tường chưa được tô, nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, khoảnh sân rộng lát gạch tàu trước nhà trồng nhiều loại hoa cảnh. Trên tường treo đầy bằng khen, giấy khen về thành tích học tập của các con. Tiếp chúng tôi, ông Chất kể: Ti vi, tủ lạnh do các con mới mua chứ trước đây nhà chỉ cần đủ ăn là quý rồi… Có 6 con nhưng chỉ có 3 công ruộng, để nuôi con ăn học, ngoài làm ruộng ông làm mướn, rồi làm thợ hồ cho các công trình xây dựng.
Vợ ông, bà Phạm Thị Lệ Thu, chăn nuôi heo, gà. Với chiếc xe đạp cũ, hàng ngày bà ra chợ mua sỉ các loại thực phẩm rồi bán lẻ trong xóm, ấp… Siêng năng, tằn tiện, ông bà đã nuôi các con thành tài, trong đó 4 người học xong ĐH, trong đó có 1 bác sĩ, 1 người học ngành điều dưỡng tại CĐ Y tế Cần Thơ, và cậu con út Cao Thượng Trí đang học năm thứ 3 ngành bác sĩ đa khoa, Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Ông Chất thật thà: “Bây giờ thì vợ chồng tôi khỏe rồi, các con lớn đi làm, có tiền lo cho thằng út. Hồi đó tôi học đến lớp 9 thì nghỉ vì nhà nghèo, thành ra chẳng ra thầy ra thợ. May mà các cháu thương cha mẹ, chăm chỉ học hành. Thế cũng tạm mãn nguyện, mình chả có gì để lại cho con, cố gắng giúp có lấy cái chữ để sau này không vất vả như cha mẹ”… Bà Lệ Thu nhớ lại: “Các con học ĐH ở Sài Gòn nên tốn kém lắm. Hồi ấy, ngày nào bán hết hàng trong buổi sáng, buổi chiều tôi đến những khu vực vùng sâu mua các loại rau rồi bỏ sỉ cho bạn hàng ngoài chợ… Vợ chồng làm việc suốt, buôn này bắt kia, may mà ông trời thương, ăn uống kham khổ mà vợ chồng con cái chẳng ai bệnh gì sất. Bây giờ mình có chút bệnh thì cũng do tuổi già thôi”.
Huyện Vĩnh Thạnh có 27 SV theo học chương trình Đông Du, trong đó có những em gia cảnh khó khăn. Ông Vũ Quang, chủ một tiệm vàng lớn ở ấp Phụng Quới A, thị trấn Thạnh An, có hai con: Vũ Ngọc Tuyên và Vũ Ngọc Tuấn, đang học ĐH ở Nhật theo chương trình này. Ông Quang cũng là “chủ xị” đứng ra đóng góp và vận động bạn bè, hỗ trợ những em này kinh phí mua vé máy bay và chút tiền “dằn túi” trong những ngày đầu mới sang Nhật.

Các em nữ sinh đọc sách tại thư viện trong khu lưu trú, Trung tâm Học tập cộng đồng Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh

2. Tiếng thơm về “Vùng đất học” Vĩnh Thạnh đã lan tỏa khắp vùng đất chín rồng. Nằm cạnh tỉnh An Giang, huyện Vĩnh Thạnh thành lập năm 2004, có 9 xã và 2 thị trấn. “Vùng đất học” bao gồm các xã: Thạnh Thắng, Thạnh Lợi, Thạnh An, Thạnh Tiến, thị trấn Thạnh An. Tính trung bình cứ 10.000 dân thì có 600 SV đang học các trường ĐH trong và ngoài nước, tỷ lệ bình quân số SV đạt hơn 5% dân số, (trong khi cả nước là 1,8%); cá biệt ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, đạt tỷ lệ hơn 10%. Ấp có 2.261 khẩu thì 400 SV đang học CĐ, ĐH và trên ĐH. Số đã tốt nghiệp ĐH là 430, trong đó có 4 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 18 bác sĩ, 60 kỹ sư các ngành… Có những gia đình như ông Nguyễn Văn Đàm có 7 con tốt nghiệp ĐH và sau ĐH (1 thạc sĩ, 3 bác sĩ, 3 kỹ sư); ông Nguyễn Văn Rợp có 6 con học xong ĐH (1 bác sĩ, 5 kỹ sư)… Với người dân nơi đây, việc học không dừng ở tấm bằng ĐH mà họ luôn có ý chí tiếp tục vươn lên trong sự học và trong nhiều mặt cuộc sống.
