Thứ ba, 30/9/2014, 09h09

Tổng thống Mỹ thừa nhận đánh giá thấp IS

Giữa lúc có những dấu hiệu cho thấy Mỹ và các đồng minh sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến lâu dài và khó khăn, ngày 29-9, các nhà lập pháp Mỹ đã hối thúc Quốc hội trao quyền hợp pháp cho Tổng thống Barack Obama để tiến hành cuộc chiến chống “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ở cả Iraq và Syria. Ông Obama thừa nhận đã đánh giá thấp về IS.

Tấn công các cơ sở lọc dầu

Động thái trên diễn ra sau khi Lầu Năm Góc tuyên bố đã không kích thành công 4 cơ sở lọc dầu do phiến quân IS tự xưng kiểm soát ở Syria và các mục tiêu của IS tại nước láng giềng Iraq vào ngày 28-9. Các cuộc tấn công của lực lượng Mỹ cùng với các đối tác trong liên minh là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là một động thái nhằm cảnh báo IS từ bỏ các tài sản mà lực lượng này đang kiểm soát tại Iraq và Syria. Cho đến ngày 28-9, các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh phần lớn nhằm vào các căn cứ của IS và những nhà máy lọc dầu tạm thời do các tay súng IS chiếm giữ. Chiến lược này nhằm làm suy giảm một trong những nguồn thu nhập tài chính chủ chốt của IS.

Nạn nhân vô tội ở Syria.

Sau các cuộc không kích này, Abu Mohammed al-Golani, thủ lĩnh nhóm Mặt trận Nusra, một nhánh của al-Qaeda tại Syria tuyên bố sẽ sử dụng tất cả biện pháp có thể để đối phó lại với các vụ không kích của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tại Syria. Trong khi đó, trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Twitter, các phần tử thánh chiến đã chia buồn về cái chết của Fadhli, còn được gọi là Mohsin al-Fadhli hoặc Abu Asmaa al-Jazrawi, thủ lĩnh của lực lượng Khorasan, trong trận không kích của Mỹ ở Syria ngày 23-9.

Chiến dịch tiền tỷ

Chiến dịch oanh tạc ở Syria và Iraq đã tiêu tốn của Mỹ và các đồng minh gần một tỷ USD và có thể sẽ ngốn 22 tỷ mỗi năm nếu bộ binh được triển khai đến khu vực này để triệt tiêu các phiến quân Hồi giáo. Tại Quốc hội Mỹ vẫn có ý kiến cho rằng Washington nên cân nhắc việc điều bộ binh tham chiến. Nếu như Chủ tịch Hạ viện John Boehner, ngày 28-9, cho rằng không thể đạt được mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn IS nếu như thiếu vai trò của bộ binh, thì phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tony Blinken đã bác bỏ khả năng này bằng tuyên bố Mỹ sẽ không chứng kiến một cuộc chiến Iraq thứ hai. Thủ tướng Anh David Cameron ngày 28-9 cũng đã bác bỏ ý tưởng đưa bộ binh quân đội các nước phương Tây vào Iraq. Ông Cameron nhất trí rằng cần sử dụng bộ binh nhưng không phải của phương Tây mà của chính Iraq, của người Kurd tại Iraq.

Trước đó, phát biểu trên kênh truyền hình CBS News, Tổng thống Obama thừa nhận Washington đã đánh giá thấp nguy cơ một nước Syria nội chiến sẽ tạo điều kiện cho các tay súng thánh chiến tập hợp trở lại và trỗi dậy một cách nhanh chóng, đầy bất ngờ. Sự trỗi dậy của IS nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán của tình báo Mỹ, biến Syria và Iraq trở thành “vùng an toàn của các tay súng Hồi giáo thánh chiến trên khắp thế giới”. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận một giải pháp bền vững phải bao gồm các biện pháp chính trị. Theo ông Obama, những cuộc không kích do Mỹ đứng đầu nhằm ngăn chặn IS chiếm giữ các vùng lãnh thổ và triệt phá các nguồn lực, song cần phải có những biện pháp để giải quyết dứt điểm mâu thuẫn giữa hai cộng đồng Hồi giáo Sunni và Shiite - nguyên nhân gây ra nhiều cuộc xung đột tại Iraq, Syria cũng như các quốc gia trong khu vực. Xung đột giữa cộng đồng Hồi giáo Shiite chiếm đa số với cộng đồng Hồi giáo Sunni tại Iraq bùng nổ kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi đây và đẩy quốc gia này rơi vào cuộc nội chiến thực sự từ năm 2011.

Theo SGGP