Thứ ba, 14/4/2009, 14h04

Không phải VĐV nào cũng giàu như cầu thủ

"Nữ hoàng điền kinh" Trương Thanh Hằng.

Đội tuyển cử tạ có hơn chục lực sĩ cả nam và nữ, họ sống thân thiết như anh em trong một gia đình. Trong một tháng cuối năm 2008, trong đội có 2 đám hỷ và 1 đám hiếu cha một nữ VĐV trong đội, khiến thu nhập của mọi người đều hết bay.

Kỷ lục gia điền kinh cự ly ngắn Trương Thanh Hằng về với điền kinh Quân đội sẽ nhận mức lương 15 triệu đồng/tháng.

Tay vợt cầu lông Tiến Minh mới ký hợp đồng tài trợ đảm bảo cho anh 20 triệu đồng mỗi tháng. Lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn về với Đà Nẵng trước khi được cấp đất thì hằng tháng nhận lương 10 triệu đồng.

3 cái tên nói trên được coi là những VĐV thể thao hàng đầu của Việt Nam. Họ là những người mang lại những vinh quang tột bực ở đấu trường khu vực và châu lục. Tiến Minh nằm trong số 20 tay vợt hàng đầu thế giới. Trương Thanh Hằng vô địch cự ly 800m châu Á và có 2 kỷ lục SEA Games 2007. Hoàng Anh Tuấn từng vô địch thế giới và giành Huy chương Bạc Olympic Bắc Kinh môn cử tạ hạng 56kg.

Ở đây cũng có thể điền thêm tên của cô gái tốc độ Vũ Thị Hương, nhà vô địch 100m SEA Games 2007. Cô được An Giang trả cho 15 triệu đồng tiền lương mỗi tháng. 

Và những số tiền nói trên của họ được coi là con số trong mơ. Trước đấy, lương của họ ở những đơn vị cũ chỉ là vài con số lẻ của chế độ đãi ngộ hiện tại. Nó cũng gấp 5 gấp 10 lần mức thu nhập thường xuyên của hầu hết các VĐV trong làng thể thao Việt Nam.

“Anh có biết thu nhập của các học trò của tôi được bao nhiêu mỗi tháng không? Chỉ khoảng triệu bảy, triệu tám mỗi VĐV. Ngoài ra, theo tôi được biết, họ chẳng có nguồn thu nhập nào khác”, Huấn luyện viên (HLV) đội tuyển cử tạ Việt Nam, ông Phạm Danh Tốn nói như thế nhân một lần xuống Trung tâm HLTT QG I Nhổn, trao đổi về sức mạnh của cử tạ Việt Nam.

Đội tuyển cử tạ có hơn chục lực sĩ cả nam và nữ, họ sống thân thiết như anh em trong một gia đình. Và là một gia đình nghèo. Tới mức, trong một tháng cuối năm 2008, trong đội có 2 đám hỷ và 1 đám hiếu cha một nữ VĐV trong đội, khiến thu nhập của mọi người đều hết bay. “Các cháu nó thuê xe đi về, rồi hỗ trợ tiền cho gia đình của bạn, thế là lương vừa lĩnh tuần trước, đầu sau đã chẳng còn xu nào”, vẫn HLV Phạm Danh Tốn kể.   

Ông Tốn không kể nghèo kể khổ cho các học trò. Thực là thế. Các VĐV cử tạ cũng như bất cứ các môn nào khác, thậm chí cả các HLV đều là đối tượng của một quy định, rằng đã ăn lương ở đội tuyển là không còn được ăn lương ở địa phương. Lương cho các VĐV thực chất là công ngày tập. Một tuần tập 6 buổi, 1 tháng 30 ngày trừ đi 4 chủ nhật rồi cứ thế nhân lên với tiền công theo quy định khoảng 70.000đồng/người/ngày. Trong thời buổi hiện nay, sống ở thành thị, số tiền chưa đầy 2 triệu/tháng như thế quả là chỉ đủ nuôi bản thân đã giỏi.

Cũng may, các VĐV còn có một nguồn thu khác. Nhưng tổn lực và không có lợi cho việc đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thành tích. Mỗi ngày các VĐV trước đây được hưởng mức ăn 60.000 đồng/ngày/người, nay tăng lên là 120.000 đồng/ngày/người.