Trường THPT Thạnh An, nhiều năm nay, liên tục nằm trong top 5 trường dẫn đầu TP.Cần Thơ về tỷ lệ SV trúng tuyển vào các trường ĐH. Nơi đây có nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả.
Hàng năm, vào dịp lễ, tết các hội khuyến học ở đây thường tổ chức họp mặt thầy cô giáo, những người con thành đạt của quê hương, sinh sống ở mọi miền đất nước, kể cả nước ngoài, SV, HS học tập tốt. Hoạt động này góp phần phát huy tinh thần hiếu học nơi người dân, những thế hệ đàn em noi gương các anh chị đi trước. Rất nhiều người, lúc khó khăn được cộng đồng trợ giúp, khi thành đạt đã trở về đóng góp chăm bồi cho lớp lớp đàn em.
Bên cạnh đó, Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh cũng là lá cờ đầu trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Cần Thơ. Hội vận động quỹ để hỗ trợ HS, SV nghèo, tổng trị giá gần 12 tỷ đồng, góp phần để nhiều năm qua, Vĩnh Thạnh có tỷ lệ HS bỏ học thấp nhất Cần Thơ.
3. Rất nhiều thành quả về kinh tế - xã hội đạt được nơi “Vùng đất học”. Nơi mà đạo và đời hòa quyện, chính quyền gắn bó với nhân dân, cùng xây dựng xã hội tốt đẹp. Nhiều năm nay, 100% HS trong độ tuổi ra lớp. Các trường duy trì 100% sĩ số. Thị trấn Thạnh An xây dựng thành công mô hình khu dân cư ĐH ở ấp Phụng Quới A - nơi có 60 hộ dân thì hết 57 gia đình có con hoặc bản thân chủ hộ có trình độ từ ĐH trở lên… Dân trí cao góp phần để vùng quê ngày càng thịnh vượng. Nhiều năm nay, tất cả các xã, thị trấn trong “Vùng đất học” đều đạt chuẩn “3 không”, trong đó xã Thạnh Thắng đạt chuẩn “5 không” - không ma túy, mại dâm, trọng án, không còn hộ nghèo, không còn nhà tranh. Đây cũng là xã duy nhất trong cả nước không có người nhiễm HIV…
Đến thăm “Vùng đất học” trong những ngày mùa thu tháng 8, chúng tôi cảm giác được sự yên bình trước khung cảnh nơi đây. Trên các tuyến đường rợp mát bóng cây, những ngôi nhà khang trang, xây dựng theo phong cách hiện đại, soi bóng xuống các dòng kinh. Làng trên xóm dưới sạch sẽ, phong quang. Người dân nơi đây ý thức giữ gìn môi trường sống tốt đẹp từ vật chất đến tinh thần. Với đời sống dân trí cao, bà con mau chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi nên thường đạt năng suất rất cao. Đây cũng là vùng đất được các giáo sư nông nghiệp ở Trường ĐH Cần Thơ chọn xây dựng thí điểm những mô hình sản xuất tiên tiến như trồng các giống lúa chất lượng cao để xuất khẩu, phát triển các cây, con giống tốt…
Những ngày đến Vĩnh Thạnh, tôi cũng tình cờ gặp kỹ sư Võ Thị Hồng Nhung, thuộc nhóm SV đầu tiên của Vĩnh Thạnh du học ở Nhật. Trước đây gia đình Nhung được cấp sổ hộ nghèo do không đất sản xuất, ở nhờ nhà bà ngoại. Mẹ lại luôn đau yếu. Dù khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ của Hội Khuyến học huyện, em học tiếng Nhật ở Trường Đông Du (TP.HCM) sau đó sang Nhật du học. Tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH Gifu ở Shizuoka (Nhật), ra trường Nhung làm cho một công ty điện tử của Nhật. Đến nay Nhung đã xây nhà và gửi tiền phụng dưỡng cha mẹ hàng tháng, đồng thời đóng góp cho quỹ khuyến học huyện. Trò chuyện với tôi, cô kỹ sư đầy nghị lực bộc bạch: “Em muốn gặp các em HS trong huyện để động viên các em vượt khó, và chia sẻ với các em. Qua quá trình phấn đấu của bản thân, em thấy rằng trong cuộc sống hiện nay, với sự giúp đỡ của cộng đồng, con đường học tập để vươn lên của các bạn trẻ khá nhiều thuận lợi. Ai cũng có thể học tốt để thành đạt. Nếu có ý chí, ước mơ và sức khỏe để phấn đấu, thì khó khăn nào rồi cũng vượt qua được”.
Đan Phượng