Thứ năm, 16/4/2015, 21h04

40 năm đất nước thống nhất: Những pháo thủ... tóc dài

Các cựu nữ pháo binh bồi hồi nhớ lại những ngày tháng gian lao mà anh dũng trong buổi giao lưu sáng 16-4
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ Nam bộ không chỉ tham gia du kích, bộ đội địa phương mà cả trong các đơn vị chủ lực như pháo binh. Những nữ pháo binh phơi phới sức xuân ngày ấy, bây giờ tóc đã bạc, mắt đã mờ nhưng khi gặp lại nhau sau 40 năm đất nước thống nhất, họ như trẻ lại - mừng mừng tủi tủi.
Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2015), ngày 16-4, tại Hội trường TP.HCM đã diễn ra buổi họp mặt, giao lưu nữ pháo binh miền Nam. Theo đó có 309 nữ pháo binh và 10 nữ biệt động Sài Gòn từ Cà Mau (miền đất cực Nam của Tổ quốc) đến Quảng Trị (nơi có cầu Hiền Lương chia cắt hai miền đất nước) về tham dự.
Thà hy sinh chứ không để mất pháo
Chỉ trong 3 năm (từ 1968 đến 1970), đội nữ pháo binh Long An đã đánh vào Đức Hòa 416 trận lớn nhỏ, phá hủy hàng chục xe tăng và tiêu diệt hàng ngàn lính Mỹ. Đặc biệt, sau trận đánh mùng 4 Tết Mậu Thân (1968), phá hủy 37 xe tăng, 2 máy bay và diệt gần 100 lính Mỹ, đội nữ pháo binh Long An đã đánh vào Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bà Điểm, Ngã tư Bảy Hiền (TP.HCM)… Và, “Đêm 17-2-1968, khẩu đội pháo chúng tôi rót hàng chục trái đạn vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc sắp cho pháo gầm, cũng là lúc chúng tôi hồi hộp nhất. Bởi mục tiêu ngay trong nội đô chói chang ánh điện và trận địa được đặt ngay sát cửa hang của chính quyền Sài Gòn...”, bà Trương Thị Hồng Quân - nguyên Trung đội phó nữ Đội pháo binh Long An nhớ lại.
Bên cạnh những khoảnh khắc oai hùng ấy, bà không sao quên được những gian nan vất vả trong quá trình hành quân. “Mùa nước nổi, mỗi lần hành quân qua cánh đồng, để đạn pháo không bị ướt, chúng tôi phải bưng hàng tạ sắt trong 5-6 giờ. Đôi tay của chúng tôi chỉ được giải phóng mấy phút khi xuất hiện một gò đất. Chúng tôi thà chịu ngập trong nước chứ không để ngập pháo đạn...”, bà Quân nói.
“Có lần đơn vị nữ cối 60 ly đang tập ở Phước Vân thì bất ngờ máy bay trực thăng Mỹ đổ tới ào ạt. Tôi ra lệnh cho chị em vác cối, lội thật nhanh qua bên kia sông. Tôi rất cảm động khi nhìn thấy chị em vượt qua khúc sông, vừa lội vừa nâng cối lên đầu, vừa vơ vỏ cây che lên trên. Chị em nữ pháo binh kiên cường vậy đó, thà hy sinh thân mình không để mất pháo”, bà Phạm Thị Nhung - nguyên Trung đội trưởng Đội pháo 60 ly của B11, Biệt động Sài Gòn kể.
Và chính những khẩu pháo, viên đạn được các chị quý hơn tính mạng của mình đã tiêu diệt hàng triệu tên giặc, phá hủy hàng ngàn vũ khí của chúng để non sông được thu về một mối...
Miệt mài đi tìm đồng đội
Bà Nguyễn Hồng Thanh - Đội nữ pháo binh Cà Mau - cho biết: “Phần lớn chị em trong đội pháo binh còn rất trẻ, từ 16 đến 20 tuổi. Nhiều em chưa một lần xa gia đình, hầu hết chưa từng biết đến súng đạn. Nhưng khi đi chiến đấu, ai cũng quyết tâm sắt thép vượt qua mọi cản ngại để mỗi quả pháo bắn ra đều trúng kẻ thù... Trong trận địch đổ quân ngày 23-1-1969, đồng đội của tôi là chị Lệ Thu và Ngọc Tuyết đã hy sinh tại chỗ”.
“Đêm 1-4-1972, chỉ với 8 quả đạn 82 ly, đội của chúng tôi đã bắn chính xác vào chi khu Định Quán gây cho địch nhiều thiệt hại. Năm 1975, đội cối Xuân Lộc chiến đấu 24 trận, diệt hàng chục tên địch, phá hỏng hàng chục xe tăng, 2 pháo 105 ly, tiêu hao 2 đại đội ngụy, đẩy lùi 1 trung đội... góp phần giải phóng Xuân Lộc. Để lập nên những chiến công này, chị Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Thu, Phạm Thị Gái và rất nhiều chị em khác đã hy sinh”, bà Đỗ Thị Thuận - nguyên Đội trưởng Đội cối huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) - xúc động.
Vì hoàn cảnh thời chiến nên những pháo binh như bà Thanh, bà Thuận đã chôn đồng đội ở trong rừng, dưới gốc cây... Và bây giờ, “Tôi có gia đình, hưởng hạnh phúc đời thường nhưng đồng đội tôi nằm đó bơ vơ, lạnh lẽo như chị Nguyễn Thị Thu bị địch bắn, ném xác xuống sông Ba. Chị Liễu, chị Cảnh, chị Vương, chị Nhẹ... cũng đã hy sinh. Chúng tôi đã từng chia ngọt sẻ bùi trong chiến đấu nhưng hòa bình thì có nhiều người đã tan vào cát bụi, hài cốt không biết nằm lại nơi đâu, không có được nấm mồ để đồng đội thắp nén hương tưởng niệm. Vì vậy tôi đã thu xếp việc gia đình, vượt qua bệnh tật để đi tìm đồng đội. Tôi xem việc làm này như nén hương gửi người đã khuất, để người hy sinh nếu có linh hồn cũng thấy được an ủi, ấm áp nơi thế giới bên kia...”, bà Hồ Thị Nhân - nguyên Khẩu đội trưởng cối 82 ly Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết.
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, chúng tôi - những nữ pháo binh tuổi trung bình 16, 17 tuổi căng tràn sức sống, được yêu, được lập gia đình và chăm lo cho tổ ấm nhưng tất cả phải gạt bỏ vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Hôm nay, đất nước hòa bình, nhiều chị em đã nằm lại chiến trường, nhiều chị em mang trong mình thương tích, nhiều chị em mất đi quyền làm vợ, làm mẹ...”, bà Nguyễn Hồng Mỹ - nguyên Đại đội trưởng Đại đội nữ pháo binh Cà Mau bồi hồi tâm sự.