Thứ ba, 3/3/2015, 15h03

Libya: Hai phái đối địch đồng ý nối lại đàm phán hòa bình

Theo phóng viên tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, ngày 2/3, Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya (HoR) và Đại hội Nhân dân Toàn Quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ được lực lượng Hồi giáo hậu thuẫn) đã đồng ý nối lại cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm tìm giải pháp chấm dứt tình trạng bất ổn kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia Bắc Phi này.

Tuần trước, HoR đã rút khỏi đàm phán sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố miền Đông al-Qoba.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Bernardino Leon (trái) tại cuộc họp với các thành viên GNC ở Tripoli ngày 2/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau cuộc gặp ngày 2/3 giữa các thành viên Ủy ban đối thoại của HoR với Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Libya Bernardino Leon tại thị trấn Tobruk, HoR đã nhất trí quyết định trở lại cuộc đối thoại, dự kiến tổ chức tại Maroc ngày 5/3 tới.

Tuy nhiên, một nghị sỹ khẳng định phái đoàn của HoR sẽ chỉ quay lại bàn đàm phán nếu một số điều kiện được đáp ứng, trong đó có việc cộng đồng quốc tế công nhận cơ quan này là Quốc hội chính thức của Libya, cũng như công nhận quân đội Libya đang chiến đấu "chống khủng bố."

Ngoài ra, bất cứ chính phủ đoàn kết nào được thành lập sau các cuộc hòa đàm đều phải được HoR phê chuẩn.

Tối cùng ngày, các thành viên Ủy ban đối thoại của GNC cũng có cuộc gặp với Đặc phái viên Liên hợp quốc. Phó Chủ tịch GNC Saleh Makhzoum tuyên bố phái đoàn của GNC sẽ tới Maroc tham gia đối thoại vào ngày 5/3, đồng thời nhấn mạnh GNC "mong muốn tìm ra giải pháp" cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Libya.

Mặc dù có những đột phá trong các vòng đàm phán trước, hy vọng chấm dứt các cuộc giao tranh tại Libya hiện vẫn xa vời. Tại một cuộc gặp hôm 26/2, các chỉ huy của liên minh Hồi giáo "Bình minh Libya" - lực lượng hậu thuẫn GNC - đã nhất trí cần một lệnh ngừng bắn, song đưa ra một số điều kiện tiên quyết được cho là khó đáp ứng.

Các điều kiện này bao gồm lệnh ngừng bắn phải được thực thi trên cả nước, lực lượng của liên minh "Nhân phẩm Libya" của Tướng Khalifa Haftar phải rút khỏi thành phố Benghazi và ngừng chiến dịch không kích tại miền Đông...

Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội.

Liên minh "Bình minh Libya" hiện đang chiếm giữ thủ đô Tripoli và lập chính phủ riêng, trong khi chính phủ được quốc tế công nhận và quốc hội dân bầu đã phải rời trụ sở về thành phố Al-Beida, cách thủ đô Tripoli 1.200km. Xung đột đã gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, làm ít nhất 120.000 người phải rời bỏ chỗ ở, đẩy đất nước vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, trong khi số người thương vong do bạo lực ngày càng tăng./.

(TTXVN/VIETNAM+)