Thứ năm, 31/7/2014, 11h07

LHQ yêu cầu chấm dứt giao tranh ở khu vực máy bay MH17 rơi

Ngày 30/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã yêu cầu Chính quyền Ukraine và lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông nước này chấm dứt giao tranh ngay lập tức nhằm cho phép các nhà điều tra tiếp cận địa điểm máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia rơi ở miền Đông Ukraine.

Trong thông báo do một người phát ngôn của ông Ban Ki-moon công bố, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nói rõ gia đình các nạn nhân thảm họa rơi máy bay MH17 đòi hỏi cuộc điều tra phải sớm kết thúc, thế giới cần câu trả lời về thảm họa này và các nhóm quốc tế phải được phép xúc tiến công việc của mình.

Một mảnh vỡ của chiếc máy bay MH17 bị rơi ở Đông Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh vẫn còn nhiều thi thể của các nạn nhân chưa được tìm thấy, nhiều vật dụng liên quan bằng chứng vụ rơi máy bay còn nằm tại hiện trường trong khi các bằng chứng này có thể mai một dần.

Liên quan công tác tìm kiếm nạn nhân, người đứng đầu nhóm điều tra của Hà Lan, quốc gia có nhiều công dân thiệt mạng nhất trong vụ rơi máy bay MH17, ông Pieter-Jaap Aalbersberg cho biết 68 chuyên gia và sỹ quan cảnh sát Malaysia đến Kiev trong ngày 31/7 để tham gia tìm kiếm 98 thi thể nạn nhân còn lại. Tuy nhiên, tình hình an ninh ở miền Đông Ukraine vẫn chưa cải thiện, khiến nhóm điều tra quốc tế chưa thể tiếp cận hiện trường. Cũng theo ông này, tình hình mất an ninh còn nghiêm trọng, với nhiều tiếng súng trên đường và dọc theo đường đến hiện trường vụ tai nạn.

Trong buổi chất vấn ngày 30/7 trước Quốc hội Hà Lan, Bộ trưởng An ninh và Tư pháp nước này Ivo Opstelten cho biết cần tới một năm hoặc lâu hơn nữa để chuẩn bị báo cáo kết luận nguyên nhân khiến máy bay MH17 rơi.

Theo quy định, Hội đồng an ninh Hà Lan, cơ quan chịu trách nhiệm điều phối cuộc điều tra, cần công bố báo cáo kết luận sớm nhất nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu cuộc điều tra. Nếu không thể đưa ra báo cáo kết luận đúng thời hạn, cơ quan này phải báo cáo công tác điều tra hàng năm cho đến khi có báo cáo kết luận.

Cũng trong ngày 30/7, EU đã chính thức phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với tám người Nga, trong đó có một số phụ tá thân cận của Tổng thống nước này Vladimir Putin. Lệnh phong tỏa tài sản còn được áp dụng với ba công ty của Nga trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt đối với Moskva liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.

EU còn cấm đầu tư mới cho việc khai thác dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản ở Crimea và Sevastopol hay cho các dự án hạ tầng trong các lĩnh vực như giao thông, viễn thông và năng lượng ở hai khu vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)