Chủ nhật không tập nên các VĐV hầu hết đều báo cắt cơm ở nhà bếp. Tiền ăn được bỏ vào lợn tiết kiệm. Nhiều người chỉ ăn mì tôm từ sáng đến tối. Vậy là tháng có thêm 400.000 - 500.000 đồng.

Lấy cái nghề thể thao làm nghiệp, các VĐV hầu như cả ngày chỉ biết tập trung vào tập luyện và thi đấu. Họ không có điều kiện để kiếm thêm thu nhập. Cơ hội đổi đời, được có một cục tiền trong tay, để xây cái bếp, cất cái chuồng lợn, hoặc làm một cái sổ tiết kiệm làm lưng vốn cho cuộc sống sau này chỉ biết trông chờ vào việc đi tìm một tấm huy chương. Nhưng mức thưởng cũng chỉ dao động từ 20 triệu tới 50 triệu đồng cho một tấm huy chương vàng, tùy thuộc từng cấp độ. Mà tiền mồ hôi nước mắt ấy đâu có phải được tất. Cũng phải “cảm ơn” chỗ này, chỗ kia, người này, người nọ.

Thế mới có chuyện, các VĐV của ta tham gia những cuộc tranh tài đỉnh cao ở tầm châu lục, khi biết chắc tài năng và đẳng cấp của mình không thể ăn người, thì họ sẽ đánh qua quýt rồi thua. Chứ đánh tới cùng thì chấn thương mà khổ, ai lo?

Đội tuyển Taekwondo Việt Nam thảm bại tại Olympic Bắc Kinh cũng là vì thế. Hầu hết các võ sĩ khi lượng sức mình đã vào trận và tìm cách thua an toàn. Giới hâm mộ bảo họ không chỉ thua đối phương, mà thua chính mình, không vượt qua được bản thân. Phải dành sức và giữ thân để kiếm huy chương (và cũng là tiền thưởng) ở những giải tầm tầm. Tấm gương tày liếp có rất nhiều.

Đô vật Nguyễn Văn Dực, đi thi đấu cho đội tuyển vật, bị chấn thương mấy lần, suốt từ SEA Games 2003 rồi sau đấy đến năm 2007 lại “dính” thêm ca nữa ở đốt sống cổ. Dực cũng không được chu cấp chữa trị, dù là VĐV đội tuyển. May mà được đơn vị chủ quản Quân đội chăm lo, chứ không Dực đã thành phế nhân. 

Ví dụ ấy cũng là cho cả thói quen vắt chanh bỏ vỏ vẫn còn ít nhiều chế ngự trong ngành thể thao. Sự vất vả, thiếu thốn vật chất của các VĐV là hậu quả của một nhận thức của số đông chỉ quan tâm và đổ dồn cho bóng đá, dù vinh quang ở đấu trường SEA Games, ASIAD trước nay phần lớn là do các môn thể thao khác mang lại.

Thể thao Việt Nam đang giương cao ngọn cờ xã hội hóa. Một chủ trương đúng và mang màu sắc chuyên nghiệp. Nhưng khi xã hội hóa còn chập chững, chưa mang lại những nguồn thu căn bản, thì các VĐV vẫn phải trông chờ vào bầu sữa ngân sách. Nó phải là cái nền để từ đấy các VĐV mới nâng cao được khả năng và trình độ thi đấu, rồi làm bệ phóng cho các bước tiến sau này.

Lưu Tường, nhà vô địch Olympic Athens 2004 môn chạy vượt rào 110m của Trung Quốc, trước khi trở thành VĐV có thu nhập trên 100 triệu USD trong năm 2007 từ các nguồn tài trợ và quảng cáo, anh ta cũng cần đến sự đầu tư và chăm bẵm của ngân sách. Lưu Tường hoàn toàn không phải nhịn cơm ăn mì tôm, không phải đếm từng hào để bỏ lợn tiết kiệm trong giai đoạn anh chưa trở thành người nổi tiếng trên toàn thế giới.

Đây chính là một ví dụ rất đáng tham khảo!

Trần Diệu Anh (theo CAND)