Thứ ba, 19/8/2014, 09h08

Nhật Bản thắt chặt quan hệ đối tác châu Á

Sau khi cho phép vận dụng quyền phòng vệ tập thể, Nhật Bản triển khai bước tiếp theo: thúc đẩy nền kinh tế quốc phòng với những đối tác tiềm năng trong cùng khu vực. Một mặt, bảo đảm an ninh quốc gia, khu vực; mặt khác, tạo động lực kích thích tăng trưởng ở nền kinh tế chỉ chiếm 1% GDP của Nhật Bản.

Nhật Bản chuẩn bị bán 15 chiếc thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ.

Chú trọng ASEAN

Japan Times ngày 18-8 đưa tin, các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề “An ninh hàng hải” cuối tháng 9 tới với sự tham gia của đại diện đến từ các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mục đích là nhằm xúc tiến việc xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng Nhật Bản sang khu vực này.

Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên giữa Nhật Bản và ASEAN nhằm tiến hành những cuộc thảo luận chính thức liên quan đến xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng kể từ khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố từ bỏ chính sách cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự hay còn gọi là “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, có hiệu lực từ năm 1967 vào tháng 4 vừa qua. Kế hoạch này do đảng Dân chủ tự do khởi xướng. Trước đây, Nhật Bản cũng đã viện trợ tàu tuần tra cho một số nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia dưới dạng viện trợ phát triển của chính phủ (ODA).

Trong cuộc hội thảo ở Tokyo này, để thuyết phục các nước thuộc ASEAN đồng ý mua thiết bị của mình, Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch thảo luận về việc trang thiết bị và công nghệ của nước này có thể giúp tăng cường như thế nào năng lực quốc phòng của các nước ASEAN. Chính phủ Nhật Bản cũng tin rằng môi trường an ninh của nước này sẽ được cải thiện nếu các nước ASEAN củng cố sức mạnh trên biển.

Tháng 12-2013, Thủ tướng Nhật Bản Abe lần thứ hai lên làm thủ tướng đã đề xuất “3 mũi tên bảo vệ an ninh” gồm: Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia, Đại cương kế hoạch phòng vệ từ sau năm 2014 và Kế hoạch điều chỉnh sức mạnh phòng vệ trung hạn giai đoạn 2014 - 2018. Trong đó, phương châm chính sách của Nhật Bản trong hợp tác an ninh với ASEAN đáng được quan tâm.

ASEAN đứng sau Mỹ, Hàn Quốc, Australia trong chiến lược hợp tác an ninh đối ngoại của Nhật Bản. ASEAN và Nhật Bản “có cùng giá trị phổ biến và lợi ích chiến lược”, là đối tác truyền thống chiếm giữ tuyến đường vận chuyển dầu mỏ trọng yếu của Nhật Bản. Mỗi năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua biển Đông.

Khẳng định quan hệ đối tác với Ấn Độ

Ấn Độ đứng sau ASEAN trong danh sách những đối tác mà Nhật Bản cần nhanh chóng củng cố quan hệ hợp tác trong nỗ lực khẳng định vị thế. Ngày 31-8 tới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ bắt đầu chuyến công du kéo dài 4 ngày đến Nhật Bản. Dự kiến, hai bên sẽ ký kết thỏa thuận lâu dài về hợp tác phát triển hạt nhân vì mục đích dân sự và một thỏa thuận quốc phòng.

Bên cạnh đó là những phiên đối thoại sâu rộng về các lĩnh vực hợp tác chiến lược mà chính phủ hai nước đã đề ra sau khi ông Modi nhậm chức. Nếu thỏa thuận quốc phòng liên quan đến giao dịch Nhật Bản bán 15 chiếc thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ thành công, Ấn Độ sẽ là quốc gia đầu tiên mua thiết bị này từ Nhật Bản. Hợp đồng này trị giá 1,65 tỷ USD.

Ngoài ra, nhiều nguồn tin cho rằng, nhân dịp này, Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ tuyên bố Nhật Bản có ý định phê chuẩn cho Ấn Độ sản xuất một số linh kiện của loại máy bay trên.

Thời gian gần đây, Nhật Bản và Ấn Độ đã có những bước đi cụ thể để khẳng định quan hệ đối tác giữa hai nước. Nhật Bản cũng đã đầu tư 100 tỷ USD vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên ở các tổ hợp kinh tế Delhi-Mumbai và Bangalore-Chennai.

NHƯ QUỲNH

(SGGP)